308 Thien Phuc pagoda

Chùa Thiên Phúc (Cửa Nam)

quận Hoàn Kiếmthời Nguyễn

Chùa Thiên Phúc còn gọi là chùa Tây Cú, có từ đầu thế kỷ XIX. Tên chữ: 天 福 寺 Thiên Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: số 94 phố Hai Bà Trưng, 2RGV+W7, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 500 m (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: 104 Lê Duẩn, 7 Nguyễn Thái Học, 12A Điện Biên Phủ.

Lược sử

Chùa có tên chữ Thiên Phúc Tự (天福寺). Tên khác là An Trung Tự, mang dấu vết còn sót lại của thôn An Trung, một ngôi làng Việt cổ nằm ở phía bên ngoài Cửa Nam của hoàng thành Thăng Long. (Dấu vết thứ hai là đình An Trung, nay cũng thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội).

Bên cạnh thờ Phật, trong chùa còn thờ Đức Thánh Trần và thờ Mẫu theo truyền thống lâu đời của dân tộc, mặc dù thôn An Trung từ thế kỷ XX đã đô thị hóa hoàn toàn. Tương truyền chùa được đặt móng cùng một ngày với đền Lý triều Quốc sư, tức là vào đầu thời Lý. Cho đến nay cũng không ai biết đích xác năm thành lập chùa Thiên Phúc, giới nghiên cứu thì đoán định là vào khoảng cuối thời Lê hoặc đầu thời Nguyễn.

Cổng chùa Thiên Phúc. Photo ©NCCong 2016

Theo bài ký “Thiên Phúc Tự Bi” do cư sĩ Đỗ Lý soạn vào năm Khải Định 7 (1920) và được khắc trên tấm bia đá duy nhất còn lại tại đây thì bà Bùi Thị Bốn, hiệu Diệu Tín, vợ goá của một người Pháp, đã xuất tiền nhà để mở rộng ngôi chùa. Trước đó 30 năm, chồng bà đã tu bổ Thiên Phúc Tự, có lẽ vì thế mà dân gian gọi là chùa Tây Cú. Trải qua nhiều lần trùng tu nhưng cho đến nay chùa vẫn giữ phong cách nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn được định hình từ cuối thế kỷ XIX.

Kiến trúc

Đến năm 2007 chùa lại được đại tu. Cổng chùa nhìn về phía tây nam được làm kiểu ngũ môn quan đồ sộ, gồm 3 toà lầu 8 mái và 2 toà tháp ở hai bên, 5 cửa dưới mở ra đoạn cuối của phố Hai Bà Trưng và mang số nhà 94. Cửa phụ dẫn khách đi qua hành lang dọc hai bên sân gạch đến các điện thờ Bồ tát Quan Âm và Địa Tạng Vương nằm ở cuối tầng 1.

Tầng dưới chùa Thiên Phúc. Photo ©NCCong 2016

Ngay sau cửa chính là hòn non bộ và các tháp nhỏ ở sân trước cầu thang dẫn lên tòa Tam bảo. Trên tầng 2 có hàng hiên nối Phật đường ở giữa với Tổ đường ở cánh tả, thông ra tháp lớn với gác chuông, gác chiêng, gác trống. Hàng hiên này cũng thông sang cánh hữu, nơi có điện thờ công chúa Liễu Hạnh, ông Hoàng Ba, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Mười và Động Sơn Trang.

Di vật

Hiện nay trong chùa Thiên Phúc vẫn giữ được nhiều cổ vật vừa có giá trị nghệ thuật cao vừa phong phú về nội dung thể loại và chất liệu. Đáng chú ý là bức cửa võng ở Phật điện được chạm thủng hình “lưỡng long chầu nhật”, hai bên là cột chạm lộng hình “long mã hà đồ, thần quy lạc thư” gắn với thuyết “âm dương ngũ hành”. Các pho tượng bằng gỗ và đất luyện phản ánh nghệ thuật điêu khắc dân gian của hai thế kỷ XVIII-XIX, đặc trưng cho văn hoá của vùng nông thôn miền Bắc Việt Nam.

Tầng trên chùa Thiên Phúc. Photo ©NCCong 2016

Tại Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16 tháng 11 năm 1988, chùa Thiên Phúc được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCong 2016-2017, 天 福 寺 Thien Phuc pagoda