386 Van Nien pagoda

Chùa Vạn Niên

q.Tây Hồnhà Lýhồ đầm

Chùa Vạn Niên xưa gọi Vạn Tuế, tương truyền có từ 1014. Tên chữ: Vạn Niên Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: số 364 phố Lạc Long Quân, 3R86+F9, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 7km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Ngã ba Lạc Long Quân - Nguyễn Hoàng Tôn.

Lược sử

Chùa Vạn Niên từng gọi là Vạn Tuế, tên chữ Vạn Niên Tự, tương truyền có từ thời Lý, thuộc địa phận ấp Quán La cũ. Sách “Thăng Long cổ tích khảo” viết “Chùa ở bờ Tây hồ Tây... Đời Lý năm Thuận Thiên 5 (1014), Hữu Nhai tăng thống xin tâu lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ, danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây”. Theo “Địa chí Thăng Long - Hà Nội trong thư tịch Hán Nôm” thì thời sau một vị danh tăng tên là Biện Tài đã từ Quảng Châu đến tu trì, có sách “Đối lục” lưu hành ở đời.

Trên quả chuông đồng "Vạn Niên Tự Chung” được đúc vào đời vua Gia Long có khắc một bài minh, theo đó ta biết chùa Vạn Niên vốn là một danh lam cổ ở phía tây kinh thành Thăng Long với kiến trúc bề thế. Câu đối ở hàng cột nhà bái đường cũng ghi rõ “Cổ tự trùng tu tân cảnh sắc / Vạn Niên kiến tạo cựu quy mô” (Chùa cổ trùng tu cảnh sắc mới / Vạn Niên sửa chữa quy mô xưa).

Cổng chùa trên phố Lạc Long Quân. Ảnh ©NCCong 2022

Đến cuối thế kỷ XX tuy khuôn viên không còn nguyên vẹn như xưa nhưng quang cảnh đẹp đẽ của ngôi chùa ven bờ Hồ Tây vẫn thu hút được rất nhiều Phật tử và du khách đến thăm. Năm 1996, chùa Vạn Niên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Trải qua bao thế kỷ đầy biến động thăng trầm, chùa Vạn Niên đã nhiều lần được sửa chữa và tôn tạo, đặc biệt sau đợt đại trùng tu năm 2012. Dáng vẻ ngôi chùa bây giờ vẫn mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Cổng cũ mở ra đường Vệ Hồ được làm lại theo kiểu tam quan chùa Kim Liên và bức tường phía Đông cũng ốp gỗ như bức tường phía Tây.

Tiền đường chùa Vạn Niên. Ảnh ©NCCong 2022

Tam quan lớn phía Tây mở ra phố Lạc Long Quân, chủ yếu sử dụng vật liệu gỗ. Du khách qua cổng bước xuống vài bậc thì rẽ trái vào sân chùa. Tiền đường 5 gian nhìn về phía đông nam và kết nối với thượng điện thành hình chuôi vồ. Bên tả tiền đường là nhà Tổ và nhà thờ Mẫu Liễu Hạnh. Vườn phía Đông thì có một bảo tháp nhỏ xây kiểu Tây Tạng và lầu Quan Âm làm bằng gỗ, mái chồng diêm lợp ngói ta.

Di vật

Các cổ vật có giá trị cao về nghệ thuật và lịch sử còn giữ được tại đây bao gồm hơn 40 pho tượng tròn và 10 đạo sắc phong của các triều đại như Hậu Lê, Tây Sơn... Nhà chùa cũng mới an vị một pho tượng Phật Thích Ca cao hơn 1,3 m, nặng 600 kg, làm bằng đá quý tự nhiên ở Myanmar. Lại đặt thêm một viên ngọc cầu may và một bức tượng đúc bằng đồng đen nguyên khối, tạc hình đức Phật ngồi dưới gốc bồ đề cổ thụ, mặt hướng ra Hồ Tây.

Tượng Phật chùa Vạn Niên. Ảnh ©NCCong 2022

Di tích lân cận

386 chua Van Nien ©NCCông 2016-2023