419 Vinh Thinh community hall

Đình Vĩnh Thịnh

huyện Thanh Trìthời Lê trung hưngsông Tô Lịch

Đình Vĩnh Thịnh có từ năm 1725. Thờ thành hoàng: Phạm Xạ - tướng của Lê Lợi. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: WRCJ+97, thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, H. Thanh Trì, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 15km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Thôn Vĩnh Thịnh (xe 12).

Lược sử

Cho đến cuối thế kỷ XIX, làng Vĩnh Thịnh vẫn mang tên Vĩnh Bảo. Vào thời Lý, thôn Vĩnh Bảo thuộc về huyện Long Đàm, sau đổi là huyện Thanh Đàm. Đến thời Nguyễn, làng thuộc tổng Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Dưới thời Pháp thuộc, làng gồm 5 xóm (Nghè, Viềng, Giữa, Chùa, Sau) và 5 giáp (Đông Nhất, Đông Nhì, Bắc, Nam, Đoài), lại có cả một nhà thờ đạo Cơ đốc.

Ngày nay, làng Vĩnh Thịnh thuộc về xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Do đô thị hóa mạnh, một phần đồng ruộng đã trở thành thôn Vĩnh Thịnh 2. Dân từ trước đến nay chủ yếu làm ruộng, đi buôn, ngoài ra còn có nghề đan nón. Thôn hiện có 594 hộ (chiếm 65% tổng số hộ) với gần 1.200 người tham gia nghề này. Tương truyền cụ Phạm Quảng quê xã Minh Linh, huyện Kinh Môn, Hải Dương, đã đến truyền nghề cho làng. Lá cọ mua từ Quảng Bình chở ra đây phơi nắng và được người dân sử dụng như nguyên liệu chính để làm nón.

Cổng đình Vĩnh Thịnh. Photo NCCong ©2015

Làng Vĩnh Thịnh hiện vẫn còn khá nguyên vẹn một ngôi đình được dựng vào năm Bảo Thái 6 (1725) thời Lê trung hưng và từng được tu sửa vào năm Nhâm Thân đời vua Bảo Đại (1932). Đình vốn là ngôi đền Vĩnh Bảo, thờ Phạm Xạ - một người làng từng làm tướng của Lê Lợi và ngày 20 tháng 9 năm Đinh Mùi (1427) đã chém chết Liễu Thăng, chỉ huy đoàn viện binh của nhà Minh sang cứu Vương Thông đang bị quân Lam Sơn vây trong thành Đông Đô.

Theo truyền thuyết và thần phả, khi dẫn quân ra Bắc diệt giặc Minh, Lê Lợi đã đóng tại làng Vĩnh Thịnh. Thấy Phạm Xạ là một thanh niên giỏi võ, tinh thông binh pháp, vua bèn giao cho việc tuyển mộ binh sĩ. Rồi 243 thanh niên làng Vĩnh Bảo đã theo Phạm Xạ tham gia chiến đấu gần 30 trận. Ngài được vua phong làm "Thống chế Tả quân" vì có công mai phục ở ải Chi Lăng và tự tay chém chết Liễu Thăng. Sau được cử giữ chức Đô đốc bộ đạo Tuyên Quang rồi Hoan Châu, ngài lại có công phá giặc Chiêm Thành, được phong “Nguyên soái thần xạ đại vương”.

Ngày 29-1-1993, ngôi đình đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Sân đình Vĩnh Thịnh. Photo NCCong ©2023

Kiến trúc

Đình Vĩnh Thịnh tọa lạc trên một mảnh đất vuông vắn, liền kề chùa Thanh Dương. Cổng đình nhìn về hướng nam qua sân rộng phía trước và một cái giếng to như ao. Nghi môn xây theo kiểu trụ biểu với hai bức phù điêu hộ pháp đứng gác hai bên. Bước vào cổng du khách sẽ thấy một sân gạch khá dài, ở bên tay trái là bức tường ngăn với chùa, bên phải là các cổ thụ và nếp nhà tả vu.

Tòa tiền tế 5 gian 2 chái, không có cửa gỗ; giữa hai tầng mái là cổ diềm với các ô cửa sổ hoa văn; trên bờ nóc đắp lưỡng long triều nguyệt. Đi qua tiền tế rồi khoảnh sân ngắn lấy ánh sáng, du khách bước một bậc lên hàng hiên hẹp không có cột của toà đại đình. Phần này mới tu sửa, gồm 5 gian 2 chái, cửa bức bàn. Trên hai đầu hồi có tượng đôi rồng, giữa bờ nóc đắp mặt hổ phù đội mặt trăng. Hậu cung kết nối với đại đình theo hình chuôi vồ, bên trong là khám thờ bài vị và ngai thần hoàng.

Trong đình Vĩnh Thịnh. Photo NCCong ©2023

Di sản

Đình Vĩnh Thịnh còn giữ được nhiều cổ vật phong phú về loại hình và tư liệu chữ Hán. Bên trong công trình có những mảng kiến trúc gỗ được chạm khắc tinh xảo. Ngoài những hiện vật quý đã kể ở trên như hoành phi, câu đối còn có cỗ kiệu bành sơn son thếp vàng, bát bửu, cuốn thư, đỉnh đồng, y môn, cửa võng, long ngai.

Hiện nay tại đình Vĩnh Thịnh vẫn giữ được ba bản sắc phong thần hoàng Phạm Xạ vào các đời Thành Thái, Duy Tân, Khải Định. Ngoài ra còn có 10 bức hoành phi và 19 đôi câu đối ca ngợi tài đức, công lao của Ngài. Một trong các đôi câu đối viết:
Mưu dũng diệt giặc Minh, muôn thuở non Lam truyền tuấn kiệt
Tiếng thơm ngời dấu thánh, nghìn thu làng cũ nhớ công ơn.

Cung cấm đình Vĩnh Thịnh. Photo NCCong ©2023

Lễ hội làng Vĩnh Thịnh được tổ chức hàng năm diễn ra vào ba dịp: 13 tháng Hai âm lịch (ngày sinh của thần hoàng Phạm Xạ), 12 tháng Năm (ngày Khánh hạ) và ngày 10 tháng Một (ngày hoá của Ngài). Trong dịp hội tháng Hai có tục đón tiếp các quan viên hai làng kết nghĩa láng giềng từ Vĩnh Trung và Vĩnh Ninh đến, gọi là "Hội kết nghĩa Tam Vĩnh".

Di tích lân cận

©NCCông 2013-2018, Vinh Thinh community hall