441 Ha Noi University of Pharmacy
Trường Đại học Dược Hà Nội
q.Hoàn KiếmtrườngurbanismTrường Đại học Dược Hà Nội được mô tả ở đây cùng khu ĐH Đông Dương cũ, về sau là ĐH Tổng hợp HN. Vị trí: phố Lê Thánh Tông, 2VC5+J7, Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,8 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: ngã ba Lê Thánh Tông–Lý Thường Kiệt, hoặc đầu phố Phan Chu Trinh.
Lược sử
Năm 1902, chính quyền Pháp thành lập trường Đại học Y Dược Đông Dương tại Hà Nội, hiệu trưởng là bác sĩ A.Yersin nổi tiếng. Từ 1902 đến 1945, các hiệu trưởng đều là người Pháp, trường nằm dưới sự điều hành của ĐH Paris, ngôn ngữ giảng dạy bằng tiếng Pháp.
Ngày 15-11-1945, trường ĐH Y Dược Việt Nam khai giảng năm học đầu tiên dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Năm 1961, trường tách ra thành ĐH Y Hà Nội (sau chuyển về phố Phạm Ngọc Thạch) và ĐH Dược Hà Nội (tọa lạc bên cạnh trụ sở chính của ĐH KH Tự nhiên Hà Nội, đều nằm trong khu ĐH Đông Dương cũ từng gọi là Đại học Tổng hợp HN).
- Cổng lớn ĐH QG Hà Nội ©NCCong 2015
Kiến trúc sư
Ernest Hébrard (1875-1933) vốn là sinh viên tại trường ĐH Mỹ Thuật Paris. Ông nổi tiếng với việc quy hoạch cải tạo thành phố Hy Lạp Thessaloniki sau trận hỏa hoạn năm 1917 bằng cách giữ lại phần kiến trúc Byzantyne và bổ sung phong cách Châu Âu. Ông còn được biết đến qua các dự án khác như nâng cấp TP. Casablanca (Maroc) và cung điện Diocletian tại TP. Split (Croatia).
Sau trải nghiệm quy hoạch Đà Lạt, E. Hébrard tới Hà Nội phụ trách Sở Quy hoạch Kiến trúc Đông Dương và nhanh chóng xây dựng thành công bản đồ Quy hoạch Hà Nội (1924). Ông khước từ những ô phố bàn cờ khá phổ biến để tạo nên những trục đường hướng tới những công trình – điểm nhấn, đồng thời tạo lập những quảng trường – không gian phía trước để tôn vinh giá trị của các công trình này.
- Mặt sau ĐH QG Hà Nội ©NCCong 2015
Ví dụ điển hình là khu ĐH Đông Dương trông đồ sộ từ các góc nhìn theo trục đường Lý Thường Kiệt và Lê Thánh Tông. E. Hébrard đã khởi phát trường phái Kiến trúc Đông Dương nổi tiếng bằng công trình đó và Nhà thờ Cửa Bắc (1930), Trụ sở Sở Tài chính tức Bộ Ngoại giao cũ (1931), mà đỉnh cao là Tòa Viễn Đông Bác Cổ (1925). Trường phái này còn có đóng góp của một số KTS Pháp–Việt khác trong các công trình thuộc địa ở Đông Dương, chẳng hạn như Viện Pasteur Hà Nội do Roger Gaston thiết kế năm 1926. Hoặc như Arthur Kruze đã thiết kế khu nhà ở dành cho sĩ quan Pháp, nay là Toà soạn báo Văn nghệ Quân đội trên phố Lý Nam Đế v.v..
- Sân trong ĐH QG Hà Nội ©NCCong 2015
Công trình
Theo KTS Trần Thanh Bình, bố cục, quy hoạch khu ĐH Đông Dương vừa chặt chẽ vừa đăng đối, phân khu chức năng cũng rõ ràng. Mặt bằng các tòa nhà được tổ chức rất khúc triết và đơn giản, đủ cho dăm trăm sinh viên. Tòa nhà chính ba tầng quay ra phố với những chức năng quan trọng chung của toàn trường đã sử dụng khuôn mẫu kiến trúc các trường đại học đầu thế kỷ XX theo trường phái Tân Cổ Điển. Các không gian mở sảnh thông tầng, cầu thang rộng 1 vế hướng tới các không gian chức năng đặc thù như giảng đường lớn 200 chỗ, thư viện, bảo tàng Sinh học v.v..
Hai tòa nhà chữ T ở hai bên với các khối học – thí nghiệm có 2 hành lang bên rộng rãi và đều sở hữu sảnh thông tầng riêng với cầu thang 3 vế sang trọng. Điều này cũng phổ biến ở các trường đại học thời đó trên thế giới với các cửa lớn đều được mở trực tiếp ra mặt phố như một đặc điểm hòa đồng của giai đoạn Đại học – Tòa nhà (University – building), khác giai đoạn Đại học – Khuôn viên (University – Campus) sau này.
- ĐH Dược Hà Nội ©NCCong 2015
Đại sảnh là một ví dụ điển hình của xử lý không gian học đường. Mặc dù diện tích không thật lớn (như trong những đại học hiện đại) nhưng với chiều cao thông đến tận mái vòm, các điểm giao tiếp với các chức năng khác rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt các vách kính trang trí vừa lấy sáng, vừa như một tác phẩm nghệ thuật trong xử lý chi tiết, đã tạo nên một không gian khánh tiết đậm chất “thánh đường khoa học”.
Bên cạnh đó, giảng đường lớn (nay mang tên GS Ngụy Như Kon Tum) cũng là một thành công với những giải pháp kinh điển về xử lý độ dốc, điểm nhìn và âm học. Đặc biệt về nội thất có bức tranh tường hoành tráng của Victor Tardieu, mô tả sinh hoạt tại Hà Nội đầu thế kỷ XX với 200 nhân vật đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau.
- Cầu thang ĐH Dược Hà Nội ©NCCong 2015
Trong quá trình hoàn chỉnh thiết kế và bắt đầu xây dựng, E. Hébrard đã có những thay đổi đáng kể không phải chỉ thuần túy ở mặt hình thức như ông đã đưa vào khá nhiều chi tiết kiến trúc Á Đông. Các giải pháp về bộ mái ngói nhiều lớp theo hình thức bát giác và giữa các lớp mái trổ các cửa sổ nhỏ trang trí hoa văn cùng với các hàng con-sơn đỡ mái được ông nghiên cứu hoàn thiện dần áp dụng cho các công trình sau, cũng như hệ ô văng nghiêng dán ngói như một minh chứng cho 2 cách tiếp cận quan trọng của E. Hébrard đến kiến trúc bản địa là văn hóa và sinh khí hậu.
- Mặt tiền ĐH QG Hà Nội ©NCCong 2015
Di tích kiến trúc Pháp
- Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: số 1 phố Tràng Tiền.
- Khách sạn Metropole Hà Nội: số 15 phố Ngô Quyền.
- Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam: số 49 phố Lý Thái Tổ.
- Nhà hát Lớn Hà Nội: số 1B phố Tràng Tiền.
- Nhà khách Chính phủ: số 12 phố Ngô Quyền.
- Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm: số 8 phố Hai Bà Trưng.
441, Ha Noi University of Pharmacy ©NCCông 2011-2018