438 Cai Cong temple

Miếu Cai Công (đình Thượng Thanh)

sông ĐáyHai Bà Trưngh.Thanh Oai

Miếu Cai Công có muộn nhất từ thời Mạc. Thờ: tướng Cai Công của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích thành phố (1989). Vị trí: VQQ4+HJ, xã Thanh Cao, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Toạ độ: 20°53’20"N 105°45’24"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 22km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 TL427 (xe 78, 91)

Địa lý

Làng Thượng Thanh nằm ở ven đoạn giữa con đường liên xã đi từ ngã ba thôn Chợ Bình Đà ra sông Đáy. Nơi đây vốn thuộc Thượng Thanh Thần, một vùng đất cổ nằm ven sông Đáy (tên chữ Hát Giang). Trải qua thời gian, sông Đáy đổi dòng để lại dấu tích là hồ Thanh Đàm, sau được ngăn thành mấy cái đầm, lớn nhất là đầm Cao Viên và đầm Thanh Cao.

Thượng Thanh Thần là một trang trại thời nhà Lý rồi trở thành một xã của hương Thanh Oai. Đến đầu thời Nguyễn, xã Thượng Thanh Thần thuộc về tổng Nga My, huyện Thanh Oai. Năm 1945, tổng Nga My đổi thành xã, sau đó tách làm hai xã Thanh Mai và Thanh Cao. Ngày nay, với trên 4000 nhân khẩu, Thượng Thanh là thôn lớn nhất trong 5 thôn của xã Thanh Cao, thuộc huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.

Lược sử

Gần chùa Diên Phúc có ngôi đình Thượng Thanh còn gọi là miếu Cai Công vì thờ Đại nguyên soái Cai Công, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Trong hậu cung còn giữ được cuốn ngọc phả kể lại sự tích về ngài.

Cổng đình Thượng Thanh. Photo NCCong ©2018

Cai Công vốn là con một gia đình khá giả, quê ở động Lăng Xương, phủ Hưng Hóa, đạo Sơn Tây. Thân phụ là Vương Quang, giỏi thi thư, thân mẫu là Đào Thị Hồng, ngoài 40 tuổi mới sinh được ngài. Lên 9 tuổi ngài đã được cha mẹ đón thầy dạy cả văn lẫn võ. Năm ngài 20 tuổi, do thái thú Tô Định tàn bạo, cha mẹ ngài liền bỏ quê đến đất Thượng Thanh Thần lánh nạn, xin ở nhờ chùa Diên Phúc làm thủ tự. Khi ông bà qua đời, Cai Công mai táng ở ven đầm, từ đó dốc sức vào việc văn ôn võ luyện, thu thập nhân tài. Nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, Cai Công giả nữ đến xin theo, được Hai Bà nhận làm bộ tướng và hẹn ngày hội quân. Cai Công trở về, chỉ trong 15 ngày đã tập hợp được 359 nghĩa binh. Tháng Ba năm đó, Cai Công làm lễ tế cờ ở miếu Thượng Thanh rồi kéo quân lên cửa Hát Giang theo Hai Bà Trưng lập đàn tế cáo trời đất. Cai Công được làm tiên phong, thống lĩnh 3 vạn quân với 500 ngựa, chia hai đường thủy bộ tiến đánh Tô Định. Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc lên ngôi vua, Cai Công được phong Khai quốc Đại nguyên soái, giúp vua dựng nước. Cai Công trở về thăm Thượng Thanh Thần, dân làng vui mừng đón rước và muốn giết trâu bò dâng hiến quan quân. Cai Công vội ngăn lại và dạy rằng: “Quốc phú bình cường là nhờ sức kéo của trâu bò. Trâu bò là con vật có ý nghĩa vậy nỡ nào mà giết nó". Dân làng nghe theo và làm cỗ chay dâng tiến thì ngài nhận. Từ đó làng có tục làm cỗ chay. Cai Công còn sai quân sĩ cùng dân làng trùng tu lại vọng cung bên hồ Thanh Đàm thành đình làng thờ Đương cảnh thành hoàng. Ba năm sau, nhà Đông Hán sai Mã Viện mang đại quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà Trưng cùng các tướng lĩnh chiến đấu dũng cảm nhưng không cản được giặc. Nghĩa quân lui về giữ Cẩm Khê, cuối cùng tan vỡ, Hai Bà Trưng hy sinh giữa trận tiền. Cai Công vẫn tiếp tục chiến đấu quyết liệt. Đến khi chỉ còn 28 nghĩa binh, ông mở con đường máu, phá vây, rút về đến Thượng Thanh Thần để mưu nghiệp về sau. Nhưng ở quê hương ngài đã hóa sớm, để lại niềm tiếc thương kính phục. Cảm công đức của ngài, dân bèn lập miếu thờ.

Thềm đình Thượng Thanh. Photo NCCong ©2018

Tương truyền ngôi miếu có từ ngay sau khi Cai Công hóa. Trong ngọc phả còn ghi rằng lần tu sửa thứ nhất là vào thời Sĩ Nhiếp. Dáng dấp và quy mô của khu miếu hiện nay là kết quả của các lần trùng tu từ năm Khải Định tam niên (1918) đến nay. Cuối năm 2017, dải đất cạnh miếu cùng một phần đầm đã được san lấp làm đường, xây bình phong và bãi đỗ xe.

Ngôi miếu Cai Công được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá của tỉnh Hà Tây (cũ) tại quyết định số 88/QĐ-UB ngày 21-3-1989.

Kiến trúc và di sản

Cổng miếu Cai Công ở trên gò Thiên Mã, xây kiểu nghi môn tứ trụ, trên các trụ có những câu đối chữ Hán, bức tường hai bên đắp nổi hình đôi ngựa. Sau cổng, bên tay trái có nhà bia dựa lưng vào một am thờ nhỏ, tương truyền là nơi thờ phụ mẫu đức Cai Công, dân Thượng Thanh vẫn thường gọi là đền Ngoài.

Ngôi miếu nhìn qua sân và bình phong ra con đầm Thanh Cao ở phía tây, bên trái sân là một nhà giải vũ ba gian. Tòa đại bái gồm ba gian với bốn vì kèo chính, dài 13m, rộng 7m, nằm trên nền rất cao so với mặt sân. Hậu cung 3 gian kết nối với gian giữa toà đại bái thành hình “chữ Đinh”.

Trong đình Thượng Thanh. Photo NCCong ©2018

Theo lệ cũ, nhân dân Thượng Thanh hàng năm có tổ chức lễ rước kiệu Đại nguyên soái để mở đầu hội làng vào ngày 10 tháng Hai âm lịch. Tại đây hiện lưu giữ được 11 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, sắc sớm nhất mang niên đại Vĩnh Thịnh lục niên (1710), muộn nhất là Khải Định cửu niên (1924).

Lại còn cuốn "Trưng Vương công thần Ứng Thiện Bảo Cai ngọc phả cổ lục" do Hàn lâm viện Đông Các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572), Quản giám bách thần tri điện Hùng Lĩnh thiếu khanh sao lục năm Vĩnh Hựu thứ tư (1738) theo bản chính cũ và sao lại năm Tự Đức bát niên (1855). Có 09 đôi câu đối, đẹp nhất là của Giáp Đoài cung tiến năm Duy Tân Nhâm Tý (1912) với 22 chữ Hán khảm trai được ghép từ những hình lục giác có đường viền và chạm hoa ở giữa: “Khải Nhị Trưng hoàng nghiệp, thu Bách Việt cố cương, nguyên súy cao huân, Nam quốc sơn hà tiêu túc hận / Lưu xích kiếm Thần Châu, kỵ ngũ vân thiên tế, Đại vương linh khí, Tây hồ phong lãng thượng dư uy” (Tạm dịch: Giúp nghiệp vua Hai Bà, thu đất cũ Bách Việt, công cao nguyên soái, non sông nước Nam đà hết hận / Lưu thước kiếm Thần Châu, cưỡi trời mây ngũ sắc, khí thiêng đại vương, sóng gió hồ Tây vẫn còn uy). Dòng lạc khoản đề: "Tự Đức Mậu Dần giải nguyên Thái tử Thiếu bảo Vinh lộc Đại phu trụ quốc hiệp biện Đại học sĩ Tiền Binh bộ Thượng thư Tổng đốc Bình Định Phú Yên đẳng xứ địa phương Vân Đình Dương Lâm Mộng Thạch cung soạn" cho biết tác giả là Dương Lâm, người Vân Đình đỗ giải nguyên năm 1878.

Đền Ngoài miếu Cai Công. Photo NCCong ©2018

Ngoài ra còn có nhiều cổ vật gồm: 02 cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng được tạo tác ở thế kỷ XVIII và đầu TK XX, đòn cái dài 330cm, đòn ngang 210cm, đòn con 140cm; 01 bức hoành phi cuốn thư “Thần Châu hiển thánh” có diềm chạm lộng tứ linh và hổ phù, sơn thếp lộng lẫy, tạo tác năm 1938; 01 bức cửa võng gỗ chạm lộng “Cửu long tranh châu”, sơn son thếp vàng, phong cách điêu khắc đầu TK XX; 01 khám thờ cao 210cm, rộng 140cm, sâu 120cm, phủ sơn mài, diềm chạm nổi lưỡng long chầu nguyệt, cửa mở phía trước kiểu bức bàn; 01 hương án hình hộp cao 160cm, rộng 170cm, dày 85cm, chia nhiều tầng, nhiều ô trang trí chữ thọ, hổ phù, tứ linh, hoa lá, phong cách chạm nổi của TK XIX; 01 đôi cây quán tẩy với hình tượng phượng, long, sen, trúc; 01 đôi hạc gỗ cao 220cm có phong cách tạo tác TK XVIII và đứng trên đôi rùa đá; 01 cỗ ngai kiểu TK XVII; 04 mâm khảm trai đường kính 60cm; 02 đài nước khảm trai; 01 bộ bát bửu; 02 thanh kiếm; bộ tam sự, ngũ sự đồng và đồ tế tự khác.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2018, Cai Cong temple