354 Duc Hau community hall

Đình Đức Hậu

huyện Sóc SơnTam Giangsông Cà Lồ

Đình Đức Hậu có từ thế kỷ XVII. Thờ: Trương Hống và Trương Hát (thánh Tam Giang). Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 6VMM+RG, thôn Đức Hậu, Đức Hoà, Sóc Sơn, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 31km (hướng 12h). Trạm bus lân cận: Phòng khám đa khoa Xuân Giang (xe 56B)

Du khách từ Hà Nội có thể đến Bến xe Nam Thăng Long lên bus 56B rồi xuống điểm dừng “Phòng khám đa khoa Xuân Giang” gần ngã tư Thá - Xuân Giang (Sóc Sơn), nơi chỉ cách địa phận tỉnh Bắc Ninh mỗi con sông Cà Lồ. Từ đó thả bộ hoặc đi xe ôm theo con đường dẫn xuống phía nam hơn 1 km thì sẽ đến làng Đức Hậu và nhìn thấy một hồ nước hình chữ nhật. Cuối hồ là cổng vào đình ở ngay sát cổng chùa Đức Hậu (Linh Sơn Tự).

Lược sử

Giống như ở đền Thụy Hương, đình Đức Hậu thờ các Thánh Tam Giang, theo thần phả gồm anh em Trương Hống và Trương Hát, quê làng Vân Mẫu, huyện Quế Dương, xứ Kinh Bắc (nay là thôn Hai Vân, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh). Năm 547 khi Triệu Quang Phục theo lệnh Lý Nam Đế ra giữ nước Vạn Xuân, hai anh em đã có công tham gia phòng thủ chống quân xâm lược nhà Lương.

Sân đình Đức Hậu. Ảnh NCCong ©2017

Năm 548 Triệu Quang Phục lên ngôi, phong thưởng thực ấp cho Trương Hống làng Tiên Tảo, huyện Kim Anh (nay là thôn Tiên Tảo, xã Việt Long, cách Đức Hậu 2km) và cho Trương Hát làng Tam Lư, huyện Đông Ngàn (nay là thôn Tam Lư, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh). Năm 571 Lý Phật Tử đánh úp Triệu Việt Vương, các ngài bèn tự vẫn tại Ngã ba Xà trên sông Như Nguyệt vào ngày 10 tháng Tư âm lịch; về sau được nhân dân những làng xã ven sông Cầu, sông Đuống, sông Cà Lồ thờ phụng.

Truyền thuyết kể rằng các ngài đã hiển linh và đọc bài thơ “Nam quốc sơn hà” hai lần: giúp vua Lê Đại Hành năm 981 và giúp Thái uý Lý Thường Kiệt năm 1075 thắng giặc phương Bắc. Truyền thuyết này được ghi vào sách “Việt điện u linh” năm 1329, sau đó chép ở các sách: Đại Việt sử kí toàn thư, Việt sử tiêu án, Việt sử tiệp kính, Lịch triều hiến chương loại chí, Đại Nam nhất thống chí, Lĩnh Nam chích quái, Thiên Nam vân lục liệt truyện, Mã lân dật sử, Việt sử diễn âm, Việt sử quốc âm, Thiên Nam ngữ lục và các bản thần tích...

Hông đình Đức Hậu. Ảnh NCCong ©2022

Hai ngài được vua Trần Nhân Tông sắc phong “Như Nguyệt Khước Địch Đại Vương” năm Trùng Hưng thứ nhất, năm thứ tư gia phong mỹ tự “Thiện Hựu Dũng Cảm”. Các triều vua về sau đem quân chống giặc phương Bắc tại sông Cầu đều được Thần âm phù đánh thắng và đã có sắc phong cao nhất là "Tam Giang thượng đẳng thần".

Kiến trúc

Từ con đường ven hồ đi qua cổng lớn ta thấy bên phải là sân chùa và bên trái là sân đình. Giống như đền Thụy Hương, đình Đức Hậu có mặt bằng nền với bố cục “Tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Tòa tiền tế của đình gồm 2 chái xây bịt và 5 gian giữa để trống cả trước lẫn sau. Bước qua sân hẹp làm giếng trời ta sẽ vào toà đại bái 3 gian 2 chái, mặt trước có cửa gỗ bức bàn, mặt sau nối với nhà cầu 2 gian.

Đại đình Đức Hậu. Ảnh NCCong ©2017

Tòa hậu cung 3 gian được xây kiểu đầu hồi bít đốc tay ngai, mái trước chồng diêm 2 mái băng giải muống; mái sau 1 mái, phía trong có gác tường. Nền đình vì giữa giải muống cao hơn đại bái tới 80cm nên có 2 lối lên với 3 bậc. Trên nóc hậu cung có ghi chữ Hán "Duy Tân nhị niên" (1908) nhưng không rõ là năm xây mới hay sửa cũ.

Di sản

Tiền tế có bộ mái cong, còn lại bào trơn soi gờ, chỉ chạm ở các đầu bẩy, đầu con giường, thân kẻ. Đại đình là nơi chủ yếu có các mảng chạm nổi bong kênh kiểu rồng có tai và nhiều thú vật như hươu, chuột, sóc, các loại rồng mình thú với hình người trên đầu rồng, phụ nữ cưỡi rồng v.v. có một số trang trí hoa lá cách điệu.

Trong đình Đức Hậu. Ảnh NCCong ©2017

Bên trong đình vẫn giữ được một số mảng chạm gỗ đẹp trên kiến trúc ít nơi thấy. Ngoài ra, còn có 1 bức phù điêu gỗ mang phong cách nghệ thuật điêu khắc dân gian, chạm hình Thánh Tam Giang với mẹ và em gái.

Ngày 10-3-1994, đình (và chùa) Đức Hậu được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2016-2017, Duc Hau community hall