377 Co Nhue village

Làng Cổ Nhuế

làngquận Bắc Từ Liêmsông Nhuệ

Làng Cổ Nhuế hiện đã trở thành 2 phường Cổ Nhuế 1 và 2, thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Tên nôm: Kẻ Noi. Cách BĐX Bờ Hồ: 11 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: phố Cổ Nhuế (xe 14, 31).

Giới thiệu

Tương truyền ngôi làng Cổ Nhuế đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, lúc đầu có tên Nôm là Kẻ Noi. Về sau do dân cư đông đúc nên Kẻ Noi được tách dần ra thành 14 thôn nhỏ như hiện nay. Tuy nhiên các di tích lịch sử văn hóa như đình, chùa... đều tập trung ở 4 thôn cổ nhất trong số đó, bao gồm: thôn Hoàng, thôn Đống, thôn Trù, thôn Viên.

Du khách có thể đến đây bằng 3 tuyến xe bus khác nhau:

  • lên bus số 14 đến gần ngã phố Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng thì xuống và rẽ vào phố Cổ Nhuế.
  • lên bus số 28 hoặc 31, đến bến cuối là Đại học Mỏ thì xuống và rẽ vào phố Cổ Nhuế.
Gác chuông chùa Sùng Quang. Photo ©NCCong 2023

Ngày 21-6-1993, đình thôn Viên, chùa Anh Linh và chùa Sùng Quang đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Đến ngày 25-01-1994, ngôi đình Hoàng cũng được xếp hạng là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Ngoài những di tích kể trên, trong làng Cổ Nhuế lại có hai kiến trúc cổ khác còn lưu đến hiện nay là Từ đường họ Đỗ ở số 10 phố Cổ Nhuế và nhà thờ giáo xứ Cổ Nhuế ở ngõ 220 Cổ Nhuế.

Đình Hoàng. Photo NCCong ©2020

Đình thôn Hoàng nay thuộc phường Cổ Nhuế 1. Đây là nơi diễn ra một trong những lễ hội có truyền thống lâu đời nhất trên đất Hà Thành. Lễ hội được tổ chức cứ 5 năm một lần và kéo dài 3 ngày liền từ mùng 8 đến 10 tháng Hai âm lịch để kỷ niệm cuộc xuất quân dẹp giặc Văn Châu của Đông Chinh vương, hoàng tử thứ 5 của vua Lý Thái Tổ.

Đông Chinh vương và công chúa Minh Hiền

Tương truyền vào đời vua Lý Thái Tông, năm Thiên Thành thứ hai (1029), Đông Chinh vương nhờ thầy phong thuỷ tìm được đất đẹp dựng chùa thờ Phật ở Cổ Nhuế. Thấy dân còn nghèo, công chúa thứ tư là Minh Hiền đã bỏ tiền riêng ra xây. Khi dựng xong, chùa được đặt tên là Sùng Quang Tự (thường gọi chùa Cả). Sau khi công chúa mất, dân làng thờ bà làm hậu Phật ở bên tả.

Cổng đình thôn Viên. Ảnh NCCong ©2014

Đình thôn Viên nay thuộc phường Cổ Nhuế 2, cách đình thôn Hoàng khoảng 1,5km về phía tây bắc. Đình thôn Viên cũng thờ Đông Chinh vương làm thành hoàng cùng với phu nhân của ngài và công chúa Minh Hiền.

Công chúa Túc Trinh

Sau khi nhà Trần chiến thắng quân Mông Cổ vào năm Mậu Ngọ 1258, công chúa Túc Trinh Trần Khắc Hãn vâng lệnh cha là vua Trần Nhân Tông [tài liệu khác lại ghi là con vua Trần Thánh Tông] đi chiêu mộ và cấp tiền cho những người bị phiêu tán đến phía tây bắc kinh thành Thăng Long để khai hoang vùng đất bãi sông Nhuệ, gọi là Kẻ Noi.

Tam quan chùa Anh Linh. Photo ©NCCong 2014

Công chúa Túc Trinh rất mộ đạo Phật nên đã cho xây ở nơi đây một ngôi chùa được đặt tên là Anh Linh Tự (thường gọi chùa Bé). Cùng dân làng, bà đã mở mang được các trang ấp trù phú ở An Hội và Cổ Nhuế. Sau khi công chúa mất, dân làng đã lập ra một ngôi đền cạnh chùa Anh Linh để thờ bà, thường gọi là đền Bà Chúa.

Lễ giỗ Bà Chúa hàng năm được tổ chức tại đền trong 3 ngày từ 30 tháng 7 đến mùng 2 tháng 8 âm lịch, với sự tham gia đông đảo của cả nhân dân hai làng An Hội và Cổ Nhuế.

Cổng đền Bà Chúa (Kẻ Noi). Photo ©NCCông 2014

Di tích lân cận

©NCCông 2016-2017, Co Nhue village

Tập hồ sơ