400 Boi Khe pagoda
Chùa Bối Khê (Đại Bi Tự)
h.Thanh OaiThánh Bốisông NhuệChùa Bối Khê có từ thế kỷ XIV. Tên chữ: Đại Bi Tự 大 悲 寺. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1979). Vị trí: VQJP+HQ, Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 21 km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: xã Tam Hưng - đường DT427B.
Giới thiệu
Theo QĐ số 50-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 25-4-1961 xã Tam Hưng được sáp nhập từ hai xã Đại Hưng và Tam Khê thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (cũ). Hà Đông sau sáp nhập với Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây và cuối cùng nhập vào TP Hà Nội.
Tam Hưng là một xã có truyền thống lịch sử. Hồi năm 1895-1896, cụ Đô Hiên đã chỉ huy một cánh nghĩa quân chống Pháp của cụ Hoàng Hoa Thám. Đến đầu thế kỷ XX, xã có nhiều người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục 1907 rồi cuộc vận động Mặt trận Bình dân 1936-1939. Sáng ngày 19-8-1945, hàng nghìn quần chúng trong xã và một số thôn lân cận dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề đã phối hợp cùng nhiều cánh quân khác kéo lên Bình Đà để chiếm huyện đường Thanh Oai. Rạng 19-12-1972 một máy bay B52 của Không quân Mỹ đã bị Tiểu đoàn tên lửa số 77 của Hà Nội bắn cháy, xác rơi xuống cánh đồng xã Tam Hưng.
- Tam quan chùa Bối Khê. Photo NCCong ©2017
Lược sử
Tương truyền chùa Bối Khê được xây dựng vào khoảng năm 1338 dưới đời vua Trần Hiến Tông. Đức thánh Bối được thờ ở đây tên thật là Nguyễn Bình An, người làng Bối Khê, có công giúp vua Trần đánh đuổi giặc xâm lược. Sau khi qua đời ngài đã được phong thành hoàng làng và thờ cả trong chùa. Ngay cạnh chùa còn có các di tích khác như từ đường trạng nguyên Nguyễn Trực (1417-1474), lăng quận công Lê Tiến Quý (thời Lê Trung Hưng), v.v..
Chùa Bối Khê được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Kiến trúc hiện nay chủ yếu giữ lại dáng dấp từ lần trùng tu vào cuối thế kỷ XVIII, rồi các năm 1923 và 2006.
Ngày 20-4-1979 Bộ Văn hóa đã xếp hạng chùa Bối Khê là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Gác chuông chùa Bối Khê. Photo by NCCong ©2017
Kiến trúc
Chùa tọa lạc trên một thửa đất rộng khoảng 5000m2 ở ngay đầu làng. Trước cổng ngũ môn nhìn về hướng tây là cây đa cổ thụ và 5 ngôi tháp mộ của các vị trụ trì đã khuất. Sau ngũ môn là chiếc cầu gạch dẫn tới cổng giữa của tam quan nội với một gác chuông hai tầng tám mái. Tam quan được dựng năm 1603 và sửa chữa năm 2006, phía sau là sân lớn và hai bên có hồ nước nhỏ.
Chùa xây theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Tòa tiền đường rộng 5 gian 2 chái, hàng hiên tựa trên những cột đá xanh có chạm nhiều câu đối ca ngợi cảnh chùa. Bên trong bố cục theo kiểu “tiền Phật, hậu Thánh”. Tòa thượng điện nhô cao có kết cấu chồng rường. Hai bên tòa thượng điện còn có hai dãy hành lang bao bọc với những pho tượng sống động.
- Sân chùa Bối Khê. Photo NCCong ©2017
Di sản
Trong chùa Bối Khê hiện có 52 pho tượng Phật giáo, đáng chú ý là các tượng Hộ pháp, Thập điện Diêm vương, Cửu Long, Tam thế Phật, v.v.. Trong số đó, bức tượng Quan Âm Bồ tát với 12 cánh tay được đánh giá là đẹp nhất. Bệ sen của tượng mang niên đại Xương Phù 6 (1382), đời vua Trần Phế Đế, tức là một trong những hiện vật cổ nhất của chùa. Trên thượng điện có cây hương chạm khắc từ một khối đá liền cũng được tạo tác năm đó. Lại có các dấu tích cổ khác như ở những hình rồng chạm khắc gỗ trên đầu bẩy hàng hiên tiền đường (thời Trần).
Hiện còn 10 tấm bia cổ thời Lê Sơ và thời Mạc, vd. “Bối động thánh tích bi ký” dựng năm Thái Hoà 11 (1453) được khắc lại năm 1895 và “Đại Bi Tự” dựng năm Hồng Thuận 7 (1515). Trên sân trước đặt một sập đá lớn với những họa tiết mang đặc trưng của thời Mạc. Những viên gạch trang trí ở thềm tiền đường có khắc nhiều hình linh vật và cũng được cho là của thời Mạc. Tại tầng trên của tam quan nội đang treo quả chuông lớn, đúc năm Thiệu Trị 4 (1844), thay cho chuông cũ bị mất.
- Tượng thánh Bối ở chùa Bối Khê. Photo NCCong ©2020
Hàng năm chùa mở hội vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, trong dịp đó sau lễ rước ngai Đức thánh Bối là nghi thức cầu mưa, có lẽ là một trong những tập tục cổ xưa nhất của cư dân trồng lúa nước mà nay vẫn lưu truyền.
Di tích lân cận
- Chùa Dư Dụ (Phúc Sinh Tự): VR97+5M4, xã Thanh Thuỳ.
- Đình, miếu Thiên Đông: VRW3+FM8, xã Mỹ Hưng.
- Đình, miếu Văn Khê: VQ9Q+CMJ, xã Tam Hưng.
- Đình Kim: VQPQ+467, xã Tam Hưng.
- Đình Lê Dương: VQHM+QVW, xã Tam Hưng.
- Đình Ngoại Bình Đà: VQR7+3FG, xã Bình Minh.
- Đình Rùa Hạ: VRH5+C9R, thôn Rùa Hạ, xã Thanh Thùy.
400 chua Boi Khe ©NCCông 2017-2021