344 Hoa Ma pagoda

Chùa Hòa Mã (Thiên Quang Tự)

q.Hai Bà TrưngLê trung hưngsông Hồng

Chùa Hòa Mã có từ thế kỷ XVIII. Tên chữ: Thiên Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: 2V83+73, số 3 Phùng Khắc Khoan, P. Ngô Thì Nhậm, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 2 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: 32 phố Nguyễn Công Trứ (xe 23), 83a Trần Xuân Soạn (30), 149 Phố Huế (08, 31, 35a, 36, 38, 52, CNG03).

Lược sử

Thôn Hòa Mã vào thời Lê trung hưng vốn thuộc phủ Phụng Thiên và mang tên Đổi Mã (thay ngựa). Nơi đây từng có cung Đổi Mã tức điện Canh Y (đổi y phục), được xây trên gò Kim Quy. Hàng năm vào đầu mùa xuân, nhà vua cùng đoàn tùy tùng đến Canh Y thì dừng chân, thay áo, đổi ngựa và làm lễ trước khi sang tế trời ở đàn Nam Giao.

Lễ tế trời là một trong hai nghi lễ lớn nhất của các vị vua Việt Nam, được thực hiện từ thời Lý đến thời Nguyễn. Tấm bia lớn tìm thấy dưới thời Pháp thuộc tại di tích của đàn Nam Giao (ngay sát mặt đông chùa Vân Hồ, gần đền Hòa Mã) đã được dựng lại trong khuôn viên của viện Viễn Đông Bác Cổ tức Bảo tàng lịch sử quốc gia Việt Nam bây giờ.

Ngõ vào chùa Hòa Mã. Ảnh NCCong ©2018

Chùa Hòa Mã tên chữ là Thiên Quang Tự (Ánh Sáng Trời), tương truyền có từ thời Lý. Thôn Hòa Mã thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội, được lập từ đầu thế kỷ XIX dưới triều vua Minh Mệnh thời Nguyễn. Cổng chùa quay về hướng tây, nay mang số 3 phố Phùng Khắc Khoan, du khách qua cổng bước vào con ngõ cũng là lối vào đền và đình Hòa Mã.

Tại quần thể di tích này, nhân dân sở tại thường mở hội một năm hai lần vào ngày 15 tháng giêng và mồng 8 tháng 4 âm lịch. Với các ý nghĩa lịch sử văn hóa phong phú như vậy, ngày 12-12-1986 cụm di tích đình-đền-chùa Hòa Mã đã được xếp hạng Di tích quốc gia tại quyết định số 235-VH-QĐ của Bộ Văn hóa - Thông tin. Sau này do ẩm mốc làm hỏng, Bộ phải cấp lại quyết định.

Sân chùa Hòa Mã. Ảnh NCCong ©2018

Kiến trúc

Lần sửa đầu tiên của chùa Thiên Quang Tự là năm Gia Long thứ 13 (1814). Chùa chính xây theo kiểu "chữ Đinh". Thượng điện rộng 4 gian, được tu bổ năm Tự Đức thứ 9 (1856). Tòa tiền đường rộng 5 gian được làm lại vào năm Thành Thái thứ 17 (1905), mặt quay về hướng nam, đền Hòa Mã ở bên trái, nhà khách và đình Hòa Mã ở bên phải.

Ngoài 3 lần trùng tu vừa nói, nhà chùa đến năm 1990 đã cho sửa chữa toà Tam bảo bằng tiền công đức. Đầu thế kỷ XXI chùa lại được trùng tu, tô tượng nhưng vẫn giữ dáng vẻ cũ, mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc thời Nguyễn. Năm 2001 nhà nước tổ chức di dời các hộ dân lấn chiếm; đến 2008 thì tu bổ xong nhà Tổ 5 gian ờ phía sau và hai dãy tả hữu vu.

Di vật

Hệ thống tượng Phật giáo tại chùa Hòa Mã khá đa dạng, phong phú và có giá trị cao về mỹ thuật điêu khắc. Đáng chú ý là 3 bức phù điêu tạc Tam thế Phật có từ thời Lê, các tượng Nam Tào, Địa tạng vương Bồ Tát, Quan âm Tống tử, Thập điện Diêm Vương, Bồ đề Đạt ma, và 5 pho tượng Tổ của chùa…

Bia chùa Hòa Mã. Ảnh ©NCCong 2018

Tại sân sau là 2 ngôi tháp 3 tầng xây gạch gắn bia, trong tháp đặt xá lị của các vị sư trụ trì đã mất. Bên ngoài và cả trong thượng điện lại có các bia đá khác, đáng lưu ý tấm bia "Thiên Quang thiền tự bi ký". Ngoài ra nhà chùa còn lưu giữ khá nhiều hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, bao gồm một quả chuông đồng được đúc vào thời Nguyễn, bình gốm và các bức hoành phi, câu đối….

Di tích lân cận

©NCCong 2015-2019, Hoa Ma pagoda