429 Thuy Linh community hall

Đình Thúy Lĩnh

q.Hoàng MaiLê trung hưngsông Hồng

Đình Thúy Lĩnh có trước năm 1782. Thờ thành hoàng: Linh Lang đại vương. Lễ hội: 6 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: XVGV+3J, số 105 phố Thúy Lĩnh, P. Lĩnh Nam, Q. Hoàng Mai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 10km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Cty Thịnh Liệt phố Nguyễn Khoái (xe 48), số 595 phố Lĩnh Nam (04)

Lược sử

Đình Thúy Lĩnh hiện nay ở số nhà 105 phố Thúy Lĩnh, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Đây là ngôi đình của làng Thúy Lĩnh cũ, trước kia tên là Thúy Ái, một vùng đất bãi trồng dâu nuôi tằm ven sông Hồng, thuộc xã Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì. Di tích có dáng vẻ của thời cuối Lê đầu Nguyễn, tuy chưa tìm thấy tài liệu nào ghi đích xác niên đại xây dựng.

Trong đình Thúy Lĩnh có bản ngọc phả ghi sự tích Linh Lang đại vương, thành hoàng làng. Theo đó, Ngài tên tự là Đà, sinh ngày 13 tháng Chạp năm Kỷ Tỵ, con thứ của vua Lý Thái Tông. Năm 15 tuổi, hoàng tử đã theo vua cha đi đánh quân Chiêm Thành, lập công được thưởng lớn. Ngài mất năm 1064, được dân lập đền thờ ở trại Thủ Lệ và nhiều nơi khác. Đền thờ Ngài tại ấp Thúy Ái về sau trở thành đình làng.

Nghi môn đình Thúy Lĩnh. Photo ©NCCong 2023

Kiến trúc

Trải qua mấy thế kỷ, đình Thúy Lĩnh đã nhiều lần được trùng tu. Nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đình đã được xây lại nhưng vẫn tuân theo phong cách kiến trúc truyền thống. Từ ngoài vào trong gồm các hạng mục: nghi môn, tả hữu vu, tiền tế, trung cung và hậu cung.

Đình nằm trên mảnh đất giáp liền ngôi chùa Diên Khánh Tự, mặt đình nhìn về hướng tây-nam qua một hồ nước. Giữa hồ có lầu nghênh phong với cây cầu đá nối vào bờ. Hai bên có thềm rồng để dẫn quan họ xuống thuyền. Ven hồ là hòn giả sơn, rồi đến con phố Thúy Lĩnh cắt ngang. Nghi môn gồm 4 trụ biểu có đắp nổi các câu đối chữ Hán và hai cổng phụ kiểu 2 tầng 8 mái nhỏ.

Sau cổng là sân gạch, ở giữa có bức bình phong bằng đá khắc hình cuốn thư. Bên tay trái là cổng sang chùa, bên phải là sân cỏ và cổng phụ mở ra ngõ 107 Thúy Lĩnh. Hai dãy tả hữu vu gồm 3 gian cửa bức bàn và 2 dĩ, tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta; mỗi đầu hồi có gắn một bức hình lớn bằng sứ màu, mô tả quang cảnh lễ hội. Tòa tiền tế là một phương đình 3 gian để trống 3 mặt, mái cũng lợp ngói ta, 4 đầu đao cong vút, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt, toàn bộ sức nặng dựa trên 16 cột gỗ lim tròn.

Sân đình Thúy Lĩnh. Photo ©NCCong 2023

Trung cung là nếp nhà lớn nhất gồm 3 gian 2 dĩ, nằm sát ngay sau tiền tế, không có khe lấy sáng ngoài hai cửa ngách. Lối vào trung cung được ngăn bằng các cửa gỗ kiểu chấn song con tiện. Hậu cung cũng gồm 3 gian 2 dĩ nhưng xây cao hơn trung cung một chút, cả hai đều có tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Phía sau hậu cung là sân bóng chuyền và khu phụ.

Di sản

Tòa tiền tế của đình Thúy Lĩnh gồm có 3 lớp cửa võng sơn son thếp vàng lộng lẫy. Phía trên các cửa võng là 3 bức hoành phi và dọc 8 cây cột có treo các câu đối, tất cả đều viết bằng những kiểu chữ Hán khác nhau. Các đầu dư và đầu kẻ được chạm khắc đẹp, chủ yếu xoay quanh các đề tài về rồng và vân mây.

Trong cùng gian giữa có đặt một bộ hương án nhỏ làm bằng gỗ, phía sau là lộ bộ và một cái bàn thấp, tất cả mang phong cách nghệ thuật của thế kỷ XIX. Tại cung cấm của đình còn giữ được một cuốn thần phả và 8 đạo sắc phong của các triều Lê - Nguyễn, đạo sớm nhất mang niên đại Cảnh Hưng thứ 43 (năm 1782). Bên cạnh các thứ nói trên và một số cổ vật bằng sứ, đáng lưu ý là cỗ kiệu bát cống và ngai thờ chạm khắc cầu kì, tất cả đều in đậm dấu ấn của nghệ thuật cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.

Trong đình Thúy Lĩnh. Photo ©NCCong 2023

Lễ hội đình làng được nhân dân sở tại tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Ngoài lễ cấp thủy rước nước từ sông Hồng về đình thì đặc sắc nhất là trò vật cầu. Ngày 18-01-1993, đình Thúy Lĩnh (và chùa Diên Khánh Tự) đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hoá quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2017-2019, Thuy Linh community hall