300 West Lake

Hồ Tây

hồ đầmquận Tây Hồthắng cảnh

Hồ Tây còn có các tên cổ: Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Xác Cáo, Nga My, Tây Hồ. Diện tích mặt nước 526 ha, chu vi 18 km. Tọa độ 21°3′18″N 105°49′12″E (Phủ Tây Hồ). Cách Hồ Gươm: chừng 3km về phía tây bắc. Xe bus đi qua bờ Đông: 50; bờ Tây: 13, 25, 33, 55, 96; bờ Nam: 14, 45; bờ Bắc: 31, 33, 41, 55, 58.

Huyền thoại và địa lý

Vốn là một đoạn sông Hồng cổ còn rớt lại sau khi đã đổi dòng, Hồ Tây hiện nay có diện tích rộng hơn 526 ha, với con đường bao quanh dài hàng chục dặm. Sách “Tây Hồ chí” ghi rằng, Hồ Tây có từ thời Hùng Vương, bấy giờ nơi đây là một bến nằm giáp sông Hồng thuộc động Lâm Ấp, nên được gọi là bến Lâm Ấp thuộc thôn Long Đỗ. Ở vào thời Hai Bà Trưng bến này ăn thông với sông Hồng, bao bọc quanh hồ là rừng tre ngà, bàng, lim, lau sậy, gỗ tầm.... Ngoài động Lâm Ấp, bờ phía Tây có Già La Động (nay là Quán La thuộc phường Xuân La), bờ phía Đông có Nha Lâm Động (nay là phố Yên Ninh, Hòe Nhai), bờ phía Nam có Bình Sa Động (thời Lý đổi là Giáp Cơ Xá nay thuộc quận Hoàn Kiếm). Cư dân sinh sống ở đây rất thưa thớt, họ sống chủ yếu bằng nghề săn bắt thú rừng, tôm, cua, cá và trồng trọt.

Panorama ©NCCong 2019

Một vùng sóng nước mênh mang, Hồ Tây hấp dẫn ngay ở những truyền thuyết về nguồn gốc và những cái tên của nó. Truyện “Hồ Tinh” kể rằng, xưa ở phía tây bắc thành Đại La có con cáo chín đuôi ẩn nấp làm hại dân, Long Quân dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ gọi là hồ (đầm) Xác Cáo. Truyện “Không Lộ đúc chuông” lại kể, sư Không Lộ có tài thu đồng đen của phương Bắc, đem đúc thành chuông, khi thỉnh, tiếng vang tận phương Bắc. Đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ, đến đây quần thảo làm đất sụt thành hồ khiến hồ có tên là Kim Ngưu (Trâu Vàng).

Hồ trong sáng như gương, sóng vỗ dạt dào nên gọi là Lãng Bạc. Hồ cong cong như vầng trăng khuyết nên gọi là hồ Nga My. Theo thư tịch cổ, hồ được gọi là Dâm Đàm (đầm Mù Sương) vào thời Lý, thế kỷ XI. Hồ ở phía tây kinh thành Thăng Long thời Lê nên từ thế kỷ XV được gọi là Hồ Tây. Dưới con mắt các thầy địa lý, Hồ Tây là “động thiên phúc địa”. Đất Hồ Tây có thế Long phượng trình tường - Phượng hoàng ẩm thủy (uống nước), trên thì thuận trồng dâu nuôi tằm, dưới thì tiện giao thông, chài lưới...

Di tích ven hồ

"Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương / Mịt mù khói tỏa ngàn sương / Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ..."

Chùa Trấn Quốc và đường Cổ Ngư. Panorama ©NCCong 2014

Xung quanh Hồ Tây xưa có 13 làng: đỉnh hồ ở góc tây bắc là làng Nhật Tân, đi ven đê sông Hồng về phía đông là 4 làng Quảng Bá, Tây Hồ, Nghi Tàm, Yên Phụ. Đi hết đường Cổ Ngư (nay là Thanh Niên) về phía bờ nam rồi rẽ sang phải là 5 làng Thụy Khuê, Hồ Khẩu, Đông Xã, An Thọ và Yên Thái (An Thái) tức Kẻ Bưởi với nghề làm giấy dó cổ truyền. Bờ tây có 3 làng Vệ Hồ, Trích Sài và Xuân La.

Các làng trên nay đã thành phố phường nhưng nhiều di tích vẫn còn khá nguyên vẹn. Chỉ tính riêng khu vực ven hồ Tây đã có 12 chùa, 5 đền và 4 ngôi đình được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Trong số báu vật còn lưu giữ được ở đó, đáng lưu ý tới 102 tấm bia đá, 165 đôi câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông đồng và hơn 300 pho tượng cổ cùng khoảng 60 đạo sắc phong của những vua chúa thời xưa.

Trên bán đảo nhỏ phía đông hồ Tây có Trấn Quốc Tự nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng và cổ kính nhất của Hà Nội. Cạnh đó, phía bắc hồ Trúc Bạch có một gò đất nhỏ, trên gò có đền thờ Cẩu Nhi gắn với chuyện Lý Công Uẩn dời đô. Hồ Trúc Bạch vốn là một phần của Hồ Tây, vào thế kỷ XVII dân hai làng Yên Hoa (nay là Yên Phụ) và Yên Quang (nay là phố Quán Thánh) đã đắp con đê Cổ Ngư để ngăn ra thành nơi nuôi cá.

Chùa Tảo Sách và đường Vệ Hồ. Panorama ©NCCong 2014

Bờ phía tây có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh Phạm Thị Ngọc Đô, thứ phi của vua Lê Thánh Tông, gắn với truyền thuyết diệt hồ ly tinh ở làng Trích Sài. Dọc theo đường Vệ Hồ còn có chùa Vạn Niênchùa Tảo Sách, từng là một trong các cơ sở tu tập của thiền phái Tào Ðộng vào gần cuối thế kỷ XVI.

Phía bắc hồ có chùa Kim Liên, thờ công chúa Từ Hoa, người đã dạy dân làng Nghi Tàm trồng dâu nuôi tằm, xe tơ dệt lụa. Nghi Tàm cũng là quê hương của Bà huyện Thanh Quan. Làng Nhật Tân có những vườn đào danh tiếng, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Đình Nhật Tân thờ thánh Uy Linh Lang, nhân vật huyền thoại thường hiển linh những lúc nguy nan, cứu giúp nhân dân khỏi nạn lũ lụt.

Phủ Tây Hồ. Photo NCCong ©2019

Làng Tây Hồ có phủ Tây Hồ linh thiêng và là một thắng cảnh của Hà Nội. Phủ nằm trên doi đất hình kim quy, giữa dạt dào sóng nước, bên trái có long chầu, bên phải có hổ phục, một điểm hành hương của những đệ tử đạo Mẫu và khách thập phương. Cũng như ở đền Bà Kiệu ven Hồ Gươm, phủ Tây Hồ thờ bà chúa Liễu Hạnh, một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian, hội đủ những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Câu chuyện về cuộc tao ngộ văn chương đầy mộng mơ giữa Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613) và bà chúa Liễu Hạnh là một lý giải vì sao những người đang yêu, đặc biệt là phụ nữ lại thích đến đây để cầu duyên và những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình.

Phía nam hồ có đền Quán Thánh và chùa Bà Đanh thuộc địa phận làng Thụy Khê. Xa chút nữa theo hướng tây là chùa Tĩnh Lâu với những cây trái um tùm thuộc làng Hồ Khẩu. Tiếp theo có chùa Võng Thị. Gần đó là đền Đồng Cổ xây dựng năm 1028 thời vua Lý Thái Tông, thờ thần núi Đồng Cổ và nổi danh với hội thề Trung hiếu. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, cứ dịp mùng 4 tháng Tư âm lịch hàng năm, vua cùng trăm quan lại đến đền Đồng Cổ cùng thề "Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết"...

©NCCong 2014, West Lake