415 Tho Khoi village hall
Đình Thổ Khối
Long BiênPhùng Hưngsông HồngĐình Thổ Khối có trước năm 1730. Thờ: 6 thành hoàng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 2W54+87, đường ĐT378, P. Cự Khối, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 10 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: Đd điếm Cự Khối (xe 47A).
Địa lý
Thời Nguyễn, Thổ Khối thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Bắc Ninh). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi về thời Trần: "Tháng Bảy mùa thu (năm 1352) có thủy tai lớn. Nước lên to, vỡ đê Bát [Tràng, Cự] Khối, lúa má bị ngập; Khoái Châu, Hồng Châu và phủ Thuận An bị thiệt hại hơn cả". Nếu đúng vậy thì [Cự] Khối là địa danh rất cổ của một vùng trồng lúa có từ trước đây ít nhất 7 thế kỷ. Hiện nay đoạn đường 5km dưới chân đê sông Hồng từ Tư Đình đến cầu Thanh Trì được mang tên Bát Khối.
Năm 1956, tổng Cự Linh được chia thành hai xã Cự Khối, Thạch Bàn. Xã Cự Khối gồm hai thôn Thổ Khối, Xuân Đỗ. Ngày 20-4-1961, xã Cự Khối cùng các xã khác trong huyện Gia Lâm được chuyển từ tỉnh Bắc Ninh về TP Hà Nội. Ngày 6-11-2003, xã Cự Khối trở thành phường Cự Khối, thuộc quận Long Biên mới thành lập. Phường này gồm 13 tổ dân phố, trong đó 7 tổ nằm trên đất làng Thổ Khối xưa. Về mặt hành chính, tên Thổ Khối không còn nữa.
- Hồ đình Thổ Khối. Photo NCCong ©2014
Lược sử
Đình Thổ Khối có từ lâu đời, muộn nhất cũng trước năm 1730 nếu căn cứ vào di vật cổ nhất còn lại trong cung cấm là bản sắc phong ghi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 thời Lê Trung hưng. Đình đã qua nhiều lần trùng tu, các tấm bia đá tại đây cho biết đó là những năm Cảnh Hưng 46 (1785), Minh Mệnh 3 (1822), Minh Mệnh 18 (1837). Năm Quý Mùi (1833) sửa chữa đại đình, năm Bính Tuất (1886) tôn tạo hậu cung.
Đình Thổ Khối và đền thờ Xuân Dung phu nhân được xây trên một khuôn viên rộng lớn có nhiều cây lưu niên. Mặt đình nhìn ra sông Hồng ở phía tây nam qua một hồ bán nguyệt, xưa kia hồ cung cấp nước cho cả làng, nhân dân không có giếng riêng. Trong đình thờ 6 vị thành hoàng làng gồm: Bố Cái đại vương, Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng. [1]
Ngày 09-01-1990, Bộ Văn hóa - Thông tin đã xếp hạng đình [và chùa] làng Thổ Khối là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.
- Đại đình Thổ Khối. Photo NCCong ©2014
Kiến trúc
Bước sang thế kỷ XXI, đình và đền lại được đại trùng tu song giữ được hầu hết kiến trúc cũ. Sân đình hiện nay rất rộng, phía trước là một cổng nghi môn tứ trụ, phía sau có 2 dãy tả hữu vu đối xứng ở hai bên sân. Phía bắc có nhà bia và cổng cho ô tô ra vào. Phía nam có bậc thang rộng đi lên đê, bên kia đê là ngôi chùa làng Thổ Khối, tên chữ Sùng Phúc Tự. Đình chính gồm các dãy nhà nằm song song được nối với nhau bằng ống muống. Tòa tiền tế rộng 7 gian, xây chồng diêm, tường hồi bít đốc tay ngai. Tòa đại đình 5 gian 2 chái, 3 gian giữa thông xuống trung cung và hậu cung cũng 3 gian.
Di sản
Trang trí trên kiến trúc và di vật ở trong đình rất phong phú, đặc biệt tại hậu cung còn giữ được rất nhiều sắc phong của các triều đại từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn, sắc cổ nhất ghi niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730). Tấm bia có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 đặt tại bên trái trung cung cho biết ngôi đình đã được tu sửa vào năm 1785.
- Cung cấm đình Thổ Khối. Photo NCCong ©2019
Dân làng Thổ Khối tổ chức lễ hội mùa xuân theo truyền thống vào 3 ngày 8, 9, 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, mồng 9 là chính hội. Mở đầu hội là lễ rước nước từ giữa sông Hồng về đình, trên đoạn đường gần 2km. Làng có 6 giáp nên mỗi năm các giáp phải xin âm dương để xác định giáp nào được đảm nhận vinh dự này. Xưa kia cứ 3 năm thì mở hội lớn một kỳ, nay 5 năm một lần.
Di tích lân cận
- Chùa Cự Linh: 2WC2+HF, số 467 đường Bát Khối, phường Thạch Bàn.
- Chùa Thổ Khối: 2W54+58, đường ĐT378, phường Cự Khối.
- Chùa Xuân Đỗ Hạ: 2W66+9QC, đường Xuân Đỗ, phường Cự Khối.
- Đền Trấn Vũ: 2WF4+C9, ngõ 279 Thạch Bàn, phường Thạch Bàn.
- Đình thôn Nha: 2VCX+H4, đường ĐT378, phường Long Biên.
- Thiền viện Trúc Lâm Sùng Phúc: 2W64+H8, đường ĐT378, phường Cự Khối.
©NCCông 2014, Tho Khoi village hall
[1] 1-Bố Cái đại vương là anh hùng dân tộc Phùng Hưng quê Đường Lâm, người đã lãnh đạo quân ta đánh đổ ách đô hộ nhà Đường ở thế kỷ VIII (kiêng danh Ngài nên dân làng gọi bố là thầy). 2-Cao Sơn đại vương là con của Lạc Long Quân và bộ tướng của Tản Viên sơn thánh. 3-Linh Lang đại vương là tướng nhà Lý có công phá quân Tống sang xâm lược. Ba vị nói trên được thờ ở nhiều nơi. 4-Bạch Đa và 5-Dị Mệ đại vương là hai vị thổ quan thường nghỉ lại ở Thổ Khối mỗi khi từ miền núi về kinh đô vào triều, do đó trong cỗ cúng kiêng dùng gà trắng. 6-Tục truyền vào thời Lê có một người họ Đào tên Duy Trinh, làm nghề chài lưới ở huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa đến vùng bãi bồi này lập thành ấp Vạn Thổ sinh sống. Ngài có công giúp vua thoát nạn, sau đó được phép kiểm soát thuyền bè qua lại nơi đây. Sau khi ngài mất, dân làng thờ làm thành hoàng đầu tiên và được triều đình phong sắc.