287 Dinh Quan pagoda
Chùa Đình Quán (Phúc Quang Tự)
sông Nhuệnhà Trầnq.Bắc Từ LiêmChùa Đình Quán tức chùa Bà Bông có từ cuối thời Trần. Tên chữ: 福光寺 Phúc Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: Ngõ 68 Đình Quán, 2PXW+WFV, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 12km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Nhà Ga Minh Khai - Đường Cầu Diễn.
Lược sử
Tương truyền vào thời Trần có một công chúa đã cho xây chùa tại thôn Đình Quán và tu ở đó đến khi mất. Rồi tới thời Lê sơ một bà vãi quê làng Bông Cời, huyện Thanh Oai, đã bỏ tiền tu sửa, mua 3 mẫu ruộng cúng cho chùa và cũng sống hết đời mình ở đây. Nhân dân địa phương nhớ ơn bà nên đã đặt tên chùa là Bà Bông Tự, lại tạc tượng bà và thờ hậu ở trong tam bảo. Về sau này mới đổi tên chùa thành Phúc Quang Tự.
Năm 1984, dân làng khi đào ao đã tìm thấy một ngôi mộ cổ trong quan ngoài quách cách chùa chừng vài chục bước về phía bắc. Toàn bộ quan tài được phủ một lớp than dày 40cm, vật dụng tuỳ táng chủ yếu là đồ trang sức. Đây là nét đặc biệt trong cấu trúc mộ quách gỗ quý được biết xưa nay, cùng với tư liệu về khoảng mười ngôi mộ cùng loại được khai quật và nghiên cứu tại Việt Nam, có thể đoán niên đại mộ thuộc thời Trần.
- Trong chùa Đình Quán. Photo NCCong ©2018
Lưu ý làng Đình Quán có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Xung quanh nơi này các nhà khảo cổ học từng phát hiện di chỉ Ngoạ Long với các hiện vật có niên đại cách nay khoảng 20 thế kỷ.
Ngày 27-8-1996, chùa Đình Quán được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Suốt mấy trăm năm biến đổi, chùa Đình Quán trải qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Văn bia trong chùa cho biết các đợt lớn nhất đã diễn ra trong những niên hiệu như: Quang Hưng (1578-1599), Chính Hòa (1680-1705), Gia Long (1802-1819)... Từ những năm 1987–1999 đến gần đây chùa lại được xây lại và mở rộng. Tam quan cũ hiện giờ cũng đang chờ sửa chữa.
- Sân chùa Đình Quán. Photo NCCong ©2016
Chùa nằm trên một khu đất cao ráo, mặt quay về phía tây nam nhìn ra cánh đồng cũ. Sau tam quan là vườn cây rồi đến một sân gạch rất rộng có hai nhà bia và tượng đài Quan Âm đứng ở giữa. Tam bảo xây kiểu tường hồi bít đốc, tiền đường 5 gian 2 chái kết nối với hậu cung 4 gian theo hình “chữ Đinh”; hai bên phía sau là nhà Tổ, nhà Mẫu và nhà khách. Góc sân phía tây giáp vườn tháp ở trước khu nhà mới. Tường phía đông nam mở 2 cổng phụ ra xóm, thông xe với ngõ 68 Đình Quán.
Di vật
Hiện nay trong chùa lưu giữ được nhiều hiện vật quý có giá trị về lịch sử, nghệ thuật gồm 34 pho tượng Phật, 13 tấm bia đá và các hoành phi, câu đối... Đặc biệt có một bài văn bia của Phùng Khắc Khoan (1527-1613) và quả chuông đồng lớn đúc năm Gia Long 18 (1819), trên chuông này có ghi rõ tên chùa là Bà Bông Tự.
- Bia chùa Đình Quán. Photo NCCong ©2016
Trên chính điện bày 5 lớp tượng Phật. Sát tường hậu thượng điện bên phải là tượng Quan Âm Toạ Sơn, bên trái là tượng Quan Âm Tống Tử. Còn tại toà tiền đường có đặt các tượng Đức Ông, Thánh tăng, Hộ pháp... Cách bài trí giống như vẫn phổ biến trong những ngôi chùa Bắc Tông ở miền Bắc nước ta. Phần lớn các pho tượng đều mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII-XIX.
Di tích lân cận
- Chùa Đức Diễn: Ng. 23 Đức Diễn, phường Phúc Diễn.
- Chùa Văn Trì: ngõ 70 Văn Trì, phường Minh Khai.
- Đình Kiều Mai: phố Phúc Kiều, phường Phúc Diễn.
- Đình Ngoạ Long: Ngh. 53/59 P. Ngọa Long, phường Minh Khai.
- Đình Văn Trì: số 25 ngõ 70 Văn Trì, phường Minh Khai.
- Miếu Đồng Cổ: số 132 đường Cầu Diễn, phường Minh Khai.
287 chua Dinh Quan ©NCCông 2011-2024