374 Huong Vien street

Phố Hương Viên

Phố Hương Viên dài chừng 300m, từ phố Đỗ Ngọc Du qua cổng đền Hai Bà Trưng rồi vòng quanh hồ Đồng Nhân, đoạn giữa nối với cuối dốc Thọ Lão. Nay thuộc: phường Đồng Nhân, Q. Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 3km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Lò Đúc (xe 04, 18, 36, 42, 44), BĐX Nguyễn Công Trứ (23, 30), Phố Huế (08, 31, 35, 38, 52)

Lược sử

Phố Hương Viên mới được đặt tên năm 1991, trước kia vốn là con đường chạy vòng quanh bờ hồ Đồng Nhân. Thôn Hương Viên ra đời khoảng năm 1831 dưới triều Minh Mạng (1820-1841), trên cơ sở sáp nhập bốn ngôi làng nhỏ: Hoa Viên, Nhân Chiêu, Đức Bác, Hành Môn; thuộc tổng Hậu Nghiêm (Thanh Nhàn), huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội (cũ).

Đình Đồng Nhân. Photo ©NCCong 2017

Đến nửa sau thế kỷ XIX, thôn Hương Viên đổi thành thôn Phương Viên. Năm 1898, khi thực dân Pháp xây dựng nhà máy rượu Fontaine thì con đường ở mặt phía nam nhà máy cũng được hình thành và gọi là Voie 268, tạo ra thêm một lối giao thông tốt cho làng Phương Viên. Sau này Voie 268 được đổi thành phố Nguyễn Công Trứ và lối vào làng có tên là phố Đồng Nhân, sau này tách ra làm hai: phố Đỗ Ngọc Du và phố Hương Viên.

Trên phố ngày nay có đủ cả ba ngôi trường phổ thông cho trẻ em trong phường. Nhưng điều đặc biệt trên phố này là một quần thể di tích rất nổi tiếng, bao gồm: chùa Viên Minh, đền Hai Bà Trưng và đình làng Đồng Nhân, được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia ngay từ đợt đầu tiên vào ngày 28-4-1962. Cả ba cùng nằm trong một khuôn viên rộng lớn với ngôi đền ở giữa và cổng tam quan kiểu trụ biểu nhìn ra hồ Đồng Nhân tức hồ Hương Viên xinh đẹp hình trái xoan.

Sân trước đền Đồng Nhân ©NCCong 2024

Đền Hai Bà Trưng còn gọi đền Đồng Nhân. Tại đây có 2 tấm bia đá rất quý cùng mang tên "Trưng Vương sự tích bia kí". Tấm bia ở nhà tiền tế do cử nhân Dương Duy Thanh soạn năm 1848, tấm bia ở sân đền rất lớn, do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840. Văn bia cho biết: "Sau khi tuẫn tiết, chân thân Hai Bà hóa đá, hiển linh ở bến sông Nhị Hà. Vua Lý Anh Tông (1142) sai lập đền ở bãi Đồng Nhân thờ rất linh ứng. Đến đời Nguyễn Gia Long (1819) thì dời đền thờ vào chỗ hiện nay".

Hai Bà Trưng được thờ ở rất nhiều đình đền trong các làng mạc hai bên sông Hồng. Hội đền Đồng Nhân mở hằng năm nhằm ngày 6 tháng giêng vào dịp Tết, là một lễ hội truyền thống thiêng liêng của nhân dân thủ đô Hà Nội nhằm tôn vinh hai nữ đại anh hùng đầu tiên của dân tộc. Đền từng trải qua nhiều lần trùng tu, riêng từ năm 2002 đã được cấp hơn 11 tỷ đồng. Đáng tiếc gần đây đền bị các cao ốc mới xây xung quanh che mất tầm nhìn.

Tiền đường chùa Viên Minh ©NCCong 2015

Viên Minh Tự là tên chữ của ngôi chùa làng Đồng Nhân, được xây dựng cùng với đền thờ Hai Bà Trưng vào năm 1819. Chùa đã được trùng tu vào các năm 1890, 1912, 1930, 1940, 1950, 1982 và gần đây. Chùa chính có kiến trúc hình chữ Công gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Các tượng thờ, pháp khí và các đồ thờ tự hầu hết mang phong cách thời Nguyễn. Sáng ngày 7-5-2016 tức ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch, tại đây đã tổ chức Lễ khởi công tu bổ tôn tạo chùa với kinh phí 18 tỷ đồng.

Di tích lân cận

©NCCông 2015, Huong Vien street