410 Dai Lo temple

Đền Đại Lộ

huyện Thường Tínsông HồngTứ Vị Thánh Nương

Đền Đại Lộ gọi tắt là đền Lộ, tương truyền có từ thế kỷ XIV. Thờ: Tứ Vị Thánh Nương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2014). Vị trí: thôn Ninh Xá, WV5V+56, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 20km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: bến cuối 2 tuyến xe 08b, 08a.

Từ trung tâm Hà Nội du khách có thể lên xe bus 08B và xuống ở bến cuối Vạn Phúc rồi đi bộ theo đê Hữu Hồng về hướng nam khoảng 300m thì rẽ trái vào đền Đại Lộ. Hoặc có thể lên xe bus 08A và xuống ở Đông Mỹ rồi lấy xe ôm đi tiếp về phía đông nam khoảng 3km sẽ thấy cổng đền dưới chân đê.

Bạn cũng có thể sử dụng một trong các dịch vụ du lịch Sông Hồng tại số 42 Chương Dương Độ để đi cả một ngày bằng tàu thuỷ và đến thăm 4 địa chỉ văn hóa đặc sắc: đền Đại Lộ, đền Dầm, đền Chử Đồng Tử, và làng gốm Bát Tràng.

Lược sử

Đền Đại Lộ tọa lạc tại một khu đất bãi rộng ở ngoài con đê Hữu Hồng, thuộc địa phận thôn Đại Lộ (xã Ninh Sở, huyện Thường Tín), cách Ga Hà Nội khoảng 20km về phía đông nam. Ngôi đền được xây dựng từ cuối thế kỷ XIV để thờ Tứ Vị Thánh Nương, mãi về sau mới thêm các vị trong tín ngưỡng thờ Mẫu.

Cổng đền Lộ. Photo NCCong ©2018

Theo nội dung tấm bia đá dựng dưới đời vua Bảo Đại ở ngoài cổng đền thì “Tương truyền vào cuối nhà Trần, khi ấy nước sông Nhị Hà lên to, bỗng nhiên có 4 cái nồi úp dưới cái nón trôi dạt vào bờ sông thuộc bản xã, khiến dân bản xã không yên ổn. Giữa lúc đó có vị thần báo mộng phải lập ngay đền thờ Tứ Vị Thánh Nương thì mới được yên. Dân làng thấy vậy bèn dựng đền thờ ở đây”.

Trong cung cấm của đền Đại Lộ hiện còn lưu giữ thần phả và 17 đạo sắc phong do các vua chúa từ thời Lê cho đến triều Nguyễn ban cho. Năm 2014, ngôi đền được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Kiến trúc

Cổng đền Đại Lộ gồm 4 trụ biểu lớn, hai bên phía ngoài tường có 2 nhà bia đối diện được dựng từ đời vua Bảo Đại. Sau cổng phụ bên trái là một ngôi đền 3 gian thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, sau cổng phụ bên phải có một phương đình treo quả chuông đồng nặng tới 1750kg. Ở giữa là sân tiền đường, hai bên có Lầu Cậu Bơ và Lầu Cô Chín.

Sân đền Lộ. Photo NCCong ©2018

Ngôi đền chính gồm 4 nếp nhà kề liền nhau và bài trí khá nhiều ban thờ. Tại tiền cung có Ban Vua Cha Ngọc Hoàng, bên phải thờ vọng Ông Chín Cờn, vị thần được coi là đã vớt xác của Tứ Vị Thánh Nương, vốn được thờ chính tại Đền Cờn Ngoài, Nghệ An. Chính giữa trung cung thờ Tứ Phủ Quan Hoàng, bên trái thờ Cô Bơ, bên phải thờ Sơn Trang và Mẫu Thượng Ngàn.

Chính giữa thượng cung thờ Công Đồng Tứ Phủ, bên phải thờ Tứ Phủ Thánh Cậu và Chầu Đệ Nhị, bên trái thờ Chầu Đệ Tứ và Tứ Phủ Thánh Cô. Trong hậu cung có ngai thờ của Thái hậu Dương Nguyệt Quả. Các tượng của Tứ Vị Thánh Nương được đặt trong khám thờ ở cung cấm. Hàng phía trước có 3 pho tượng, hai bên là 2 cô công chúa, ở giữa là bà nhũ mẫu, hàng phía sau là Thái hậu Dương Nguyệt Quả.

Lễ hội

Hàng năm, tại đền Đại Lộ, chùa Đại Lộ và đền Quan có một lễ hội lớn diễn ra trọng thể và kéo dài liền trong 10 ngày, từ mùng Một đến mùng Mười tháng Hai âm lịch. Ngày mùng Một: Buổi sáng, lễ mở cửa đền, lễ cúng khai quang yên vị ở đền Đại Lộ và đền Quan được tổ chức. Buổi chiều, dân làng và du khách thập phương vào lễ Thánh.

Đền Đại Lộ. Photo ©NCCong 2019

Ngày mùng Hai: Buổi sáng, diễn ra lễ tế nhập tịch ở hai đền (đền Quan tế trước, đền Đại Lộ tế sau); Buổi chiều, đội nam tế đền Quan, đội nữ tế đền Đại Lộ. Ngày mùng Ba: Buổi sáng, đội nam tế đền Đại Lộ; Buổi chiều, lễ hạ sắc ở đền Quan và lễ rước sắc về chùa Đại Lộ được tổ chức.

Ngày mùng Bốn: Buổi sáng, rước sắc lên đền Quan, sau đó ra đền Đại Lộ; Buổi chiều, các kiệu ở đền Quan và đền Đại Lộ được rước về sân chùa Đại Lộ để chuẩn bị cho lễ rước nước. Sau đó, đội nam tế đền Quan và đội nữ tế đền Đại Lộ. Ngày mùng Năm: Từ sáng sớm, đoàn rước sẽ rước kiệu, chóe đựng nước cùng đầy đủ lễ vật từ chùa Đại Lộ ra bến Lộ để lên thuyền ra giữa sông lấy nước. Sau đó, nước được rước về đền Đại Lộ để thờ Mẫu. Tại đây, đoàn tế nam làm lễ hạ sắc và rước sắc về chùa Đại Lộ. Đến tối, đội nữ tế đền Đại Lộ.

Ngày mùng Sáu (Chính hội): Buổi sáng diễn ra lễ rước sắc từ chùa Đại Lộ ra đền Đại Lộ, tiếp theo là lễ tế Thánh của đội tế nữ. Buổi chiều và tối, đội tế nam của đền Đại Lộ và các làng lần lượt hành lễ tế Thánh. Đây là ngày chính tiệc của Tứ vị Thánh Mẫu, nên đan xen giữa các lễ tế là các hoạt động hầu Thánh của các đệ tử nhà Thánh với ý nghĩa tưởng nhớ và tôn vinh công đức của người.

Sân bái đường đền Lộ. Photo NCCong ©2018

Ngày mùng 7, 8, 9: Đội tế nam và nữ ở các đền từ một số địa phương lân cận về hành lễ tế Thánh. Ngày mùng Mười: Lễ hội kết thúc với màn tế giã hội của đội tế nam và đội tế nữ ở đền Đại Lộ, chùa Đại Lộ và đền Quan.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2018, Dai Lo temple