404 Sieu Quan village hall

Đình Siêu Quần

huyện Thanh TrìNguyễn Phụcsông NhuệTrịnh Khả

Đình Siêu Quần có từ thời Lê. Thờ: Trịnh Khả, Nguyễn Phục cùng hai phu nhân. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: WR74+5R, Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 18km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: UBND xã Đại Áng (xe 12), Cầu Khê Tang (103a, 103b).

Lược sử

Làng Siêu Quần 超 群 xưa là một trang, có tên chữ Quần Cư 群 居 và tên nôm Kẻ Gùn 几 棍. Làng là nơi sinh tụ của dân phiêu tán của rất nhiều địa phương khác nhau, trong đó một bộ phận lớn là của huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) và vùng Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên - Huế) di chuyển từ đầu thời Lê Sơ ra vùng trũng phía nam kinh thành Thăng Long. Hơn sáu trăm năm trôi qua, thế nhưng lạ thay giọng nói của nhiều người dân ở đây vẫn giữ được những âm gốc ở quê cũ.

Đình Siêu Quần thờ hai vị nhân thần có công với nước thời Lê sơ là khai quốc công thần Trịnh Khả và tiến sĩ Nguyễn Phục. Phối thờ còn có hai bà vợ là Diệu La công chúa và Quý Minh Trí Tỉnh phu nhân. Trong hậu cung hiện còn giữ được 11 đạo sắc phong. Việc thờ Trịnh Khả là do dân quê ông từ Thanh Hóa chuyển cư ra, đem theo cả thành hoàng làng gốc.

Cổng đình Siêu Quần. Photo: NCCong ©2020

Trịnh Khả người Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tổ tiên từng có công đánh giặc Nguyên. Ông là con út, khi còn rất trẻ đã theo Lê Lợi tham gia hội thề Lũng Nhai năm 1416. Do lập nhiều chiến công ở cầu Xa Lộc, Ninh Kiều, Tốt Động và cửa ải Lê Hoa, ông được ban quốc tính sau khi đánh thắng giặc Minh. Trịnh Khả từng làm trấn thủ xứ Tuyên Quang rồi Lạng Sơn. Năm 1451 do bị gièm pha, ông và con là Trịnh Bá Quát bị giết. Đời Lê Thánh Tông (1460 - 1497) ông được minh oan và truy tặng tước Thiếu phó Liệt quốc công.

- Xem: Cổng đình Siêu Quần. Panorama ©NCCong 2018

Nguyễn Phục quê Đình Vân, huyện Gia Phúc, xứ Hải Dương. Cha theo nho học, mẹ họ Nguyễn quê Kẻ Am, huyện Thanh Trì. Ông đỗ tiến sĩ khoa Quý Dậu (1453), sau đó được mời vào cung để dạy hai hoàng tử Nghi Dân và Tư Thành. Nguyễn Phục từng ba lần đi sứ nhà Minh, học được nghề trồng dâu, nuôi tằm về dạy cho dân. Năm 1470 ông phụ trách quân lương theo Lê Thánh Tông nam chinh và bị xử chết khi thuyền lương đến chậm vì bão. Sau ông được giải oan và triều đình ban sắc phong truy tặng.

Đại đình Siêu Quần. Photo: NCCong ©2020

Đình [và chùa Siêu Quần ở cách đó khoảng 400 m] đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo quyết định 226 ngày 5-2-1994 của Bộ Văn hóa - Thông tin.

Kiến trúc

Đình Siêu Quần quay hướng nam, nhìn ra ngã ba đường làng, ven dòng kênh Hòa Bình nơi đổ vào sông Nhuệ. Gần đây đình đã trùng tu, hàng cau cao bị chặt nhưng kiến trúc cuối cùng mang phong cách thời Nguyễn được giữ lại gần nguyên vẹn. Cổng tam quan gồm 4 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, trên tường có các phù điêu hình cổ thụ và cặp hộ pháp cắp đao đứng gác hai cửa phụ.

Sau cổng đình là sân gạch với nhà tả hữu mạc ở hai bên. Mặt bằng xây dựng có kết cấu theo hình chuôi vồ. Tiền đường rộng 5 gian, cửa che kín toàn bằng gỗ lim. Hậu cung gồm 3 gian, bên trong có tượng hai vị nhân thần được đặt trong ngai ở giữa cung cấm, tượng hai vị phu nhân ngự ở hai bên. Các mảng kiến trúc gỗ được chạm hình rồng, hoa lá và các đề tài hổ phù, long ẩn, tứ linh.

Chạm khắc ở đình Siêu Quần. Photo: NCCong ©2020

Di vật

Trong đình hiện vẫn lưu giữ được khá nhiều cổ vật quý, bao gồm hoành phi, câu đối, bài châm, 2 cỗ kiệu sơn son thiếp vàng, các bức cuốn thư chạm trổ tinh vi và bức đại tự nổi tiếng với bốn chữ “Siêu bạt quần luân”. Ngoài ra còn có các di vật khác như: cửa võng, sập, hương án, hạc thờ, tam sư bằng đồng, 4 cỗ long ngai, bài vị, 11 đạo sắc phong.

Di tích lân cận

©NCCông 2018-2020, Sieu Quan village hall