361 Thuong Cat community hall

Đình Thượng Cát

thời Hai Bà Trưngquận Bắc Từ Liêmsông Hồng

Đình Thượng Cát có từ thế kỷ XVII. Thờ 3 tướng của Hai Bà Trưng: Quách Lăng, Đinh Bạch Nương, Đinh Tĩnh Nương. Lễ hội: 10 tháng Ba âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: 3PJR+53, phố Sùng Khang, Phường Liên Mạc, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 18km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: phố Thượng Cát (xe 20c), phố Tây Tựu (57)

Cổng đình Thượng Cát mở ra phố Châu Đài, trước mặt là một hồ nước rộng, sâu, có thể đua thuyền, xung quanh có tường hoa bao bọc. Cách vài trăm bước là cổng làng khá cao to và con dốc leo lên đoạn đê chạy dọc bờ nam sông Hồng. Du khách có thể đến thăm nơi đây từ phía cầu Thăng Long theo lối đê Liên Mạc hoặc từ phố Tây Tựu rẽ qua phố Kỳ Vũ.

Lược sử

Làng Đại Cát xưa có tên là Hạ Cát. Dân gian kể rằng tên đó liên quan đến việc năm 577 Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử giao chiến bất phân thắng bại phải nghị hoà, lấy bãi Quân Thần Châu làm mốc vạch ranh giới chia đôi đất nước Vạn Xuân do Lý Nam Đế để lại. Một phía đường này gọi là Thượng Cát, thuộc quyền cai quản của Triệu Quang Phục. Phía kia gọi là Hạ Cát, thuộc Lý Phật Tử. Ranh giới đó gần trùng với đoạn đường DT70a hiện nay đi từ đê Thượng Cát xuống vùng Văn Điển.

Cuối năm 2013, ngôi làng này trở thành một bộ phận của phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Phường được thành lập trên cơ sở toàn bộ 389 ha diện tích tự nhiên và hơn 1 vạn nhân khẩu của xã nông nghiệp Thượng Cát, trước đó thuộc về huyện Từ Liêm ngoại thành.

Cổng đình Thượng Cát. Photo ©NCCong 2017

Phường Thượng Cát gồm hai thôn Đông Ba và Thượng Cát, hiện Thượng Cátlà các tổ dân phố: Thượng Cát 1, Thượng Cát 2, Thượng Cát 3, Thượng Cát 4, Đông Ba 1, Đông Ba 2, Đông Ba 3. Hiện nay phường đang trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng với nhiều ruộng đồng bị chuyển đổi mục đích sử dụng. Mật độ dân số năm 2013 đã đạt 2572 km²/người.

Ngôi đình Thượng Cát thờ thành hoàng làng gồm 3 vị tướng có công lớn trong triều đại của Hai Bà Trưng là Quách Lăng, Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương. Đình có từ thế kỷ XVII, căn cứ vào niên đại Vĩnh Tộ 6 (1624) triều vua Lê Thần Tông, thời Lê Trung hưng, ghi trong đạo sắc phong sớm nhất lưu giữ được.

Kiến trúc

Đình làng Thượng Cát tọa lạc trong một khuôn viên rộng có tường bao; mặt bằng kiểu "nội Công ngoại Quốc". Tam quan gồm 4 trụ biểu xây gạch tạo thành 3 cổng với những cánh cửa gỗ, phía trên có các mái che xinh xắn và đầu đao hơi cong. Cổng giữa đắp hình hổ phù ngậm vành trăng, nhìn về hướng đông-nam ra hồ đình. Do cứ tôn mãi mặt phố Châu Đài nên bây giờ khi mưa to là sân đình ngập nước. Ngay phía sau tam quan có một bia đá hình vuông đã mòn hết chữ.

Hồ đình Thượng Cát. Photo ©NCCong 2017

Sân đình được che mát bởi 4 cây muỗm cổ thụ, hai bên sân có dãy nhà tả hữu vu. Toà đại bái dài đến 30m, sâu chừng 14m, gồm 5 gian 2 dĩ với các cửa gỗ bức bàn, chấn song con tiện. Bộ mái lợp ngói ri với các đầu đao uốn nhẹ, dựa lên các cột cái đường kính 53cm, cột quân 40cm, chân cột kê lớp đá tảng vuông 87x87cm đỡ lớp đá hình tròn đường kính 60cm. Thềm gian giữa bày đôi sấu đá thời Lê Trung hưng. Phía trước là toà tiền tế kiểu phương đình 2 tầng 8 mái, dựa trên 12 cây cột vuông thanh thoát.

- Xem: Sân đình Thượng Cát. Panorama ©NCCông 2017

Bên trong đình vẫn còn hai bộ vì giữa có các mảng trang trí từ thế kỷ XVII. Kẻ chạm nổi đôi rồng nô giỡn, người cưỡi rồng, cưỡi ngựa có tiểu đồng gánh hành lý theo sau và hình người ngồi trầm ngâm trên mỏm đá. Bốn bức cốn nách được chạm lộng nhiều lớp với các đề tài rồng ổ, phượng, long mã, tiên cưỡi rồng lớn chầu mặt trời, đuôi rồng bị một rồng nhỏ ngậm chặt.... Những bộ vì bên các rường, kẻ, xà được chạm nổi bong kênh với các hình vân mây, rồng, long mã và cỏ cây hoa lá mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.

Hậu cung chỉ làm đơn giản với các ván bưng hai mặt bên, phía trước có cửa bức bàn, trên cửa treo một vòng tròn lớn. Bên trong đặt long ngai, bài vị của các thành hoàng.

Sân đình Thượng Cát. Photo ©NCCong 2017

Di sản

Trải qua 4 thế kỷ, hiện giờ trong đình vẫn lưu giữ 33 đạo sắc phong của các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Đạo đầu tiên ghi niên hiệu Vĩnh Tộ 2 (1620), đạo cuối cùng đề năm Khải Định 9 (1924). Ngoài các bức hoành phi, còn có những câu đối chữ Hán đầy hào khí về thời đại Hai Bà Trưng, chẳng hạn:
- Thiên phương thụ Sở Bắc kình địch nan dữ tranh phong oanh liệt nhất trường Lãng Bạc hồ vân do tưởng tượng (Mệnh trời cho Sở, giặc mạnh phương Bắc khó tranh hơn, chiến trường oanh liệt mây hồ Lãng Bạc còn tưởng tượng)
- Nghĩa bất đế Tần Nam nữ vương khả kham cộng sự hưng vong trần tích quân thần giới kệ hợp tuyên bi (Nghĩa chẳng tôn Tần, vua Bà nước Nam cùng hợp sức, dấu bụi mất còn, sự tích vua tôi bia khắc chung).
Hoặc:
- Thần phả bổ di biên, sử thượng Lạc Hồng truyền dị tích (Phả thần thêm di sách, trên sử Lạc Hồng truyền tích lạ)
- Quốc kỳ tiêu độc lập, quân tiền tượng mã kỷ nguyên huân. (Cờ nước nêu độc lập, trước quân voi ngựa chép công đầu).

Chính điện đình Thượng Cát. Photo ©NCCong 2017

Lễ hội làng được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng Ba âm lịch để tưởng nhớ công đức của các vị thành hoàng. Đến nay ngôi đình đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần, nhưng bia đá, sắc phong và những hiện vật quý giá khác vẫn đứng vững qua thử thách thời gian.

Ngày 22-4-1992, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình Thượng Cát [và chùa Kỳ Vũ] là Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2020, Thuong Cat community hall