389 Tranh luận

Cần một cơ chế mới cho khu phố cổ

tranh luận

Dù đồng ý hay không với ý tưởng tìm tên mới cho “Khu phố cổ Hà Nội” nhưng các kiến trúc sư đều thống nhất rằng ta chưa có một cơ chế quản lý hiệu quả để bảo tồn di sản quý giá này

Tên "Khu phố cổ" không còn phù hợp

- KTS Lê Thành Vinh [1]: Tôi rất hoan nghênh diễn đàn "Đi tìm tên mới cho khu phố cổ Hà Nội" này của báo Lao Động. Có xác định chính xác được giá trị của di sản, thì mới tựa vào đó để xác định được cách ứng xử với nó. Giá như vấn đề này được nhìn nhận sớm hơn thì có lẽ đã hạn chế được nhiều biến động đáng tiếc đối với khu phố này.

Bàn đến đô thị cổ và khu phố cổ, có nghĩa là bàn đến hai giá trị (về mặt vật thể): 1. Hình thái, cấu trúc tuyến phố. 2. Các công trình kiến trúc trên khu phố đó. Phố cổ Hội An đáp ứng được cả 2 tiêu chí đó. Còn khu 36 phố phường Hà Nội chỉ đáp ứng được tiêu chí đầu tiên với mạng lưới tuyến phố cổ, những ngôi nhà hình ống, quy mô nhỏ...

Đường xe điện qua Hàng Giấy năm 1904

Tôi cho rằng, giá trị nổi bật nhất của khu phố này là không gian lịch sử văn hoá của nó - một không gian văn hoá cư trú và thương mại đặc biệt, với những hoạt động của cuộc sống thường nhật theo một không khí riêng của nó mà người ta vẫn gọi là "hồn phố".

Chính giá trị này tạo nên sức hút đối với du khách chứ không phải là các ngôi nhà cũ, sập xệ (và ngày càng chắp vá nhiều). Khu 36 phố phường Hà Nội không phải là một di tích theo nghĩa các công trình kiến trúc cổ, mà là một di sản đô thị. Bản thân đô thị là một cơ thể sống, nhiều mối quan hệ đan xen nhau, xã hội càng phát triển, càng xuất hiện nhiều xung đột.

Việc bảo tồn ở khu phố này không phải là bắt đầu từ việc giữ những ngôi nhà, mà là xử lý những xung đột nảy sinh trong cuộc sống có nguy cơ phá vỡ cấu trúc truyền thống và các giá trị đã được tạo nên ở đó. Hiện nay việc bảo tồn thường chú ý nhiều đến vấn đề kiến trúc, nên hầu hết các dự án các nhà bảo tồn đưa ra đến giờ phút này đều không khả thi, để một khu di sản quý giá như thế này lâm vào nông nỗi hiện nay.

Giới chuyên môn chúng tôi khá nản lòng vì với cách quản lý hiện nay, các nhà khoa học và các nhà quản lý thường "lệch pha¿ nhau. Các nhà khoa học tập trung nghiên cứu, mở hội thảo, nhưng các nhà quản lý cứ việc ra các quyết định của mình, các kết quả nghiên cứu khoa học ít có tác động đến các văn bản pháp lý về quản lý đô thị ở khu vực này.

UBND TP Hà Nội có “Ban quản lý phố cổ” nhưng họ không phải là nhà hoạch định chính sách. Theo tôi, cần phải có sự tham gia của các nhà chuyên môn trong hoạch định chính sách quản lý đô thị một cách có bài bản, với những công trình nghiên cứu kỹ lưỡng đầy đủ thì mới có tác động tích cực đến công tác bảo tồn di sản đô thị ở khu vực này.

Không đồng ý với ý tưởng đổi tên

- KTS Nguyễn Trực Luyện [2]: Tôi không đồng ý với ý kiến của TS Mai Thanh Sơn là nên đổi tên “Khu phố cổ HN” thành "Khu kẻ chợ". Rõ ràng là, khu phố này vẫn giữ được mạng lưới tuyến phố cổ, có những nét đặc trưng, khác hẳn khu phố mới hoặc khu phố Pháp.

Cái tên “Khu phố cổ” xuất hiện vào cuối những năm 80, tuy cái tên đó chỉ mang tính ước lệ, nhưng nó đã được xã hội chấp nhận trong một thời gian dài, ta không nên thay đổi. Cần thay đổi chăng là cái cách ta ứng xử với di sản này.

Ngay từ trước đây khá lâu, khu di sản này đã được xác định là rất quý giá, nhưng chưa đi kèm những chính sách hiệu quả. Chúng ta đã đánh mất quá nhiều, không chỉ là nhiều công trình kiến trúc có giá trị, mà còn là nhiều tài sản thuộc phần hồn của di sản.

Hầu hết các dự án về khu phố cổ đều không đến nơi đến chốn, đều là sự áp đặt từ bên ngoài vào, chưa xuất phát từ mong muốn, nhu cầu thực sự của người dân nên chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Phải có chính sách để nhân dân sống được, phát triển được, thấy được là giữ di sản là có lợi cho họ, còn như giờ họ thấy giữ di sản thì lợi ít mà khổ nhiều.

UBND TPHN là người phải có trách nhiệm đầu tiên trong vấn đề này. Ban quản lý phố cổ thực chất chỉ là một cơ quan hoạt động ở góc độ hành chính, tồn tại song song với phố cổ, không tác động thực sự được đến phố cổ. Ta thiếu những người xắn tay áo thực hiện bảo tồn khu phố cổ cùng dân.

Tôi nhớ, ông Lê Ất Hợi, khi đó còn là Chủ tịch UBND TPHN, sau một chuyến đi Anh về đã ngỡ ngàng nói: "Họ quản lý khu phố cổ khác ta thật. Khu phố cổ của họ có hẳn một đội cảnh sát theo dõi việc thực hiện luật pháp, có riêng một đơn vị thiết kế chuyên trách lo cho việc bảo tồn phố cổ, có sự hỗ trợ của nhà nước". Còn ở ta quy chế thì vẫn có đó, nhưng cứ nhìn thực tế là biết việc thực hiện và giám sát thực hiện các quy chế đó chất lượng ra sao!

(Theo Lao Động 28-5-2006)

[1Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích

[2Nguyên chủ tịch Hội KTS VN

Tập hồ sơ