417 Noi Binh Da village hall
Đình Nội Bình Đà
h.Thanh OaiLạc Long Quânsông ĐáyĐình Nội Bình Đà tức đền Nội Bình Đà. Thờ: Đức quốc tổ Lạc Long Quân. Lễ hội: 6 tháng 3 ÂL. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: VQV8+RP, thôn Bình Đà, xã Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 22km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Chợ Bình Đà trên quốc lộ QL21B.
Lược sử
Từ trung tâm thủ đô Hà Nội du khách đi về quận Hà Đông theo đường Quang Trung đến Ba La rẽ trái xuôi theo quốc lộ QL21B khoảng 7km sẽ đến Bình Đà, thuộc xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Làng khá giàu, trước kia chủ yếu được biết tên nhờ có nghề buôn bán và sản xuất pháo, thứ hàng hóa về sau bị cấm. Nhưng ít ai biết rằng cách nay quãng 4000 năm, cư dân cổ đại đã từng định cư tại nơi đây, xét theo kết quả phát hiện được trống đồng cùng các hiện vật khác của nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng trong ngành khảo cổ học.
Đình Nội thờ Đức quốc tổ nên có tên chữ "Lạc Long Quân từ", dân sở tại quen gọi là đình Trong. Tương truyền, ngôi đình được xây dựng từ thủa dân lập làng ven sông Đỗ Động. Cuối thế kỷ X, sứ quân Đỗ Cảnh Thạc đến đóng đồn ở Bảo Đà, xây chùa Linh Thạc và trồng một cây Trôi. Năm 1032, Vua Lý Thái Tông tổ chức lễ hội Tịch Điền đầu tiên tại cánh đồng làng Bình Đà.
- Đình Nội Bình Đà. Photo ©NCCong 2020
Ngày 16-3-1985 tại quyết định số 23 VH/QĐ, đình Nội Bình Đà đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Năm 2014 Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin và Du lịch quyết định đưa Lễ hội đền thờ Đức quốc tổ vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định công nhận bức giá tượng trong đình Nội Bình Đà là bảo vật quốc gia.
Kiến trúc
Đình Nội Bình Đà đã qua trùng tu, tôn tạo nhiều lần, Năm 1947 phần lớn kiến trúc đã bị phá hủy khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược, chỉ còn lại hậu cung mang niên đại thời Nguyễn (1918). Đến đầu thế kỷ XXI, khu đình được đại trùng tu, làm thành một quần thể văn hóa cùng với sân vận động, nghĩa trang liệt sĩ và công viên ở phía trước.
- Cổng đình Nội Bình Đà. Ảnh NCCong ©2019
Ngôi đình được xây trên một mảnh đất rộng rãi, nhìn về hướng tây qua sân vận động ra đường quốc lộ QL21B. Bố cục mặt bằng kiến trúc theo kiểu "nội Công ngoại Quốc", gồm các hạng mục công trình chính: giếng Ngọc, nghi môn, phương đình, tả hữu mạc, đại bái và hậu cung, xung quanh có nhiều cây cổ thụ.
Di sản
Trong đình hiện giữ được một số di vật quý giá như hạc thờ, sắc phong, chiêng đồng, bia đá thời Lê, thời Nguyễn. Đặc biệt có bức giá tượng cổ, chạm nổi hình Lạc Long Quân ngồi trên ngai, bao bọc bởi nhiều nam nữ túc trực và cưỡi voi ngựa, xem chèo thuyền. Theo bản thần tích soạn năm 1938 thì trên bức giá tượng còn có khắc dòng chữ Hán "Ngũ thập tử quy sơn, ngũ thập tử quy hải" (50 con về núi, 50 con về biển). Phù điêu có niên đại từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, được làm bằng gỗ phiến dài 2,8m, rộng 2,2m, dày 0,1m và đã qua mấy lần sơn son thếp vàng nên che mờ dòng chữ đó.
- Bức giá tượng Lạc Long Quân, đình Nội Bình Đà. Ảnh NCCong ©2019
Hội làng Bình Đà tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6 tháng 3 âm lịch. Ngày mùng 5 gọi là giáp hội [1]. Ngoài hội rước sắc, hội thả bánh thánh, Bình Đà còn mở hội pháo từ 25 tháng 2 đến 6 tháng 3 âm lịch. Ngày xưa, cứ chiều ngày 3 tháng 3 các giáp tiến hành thử pháo cây, tức là pháo 16 quả nổ cùng một tiếng. Đêm 5 tháng 3, sau lễ thỉnh bách thần về dự hội, lần lượt 27 giáp đua tài với nhau bằng những cây pháo bông. Sáng 6 tháng 3 tại khu ao sen thi đốt pháo bèo; chiều thi đốt pháo cây.
Di tích lân cận
- Chùa Bối Khê: VQJP+HQ, xã Tam Hưng.
- Chùa Thượng Thanh (Diên Phúc Tự): VQQ4+VV, xã Thanh Cao.
- Đình Đàn Viên: VQW3+88, xã Cao Viên.
- Đình Kim: VQPQ+467, xã Tam Hưng.
- Đình Ngoại Bình Đà: VQR7+3FG, xã Bình Minh.
- Miếu Cai Công (Thượng Thanh): VQQ4+HJ, xã Thanh Cao.
417 dinh Noi Binh Da ©NCCông 2015-2021
[1] Buổi sáng mở cửa đình làm lễ "mộc dục", tiếp đó thi xôi chè làm lễ vật dâng lên đức Thành hoàng làng. Buổi chiều rước kiệu sang đình Ngoại (nơi thờ Linh Lang đại vương) để đón sắc. Khi trời xẩm tối đoàn rước mới trở về với đội cờ hoa và ban nhạc, đến cổng đình Nội thì tạm dừng để chờ đoàn rước từ ngôi chùa làng đến dâng oản, chuối, trầu cau... mỗi loại 100 xuất. Sau đó, mâm bánh thánh (bánh vía) của gia tộc Nguyễn Văn ở xóm Chua cũng được rước vào hậu cung. Sớm mùng 6 nổi trống chiêng, lễ tế thánh bắt đầu bằng múa cờ, múa bông để mời đức Thành hoàng dự hội, tiếp theo là lễ tế trời đất ở trước cửa đình. Sau đó đến lễ rước bánh thánh ra giếng Ngọc với một người cầm đuốc dẫn đường. Tại giếng có quây sẵn một khung cót tròn, đọc nhẩm những lời thần chú xong, Chủ tế mở đài lấy từng chiếc bánh bóp nát thả xuống nước. Nếu bánh chìm hết thì năm đó mọi việc đều sẽ tốt lành. Buổi chiều rước trả sắc về đình Ngoại. Lễ xong, 3 cỗ kiệu được để lại còn 3 cỗ rước về đình Nội cất chờ đến hội năm sau.