369 Kham Thien street

Phố Khâm Thiên

q.Đống Đaphố

Phố Khâm Thiên dài 1,2km từ ngã tư Nguyễn Thượng Hiền - Lê Duẩn đến ngã bảy Ô Chợ Dừa - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Xã Đàn - Đê La Thành. Nay thuộc: 4 phường Nguyễn Du, Khâm Thiên, Thổ Quan, Ô Chợ Dừa, Q. Đống Đa, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 2,2km (hướng 7h). Trạm bus trên phố: xe 01, 09, 30, 41, 49.

Lược sử

Phố mang tên Khâm Thiên vì ở gần rào chắn đường sắt phía đầu phố vốn có một đài thiên văn của Khâm thiên giám 欽 天 監 được thành lập dưới đời vua Gia Long. Đến đời Minh Mệnh thì cơ quan này do một vị đại thần đầu ngành khác sang kiêm nhiệm. Khâm thiên giám có chức năng quan sát và chiêm nghiệm các hiện tượng thiên văn, thời tiết, làm lịch, coi ngày, báo giờ để định mùa vụ cho dân, giữ đồng hồ báo canh ở điện Cần Chánh, bói toán và tư vấn cho vua quan triều đình về địa lý và phong thủy. Trước đó vào đời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) cũng đã có một cơ quan tương tự, gọi là “Tư thiên giám”.

Sau khi chiếm được nước ta, thực dân Pháp đã thay Khâm thiên giám bằng Nha khí tượng thủy văn với hệ thống các trạm quan trắc trên khắp lãnh thổ. Việc sử dụng dương lịch và chữ Quốc ngữ được phổ cập càng làm dân ta quên dần loại sách lịch cũ do Khâm thiên giám soạn bằng chữ Hán. Cơ quan này phải đóng cửa và đến thế kỷ XX thì di tích đài thiên văn bị mất hẳn, thay vào đó là trụ sở của một công ty bán dầu hỏa, dân ta gọi là “Nhà Dầu”.

Chùa Linh Ứng phố Khâm Thiên

Gần đài thiên văn cũ đã mọc lên một xóm “cô đầu” với những người đàn bà xinh đẹp, đàn giỏi, hát hay, phục vụ cho đám khách mê diễn xướng ca trù và thuốc phiện. Phố Khâm Thiên do vậy từng mang biệt danh “phố Cầm Ca”. Cho đến năm 1945 phố này thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông cũ.

Cũng dưới thời đó, phố Khâm Thiên từng là nơi cư ngụ trong những năm mới vào đời của Tạ Duy Hiển - ông bầu Đoàn xiếc Việt Nam đầu tiên. Trên phố còn có ngôi nhà số 157 mang tên Quảng Thiện Đường, nơi mà các đám tang đi từ nội thành (cũ) ra tạm dừng chân nghỉ rồi mới rước linh cữu đi tiếp về nghĩa trang Quảng Thiện ở cánh đồng Thanh Xuân. Tới thập niên 1960 nghĩa trang đó bị dời đi Thanh Tước để lấy chỗ xây khu công nghiệp Thượng Đình.

Cuối phố Khâm Thiên là Ô Chợ Dừa, một trong những cửa ô ở phía nam Hà Nội xưa kia. Di tích của tòa thành đất nối liền các ô là con phố Đê La Thành có mặt đường nhô cao hơn xung quanh. Sát ngay đó là di tích Đàn Xã Tắc, mới phát lộ năm 2006 khi người ta xây con đường Xã Đàn và đã phải lấp lại vì chưa hội đủ điều kiện tiến hành nghiên cứu khảo cổ học.

Cổng ngõ Khâm Thiên. Photo ©NCCong 2017

Phố Khâm Thiên dài 1.170m, có tới 26 con ngõ và hàng trăm cái ngách ngoắt ngoéo. Có thể đi tắt bằng lối ngõ Trung Tả rồi theo bờ hồ Văn Chương ra Hàng Bột, hoặc ngược ngõ Văn Chương vòng qua hồ Linh Quang lên ga Trần Quý Cáp, hoặc từ ngõ Chợ Khâm Thiên rẽ sang đường Lê Duẩn ở phía đông ... Vẫn còn nhiều cái tên cũ mới khác như ngõ Hồ Bãi Cát, ngõ Chùa Liên Hoa, các ngõ Vĩnh Khánh, Sân Quần, Đại Đồng, Hòa Bình, Khâm Đức, Lệnh Cư, Thổ Quan, Cống Trắng.

Phố đi qua địa phận mấy ngôi làng cổ, nay chỉ còn lưu danh trong tên các ngõ như Khâm Đức, Tương Thuận, Trung Tiền, Trung Tả, Thổ Quan, Lệnh Cư, Văn Chương. Ngõ Thổ Quan có đền thờ ba chị em họ Đào, tướng của Hai Bà Trưng. Ngõ Lệnh Cư có di tích Bãi Trận là nơi gõ lệnh xuất tiến của đoàn quân theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa vào mùa xuân năm 40. Thế kỷ XV hoàng tử Tư Thành nhỏ tuổi (sau này trở thành vua Lê Thánh Tông) đã sống với mẹ là bà Ngô thị Ngọc Dao bị đày tại chùa Huy Văn, nay chùa vẫn còn trong ngõ Văn Chương...

Ngõ Văn Chương, Khâm Thiên. Photo ©NCCong 2017

Hai năm trong tuổi thơ của tôi đã gắn liền với con đường hẹp và dài nhưng thẳng của ngõ Chợ Khâm Thiên. Đó là con ngõ đưa tôi từ làng Trung Tự đến ngôi trường tiểu học Trung Phụng, đi câu cá cùng bè bạn ở các con ngòi và hồ ao lân cận hay đi vào nội thành (cũ) với mẹ, v.v.. Sau này có dịp trở lại thăm, tôi thấy rất nhiều thứ đã không còn dấu vết. Các con ngòi đều bị thu hẹp thành cống rãnh, nước đen và bẩn không loài cá nào sống nổi.

Đọc lại những trang sử hào hùng của thủ đô, càng thấy “trận Điện Biên Phủ trên không” quả là một chiến thắng vĩ đại, dù đầy mất mát và hy sinh. Mỗi đêm trong dịp lễ Giáng Sinh cuối năm 1972 từng đoàn máy bay B52 đã ném bom rải thảm dữ dội nhằm hủy diệt thành phố Hà Nội, kể cả các khu dân cư phi quân sự. Đặc biệt đêm 26-12 dân phố Khâm Thiên đã phải chịu thiệt hại về nhà cửa và tính mạng nhiều nhất.

Đài tượng niệm Khâm Thiên. Photo ©NCCong 2017

Tại Khu tưởng niệm (gắn biển số 49) vẫn đứng sừng sững pho tượng người thiếu phụ đạp trên quả bom chưa nổ, hai tay nâng xác một trẻ thơ. Bên cạnh đó là tấm Bia căm thù khắc sâu tội ác phá đổ 534 căn nhà, làm hỏng nặng 1200 ngôi nhà khác, giết chết 283 thường dân và làm 262 người khác bị thương v.v..

Ngày 29-4-1979, Bộ Văn hóa ra quyết định 54/VH-QĐ công nhận Khu tưởng niệm Khâm Thiên là Di tích lịch sử quốc gia. Chiến tranh qua đi đã lâu, hầu hết các ngôi nhà được trùng tu hoặc xây mới, phía Ô Chợ Dừa hoàn toàn thay đổi. Ngày nay đây là một con phố sầm uất với biết bao cơ sở kinh doanh, xe cộ chạy như mắc cửi. Trên hè phố hẹp những cây bàng quen thuộc đang bị thay thế bằng giống bàng Đài Loan lá nhỏ. Rất nhiều di tích không còn nhưng các đình, đền và chùa cũ đang được xây lại to hơn.

Chùa Phụng Thánh, ngõ Cống Trắng, Khâm Thiên. Photo ©NCCong 2017

Di tích lân cận

Di tích bên phố

©NCCông 2015-2017, Kham Thien street