448 Distiches in Jade Mountain Temple

CÂU ĐỐI Ở ĐỀN NGỌC SƠN

hồ Hoàn Kiếmthời Nguyễn
Sân đền Ngọc Sơn. Ảnh Minh Cường ©2023

Câu đối là một thể loại sáng tác văn học đặc biệt có những câu ý tứ bộc lộ ngay trên bề mặt từ ngữ trong câu, nhưng cũng nhiều câu thông tin cô đọng, ý tứ thâm thúy, chỉ những người “trong cuộc”, hoặc biết rõ tình huống ấy, mới thấu hiểu.

Mọi người đều biết những câu đối của các bậc thầy như các cụ Nguyễn Khuyến và Tú Xương, trên mặt chữ nghĩa là mừng, khen nhưng trong thâm ý là trách, khiến trong cuộc người thì hả hê, kẻ thì xạm mặt. Đó là vì câu đối thường bao hàm cái gọi là “ý tại ngôn ngoại”, nghĩa là cái “ý vị” của nó được chứa đựng không chỉ trong nghĩa của từ và điển cố trong câu – những thứ có thể dùng từ điển các loại để tra cứu và dịch, mà còn ẩn trong cảnh quan và cảnh ngộ, lịch sử địa phương và nhân vật, phong tục và tập quán đương thời, – tất cả những yếu tố người xưa gọi chính xác là địa chí (ghi chép về bản sắc một vùng đất). Trong trường hợp thông tin địa chí vì lý do này khác chưa chính xác và đầy đủ, thì chưa thể hiểu hết và chuyển đạt đúng nội hàm câu đối.

Trong đền Ngọc Sơn không ít những câu đối thuộc loại này, khiến những bản dịch trước đây chưa chuyển đạt thoát ý, kể cả bản dịch công phu của hai cụ Tuấn Nghi và Tảo Trang(1) – một đóng góp đáng kể vào việc tìm hiểu di sản Hán Nôm trong đền Ngọc Sơn mà những người đi sau như chúng tôi được thừa hưởng để học tập và tiếp tục hoàn thiện.

Trong phạm vi vấn đề đang bàn trong bài này, chúng tôi chỉ xin lần lượt phân tích chùm câu đối có niên đại tương đối sớm tại “ngôi đền văn minh” (Hoàng Đạo Thúy), liên quan địa chí văn hóa khu vực hồ Hoàn Kiếm nửa đầu thế kỷ XIX, vốn có vai trò quan trọng đối với việc nghiên cứu và dịch câu đối trong đền Ngọc Sơn.

Trước hết, xin đề cập một câu đối mà ý tứ gắn liền với cảnh quan đương thời ở đầu phía Bắc hồ Hoàn Kiếm. Tại mặt trong của hai cột trụ chính giữa cổng đền Ngọc Sơn có câu:
慶 瑞 一 峰 高 玉 佩 築 鯨 傳 勝 跡
釣 台 雙 廟 峙 靈 金 耀 斗 護 神 光
Khánh Thụy nhất phong cao, Ngọc Bội trúc kình truyền thắng tích
Điếu đài song miếu trĩ, linh Kim diệu Đẩu hộ thần quang

Câu này đã được dịch như sau:
“Một cung Khánh Thụy vươn cao, núi Ngọc Bội ghi chiến công dấu danh thắng truyền lại
Hai miếu Điếu đài đối lập, Gươm Vàng thiêng chiếu sao Đẩu hộ thần quang”
(*)

Các dịch giả có kèm theo những chú giải địa chí như sau:

  • (a) “Cung Khánh Thụy: cung do chúa Trịnh Giang dựng lên trên gò đất cao tức Ngọc Sơn ở tây – bắc hồ vào năm Lê Vĩnh Hựu (1735 – 1739).
  • (b) Ngọc Bội: tên một quả núi nhỏ, do Trịnh Giang cho đắp ở bờ hồ phía đông để ghi chiến công đàn áp cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo). Chữ “trúc kình” trong nguyên văn… (vế đối thứ nhất) có thể hiểu là “kình nghê kình quán = quán kình nghê”, chỉ những gò đống chôn xác giặc, ghi chiến công (xem câu thơ Ngô Ngọc Du được ghi trong Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội của Doãn Kế Thiện, Nxb. Văn hóa, H. 1959, tr.164).
  • (c) Điếu đài: từ thời Lý – Trần, ở phía Tả Vọng của hồ Hoàn Kiếm có một gò đảo trên có ngôi chùa nhỏ, lâu ngày bị đổ nát. Đời Lê thường dùng nơi này (tức chỗ đền Ngọc Sơn hiện nay) làm nơi câu cá, gọi là Điếu đài. Ngoài ra, theo các cụ kể lại, hai quả núi Đào Tai và Ngọc Bội đồng thời cũng là hai nơi có thể đứng để câu cá, giành cho vua chúa, cũng gọi là Điếu đài. Hai miếu Điếu đài đối lập” rất có thể là chỉ hai nơi câu cá sau cùng này (theo Hà Nội Sơn xuyên phong vực, Thăng Long cổ tích khảo và Văn Xương miếu bi của Nguyễn Văn Siêu)”. (Chúng tôi gạch chân những phần cần lưu ý – V.T.K)

Tuy nhiên hai ngữ đoạn đầu của câu đối trên đã bị dịch giả hiểu sai lệch nên phân cú đoạn sai, mà trong Hán ngữ cổ đã phân cú đoạn sai, tất chuyển dịch không chính xác. Dịch đúng phải là: Nơi [trước] có cung Khánh Thụy, [hiện còn] một gò nhô cao… – Chỗ [xưa] là đài Câu cá, [nay xây] hai đền sừng sững (*)… Những phần gạch dưới trong đoạn chú giải trên đây cho thấy: sở dĩ dịch giả phân cú đoạn sai là vì xuất phát từ ý niệm sai lầm về cảnh quan đương thời ở phần phía bắc hồ Hoàn Kiếm do nhiều thế hệ Hà Nội học đã dựng lên, đó là: Điếu đài (= đài Câu) đời Lê lập trên Ngọc Sơn, cung Khánh Thụy cũng lại xây trên Ngọc Sơn và hai ngọn núi giả Độc Tôn và Ngọc Bội đều được đắp trên bờ phía đông hồ Gươm(2). Xuất phát điểm sai lầm này dẫn đến cách xử lý phần đầu của câu đối thành: “Một cung Khánh Thụy vươn cao… – Hai miếu Điếu đài đối lập…”, tuy đối rất chỉnh đến từng từ nhưng phi lý, bởi lẽ cung Khánh Thụy đã bị Lê Chiêu Thống đốt phá để trả thù họ Trịnh từ đầu năm 1787, còn đâu mà năm 1841, khi Hội Hướng Thiện dựng đền Ngọc Sơn, vẫn “vươn cao” trên đảo Ngọc?! Và đài câu ở trên đảo Ngọc vốn chỉ có một, nhưng vì đã không phân tách mà lại gán ghép “Điếu đài” với “song miếu” thành một cụm từ, nên dịch giả phải lý giải hai ngọn núi Đào Tai (thực ra theo Nguyễn Văn Siêu là Độc Tôn) và Ngọc Bội, “theo các cụ xưa kể lại… cũng là hai nơi có thể đứng để câu cá,… cũng gọi là Điếu đài”, để dịch gượng ép “Điếu đài song miếu…” thành “hai miếu Điếu đài…” cho đối với “Một cung Khánh Thụy…”, mặc dù “Điếu đài” không phải là nơi thờ cúng nên không thể gọi là miếu được ! Lô-gich của sai lầm tất yếu khiến dịch giả phải xử lý sai danh ngữ “nhất phong cao” (dịch đúng là: một ngọn đất cao) thành động ngữ “vươn cao”.

Thực ra, như chúng tôi đã chứng minh căn cứ thơ văn 1833 – 1841 của Tiến sĩ Vũ Tông Phan và bản đồ Hà Nội 1873, Cung Khánh Thụy được xây không phải trên Ngọc Sơn mà ở bờ phía tây của hồ Hoàn Kiếm, tại vị trí sau này người Pháp xây dinh thự Chánh án Đông Dương (nhà số 8 Lê Thái Tổ), nay là khách sạn Hà Nội Vàng dang dở, và núi Ngọc Bội được đắp ở vị trí có cung Khánh Thụy, tức cũng tại bờ tây hồ Hoàn Kiếm(3). Với một cảnh quan thực tế như vậy, mọi sự trở nên sáng tỏ: khi Hội Hướng Thiện xây đền Ngọc Sơn thì trên bờ tây, nơi từng có cung Khánh Thụy, chỉ còn là một ngọn đất nhô cao – chính là di tích các núi Ngọc Bội xưa, Trịnh Doanh (chứ không phải Trịnh Giang, như các nhà Hà Nội học viết, bởi vì Trịnh Giang chỉ là chúa từ 1729 đến 1739 thì bị truất và không hề cầm quân đi đánh Quận Hẻo) cho đắp để kỷ niệm võ công của mình sau khi, vào năm 1751 đóng đại bản doanh ở núi Ngọc Bội thuộc dãy Tam Đảo, đã phá được sào huyệt của Quận Hẻo Nguyễn Danh Phương trên núi Độc Tôn(4); đăng đối với một gò di tích Ngọc Bội trên bờ tây ấy**, Hội Hướng Thiện trùng tu và dựng trên đảo Ngọc (gần bờ đông) hai ngôi đền (= miếu) mới, chỉ cách nhau một cái sân trong rất nhỏ (chí ít đến tận năm 1887, theo sự miêu tả của G. Dumoutier trong sách Les pagodes de Hanoi, hai ngôi đền ấy còn chưa nối thành một cấu trúc liên hoàn như ngày nay(5)): trùng tu đền ở phía bắc thờ Quan Vũ và sáng lập đền ở phía Nam thờ Văn Xương, để thần Võ (mà tượng trưng là “Gươm thiêng”) và thần Văn (tượng trưng là sao “Bắc Đẩu”) – lý tưởng văn võ kiêm toàn của Nho gia – cùng ủng hộ cho ánh sáng thần diệu mới (= ánh sáng văn hóa) trên đảo Ngọc, bởi vì từ nay đền Ngọc Sơn phải trở thành nơi “bọn sĩ phu kết bạn với nhau” để “gìn giữ chí khí, tu dưỡng bản thân” và “làm những việc có ích cho mọi người” – như vị Hội trưởng đầu tiên của Hội Hướng Thiện Vũ Tông Phan đã phát biểu trong bài văn bia soạn năm 1843, ngay sau khi khánh thành Đền(6). Chỉ có xuất phát từ cảnh quan thực tế ấy, từ mục đích văn hóa – giáo dục sâu sắc ấy của việc sáng lập đền Ngọc Sơn thì mới có thể hiểu đúng (như những người trong cuộc đương thời đã hiểu !) cái ý tại ngôn ngoại gửi gắm trong câu đối trên và diễn dịch sáng tỏ sang tiếng Việt lô-gich nội tại giữa các ngữ đoạn trong một vế đối, cũng như giữa cả hai vế:

  • [Tại bờ Tây] nơi từng có cung Khánh Thụy, hiện còn một gò nhô cao đó là núi Ngọc Bội đè (a) cá Kình (b), vẫn lưu truyền dấu tích chiến thắng [xưa] (c);
  • [Trên đảo Ngọc] chỗ xưa lập một đài Câu, nay xây hai miếu sừng sững, ngụ ý Gươm thiêng rọi chiếu Bắc Đẩu, cùng ủng hộ hào quang thần diệu [mới] (*).

Xin chú giải thêm cách dịch của chúng tôi:

  • (a) chữ “trúc” (築) Hán Việt tự điển của Thiều Chửu có cho một nghĩa gốc là lèn đất cho chặt.
  • (b) cá Kình, cá Nghê xưa thường dùng để chỉ giặc mạnh.
  • (c) chữ “thắng” (勝) cũng tự điển trên cho hai nghĩa: 1. được, 2. đẹp hơn; trong văn cảnh này “thắng tích”, bao hàm ý dấu tích ghi chiến công thắng giặc mạnh.

Và tạm dịch thành câu đối như sau:
Tại nền xưa Khánh Thụy, một gò đắp cao cao – đó là Ngọc Bội đè cá Kình truyền lưu danh thắng tích
Nơi dấu cũ Đài Câu, hai miếu xây sừng sững – đây Gươm thiêng rọi sao Đẩu ủng hộ ánh phong văn
(*)

Nhân đây xin nói thêm, tuy trên câu đối này không đắp niên đại, song từ sự phân tích văn bản trên đây, có thể đoán định nó xuất hiện ngay sau khi Hội Hướng Thiện khánh thành đền vào mùa thu 1842, bởi vì trong đợt Nguyễn Văn Siêu trùng tu đền, căn cứ một bài văn của chính ông, vào 1859-1863 (chứ không phải vào 1865 như Bản giới thiệu tóm tắt trong đền và Từ điển bách khoa Việt Nam ghi), ông chỉ viết về Độc Tôn trên bờ đông mà không nhắc gì tới Ngọc Bội ở trên bờ tây nữa, có lẽ đến thời điểm đó gò đã mai một. Tuy nhiên, di tích nền cung Khánh Thụy hẳn phải còn đến tận 1885, khi người Pháp bắt đầu đuổi dân, san đất làm đường vòng quanh hồ Hoàn Kiếm thì ông Phạm Đình Bách, nhân viên Sở Địa chính Đông Dương làm bản Chú thích cho bản đồ Hà Nội 1873 mới ghi vị trí trên bờ phía tây hồ được mã hóa bằng con số “21” là cung Khánh Thụy.

Nếu như câu đối trên gắn liền với cảnh quan thiên nhiên đương thời, thì những câu phân tích dưới đây chủ yếu lại liên quan sinh hoạt văn hóa đương thời của nhóm sĩ phu trong Hội Hướng Thiện đã sáng lập đền Ngọc Sơn. Bởi vậy trong trường hợp bối cảnh văn hóa – xã hội đương thời ấy chưa được làm sáng tỏ và thì chưa thể hiểu thấu ý tứ sâu sắc mà soạn giả gửi gắm trong vế đối và việc chuyển dịch khó tránh khỏi sự hời hợt và mất mát.

Trước hết xin được bàn về câu ở 2 cột chính giữa, gọi là “câu đối dẫn”, thường là định hướng cho khách đoán biết về nội dung thờ cúng trong di tích: phật, thánh hay anh hùng, vĩ nhân.

Câu đối dẫn tại đền Ngọc Sơn như sau:
臨 水 登 山 一 路 漸 入 佳 景
尋 源 訪 古 此 中 無 限 風 光
Lâm thủy đăng sơn, nhất lộ tiệm nhập giai cảnh
Tầm nguyên phỏng cổ, thử trung vô hạn phong quang

Câu đối trên đã được dịch như sau:
“Ngắm nước, trèo non, một lối lần vào cảnh đẹp
Tìm nguồn thăm cội, trong đây biết mấy phong quang”

Xét về mặt chữ nghĩa thì từng từ đã được chuyển ngữ chính xác và câu dịch chỉnh chu về mặt đối đến từng từ, tuy nhiên chưa lột tả được hàm ý của câu đối dẫn. Vấn đề ở chỗ là cách hiểu các từ (此 中) – “thử trung” và (風 光) – “phong quang”. Trong một bài viết trước đây, chúng tôi cũng đã tiếp thu cách hiểu “thử trung” = trong đây(7). Nay xem xét toàn diện các yếu tố trong và ngoài văn bản chúng tôi cho rằng ở câu này “thử trung” có nghĩa: trong việc này, tức trong việc “tầm nguyên phỏng cổ”, chứ không phải “trong đây”, tức trong đảo Ngọc, bởi 2 lẽ:

  • a) Về kết cấu văn bản, “thử trung” đứng trực tiếp sau ngữ cú chỉ hoạt động, chứ không chỉ đảo Ngọc (không gian);
  • b) Về thông tin ngoài/sau văn bản (tức bối cảnh sinh hoạt văn hóa đương thời), nhóm sĩ phu sáng lập Văn hội Thọ Xương (1832) và Hội Hướng Thiện (1836?) – các tổ chức văn hóa – xã hội đã xây dựng Văn chỉ Thọ Xương (1838) và sáng lập đền Ngọc Sơn (1841) – từng nhiều lần đề cập vấn đề tầm nguyên như một nội dung căn bản trong hoạt động chấn hưng văn hóa – giáo dục của mình: “Lạc lạc tầm nguyên hậu / Tiêu tiêu nhập thất sơ” (Sau khi sôi nổi truy tìm cội nguồn / Lại trầm ngâm khi bắt đầu thấu hiểu lẽ đạo – Nguyễn Văn Siêu, khoảng 1833 – 1843: Phỏng Vũ Hoán Phủ Kiếm hồ u cư(8)). Họ đã tầm nguyên điều gì ? Hẳn phải là “cựu bang văn nhã” – phong tục sáng đẹp của nước Việt xưa và “cổ đạo nghi hình” – chuẩn mực của đạo Nho cổ (với chữ (仁) – “Nhân”, chứ không phải chữ (忠) – “Trung” làm nền tảng), như vị Hội trưởng của cả 2 Hội, Vũ Tông Phan đã kết hợp thành một phương châm của họ về chấn hưng văn hóa Thăng Long trong câu đối từng treo tại bái đường văn chỉ Thọ Xương: Cựu bang văn nhã truyền tiên tiến – Cổ đạo nghi hình địch hậu sinh (tạm dịch: Phong văn nước cũ truyền người trước – Mực thước đạo xưa dẫn kẻ sau)(9).

Nếu “thử trung” đã chỉ hoạt động (tầm nguyên phỏng cổ) chứ không biểu thị không gian (đảo Ngọc), thì “phong quang” cũng không thể chỉ hiểu theo nghĩa thuần túy không gian “cảnh quang đãng, khoáng đạt”. Chữ “quang” nghĩa từ nguyên là ánh sáng, chữ “phong” vừa có nghĩa gió, vừa có nghĩa phong hóa. Bởi những lẽ trình bầy trên, theo chúng tôi, nếu với vế thứ nhất bằng từ “giai cảnh” (phong cảnh tươi đẹp) các Nho sĩ trong Hội Hướng Thiện đã ca ngợi thiên nhiên nơi lập đền, thì hàm ý họ gửi gắm trong từ “phong quang” ứng đối với nó, theo quy luật liên tưởng ngữ nghĩa của người trong thời cuộc bấy giờ vốn biết rõ ý đồ và hoạt động của Hội Hướng Thiện khi lập đền, – phải là ánh sáng phong hóa, bởi vì chỉ có nó, ánh sáng, mới có thể “vô hạn” trong ngôi đền trên đảo Ngọc nhỏ bé.

Vậy xin dịch lại câu đối dẫn tại đền Ngọc Sơn như sau:
Vượt qua bến nước trèo lên đỉnh non, thấy có một con đường đưa dần vào cảnh tươi đẹp
Truy tìm nguồn cội, thăm hỏi cổ xưa mới hiểu trong việc này vô hạn ánh sáng phong văn
(*)

Vế thứ nhất hoàn toàn miêu tả không gian thiên nhiên: non nước cùng “giai cảnh” tức ngôi đền mới dựng hài hòa với thiên nhiên tươi đẹp, vế thứ hai nói về hoạt động con người tại ngôi đền này là tầm nguyên phong cổ để cắm những “cột tiêu” (= chuẩn mực) của đạo lý làm người. Ngoài ra, còn có ý liên tưởng đến những ngôi tư thục do các ông Nghè, ông Cử danh tiếng đã về mở quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm theo lời kêu gọi của Văn hội Thọ Xương “vi hương quân tử vi xã tiên sinh” (làm quân tử trong làng, làm thầy đồ trong xã(10)), đều phải trở thành “cầu bến” giác ngộ cho đời. Đó cũng là ý tứ những người sáng lập ngôi đền văn minh gửi gắm trên câu đối đắp ở 2 cột biên:
立 人 標 表 開 人 徑
度 世 津 梁 覺 世 關
Lập nhân tiêu biểu khai nhân kính
Độ thế tân lương giác thế quan

Xin tạm dịch lại nghĩa của câu đối này như sau:
Gây dựng con người [thì cắm] những cột tiêu dẫn đường khai hóa cho người;
Cứu giúp cuộc đời [hãy xây] các cầu bến làm cửa giác ngộ cho đời
(*).

Điển tích, điển cố cũng thuộc phạm trù địa chí văn hóa và nắm vững chúng chính là mặt mạnh của các vị túc nho tiền bối trong việc hiểu sâu và dịch đúng nhiều câu đối cổ. Tuy nhiên, mặt mạnh có khi lại trở thành điểm yếu: trường hợp câu đối dưới đây trong đền Ngọc Sơn cảnh báo việc hiểu điển tích, điển cố một cách máy móc, thoát ly bối cảnh văn hóa cụ thể từng được người xưa vận dụng chúng, thì có thể dẫn đến cách hiểu và dịch sai lầm. Chúng tôi muốn nói đến câu đối trên hai cột trụ chính giữa tiền đường:
山 名 不 在 高 水 靈 不 在 深 自 有 主 者
天 柱 賴 以 尊 地 維 賴 以 立 惟 此 浩 然
Sơn danh bất tại cao, thủy linh bất tại thâm, tự hữu chủ giả
Thiện trụ lại dĩ tôn, địa duy lại dĩ lập, duy thử hạo nhiên

Câu này đã được dịch như sau:
“Núi nổi tiếng không vì cao, nước linh thiêng không vì sâu (a), chính vì vốn có chủ;
Cột trời (b) nhờ đó mà cao vững, dải đất (c) nhờ đó mà bền chắc, toàn nhờ khí hạo nhiên (d)”.

Các dịch giả có kèm theo những chú giải như sau:

  • (a) “Cổ văn có câu: Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh; thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh = Núi không cần cao, có tiên ắt nổi tiếng; nước không cần sâu, có rồng ắt linh thiêng”.
  • (b) Theo sách Thần dị kinh núi Côn Luân có cột cao chọc trời, gọi là cột trời (cột chống trời).
  • (c) Nguyên văn là “địa duy”. Duy là 4 giềng lớn, 4 giây chính ở 4 mép lưới. Người xưa quan niệm trời hình tròn, đất hình vuông, nên gọi là “địa duy” (đất hình lưới vuông). Dịch là “dải đất” cho dễ hiểu.
  • (d) Khí hạo nhiên: chữ trong sách Mạnh Tử. “Hạo nhiên” là rất rộng lớn. Khí hạo nhiên là khí tốt lành rộng lớn, bao chùm cả vũ trụ và con người. Đó là sức sống của muôn vật. Riêng ở con người đó là ý chí hướng về điều Thiện”.

Mặc dù đã có những chú giải chi tiết như vậy, ý của câu đối này vẫn không rõ ràng, câu dịch vẫn không thanh thoát được. Nguyên nhân e rằng chính là vì dịch giả đã quá câu nệ điển cố “Thiên trụ” trong sách Thần dị kinh của Trung Hoa nên dịch phần đầu của vế sau thành “Cột trời nhờ đó mà cao vững”, thế nhưng thực ra nó có nghĩa là: Trời trụ vững nhờ được tôn kính (*), bởi những lẽ sau đây:

  • a) Về kết cấu văn bản câu đối, vế trước viết “Sơn danh”, trong đó (名) – “danh’” là vị ngữ và dịch giả đã dịch đúng là “núi nổi tiếng”, thì theo luật đối trong vế sau (柱) – “trụ” ứng đối với “danh” cũng phải là vị ngữ, nên không thể dịch thành “cột” mà phải dịch là trụ vững. Từ nguyên quả có cho một nghĩa của (柱) là: “dữ (拄) thông dã”; nghĩa này trong các tự điển tiếng Trung hiện đại không thấy ghi nữa. “Thiên trụ” đã dịch sai thì tất kéo theo (地 維) “địa duy” cũng dịch sai thành “dải đất”, thế nhưng “duy” ở đây ứng đối với vị ngữ “linh” ở vế trên (đã được dịch đúng thành vị ngữ: nước linh thiêng), cho nên “duy” cũng là vị ngữ và phải dịch thành duy trì/tạo lập. Có lẽ dịch giả thấy trong vế đối viết (天 柱) “thiên trụ” với chữ (柱) các tự điển hiện đại chỉ còn cho nghĩa sự vật, thì theo phản xạ của người thông thạo các điển cố, đã vội cho rằng soạn giả sử dụng điển cố, nhưng thực ra trong trường hợp này Lê Duy Trung chỉ tận dụng sự liên tưởng điển cố đó của các nho sĩ để vận dụng điển cố mà phát biểu ý tưởng của mình.
  • b) Cái “ý tưởng của mình” đây, tức của các sĩ phu trong Hội Hướng Thiện sáng lập đền Ngọc Sơn, lại chỉ có thể tìm hiểu thông qua thông tin ngoài/sau văn bản. Rất may điều này còn thấy trên bài văn bia Ngọc Sơn Đế Quân từ ký: Phù Kiếm hồ thiên nhiên chi thắng, sơn bất tại cao, thủy bất tại thâm, tịnh bất dĩ nhân công chi hữu vô nhi gia tổn dã… (Ôi ! Hồ Gươm là cảnh đẹp thiên nhiên, núi không cần cao, nước không cần sâu và cũng không cần có bàn tay khéo léo của con người mà tăng hay giảm giá trị…). Ông Nghè Tự Tháp đã bỏ đi cả tiên lẫn rồng trong câu của danh gia Lưu Vũ Tích, chỉ tận dụng một phần câu văn nổi tiếng để gửi gấm cái ý tưởng của mình là: Thiên nhiên tự nó tươi đẹp và linh thiêng, tự nó có chủ, có lý riêng. Trong vế thứ nhất của câu đối soạn sau văn bia có 1 năm, 1844, Lê Duy Trung, một người đồng chí tâm huyết của Vũ Tông Phan trong sự nghiệp chấn hưng văn hóa Thăng Long, đã cô đọng ý đó. Nhưng điều không kém quan trọng là: “Duy nhãn tiền hữu cảnh, khởi chung hư phận. Thướng hữu nhân yên, tự ưng dữ cảnh tấu hợp (Duy có điều, đối cảnh trước mắt há nỡ phụ mà để suông hoài. Nếu có người ở đấy thì nên hòa hợp cùng với cảnh(11))”. Cái chủ trương vị Hội trưởng Hướng Thiện muốn phát biểu qua những lời trên là: thiên nhiên phải được người có chí hướng thiện (chính là “hạo nhiên khí”!) tôn thờ và tạo dựng thì mới không “bị phụ mà để suông hoài”). Đây chính là chìa khóa để giải mã vế thứ hai.

Vậy xin tạm dịch lại nghĩa câu đối này như sau:
Núi nổi danh không phải vì cao, nước linh thiêng chẳng phải vì sâu mà bởi [thiên nhiên] tự nó có chủ;
Tuy nhiên trời trụ vững cũng nhờ tôn kính, đất duy trì cũng nhờ tạo lập – đều do chí hướng Thiện
[của người] (*)

Xin lưu ý là trong đền Ngọc Sơn hiện thời còn một câu đối nữa “na ná” câu trên đây:
Tiên tắc danh long tắc linh tự hữu chủ giả
Trụ dĩ tông, duy dĩ lập duy thử hạo nhiên

Câu này đã được dịch như sau:
Tiên thì lừng, rồng thì thiêng, đều do tự có chủ
Cột được trọng, giềng được lập, toàn nhờ khí hạo nhiên

Các dịch giả trước cho rằng câu đối này “lặp ý” câu đối trên. Thiết nghĩ, không phải như vậy: một là, ở đây cái thiêng liêng không còn là thiên nhiên (núi sông, non nước) mà là rồng và tiên – những linh vật đạo Giáo tôn sùng; hai là, cột với giềng làm sao sánh với Trời và Đất được ! Vế đối mất hẳn khẩu khí của “đại khối văn chương” (văn chương mang ý tưởng lớn lao của Trời Đất) mà những người sáng lập ngôi đền văn minh từng tuyên bố. Tuy nhiên, về một số ít ỏi câu đối có nội dung Phật giáo và Đạo giáo, cũng như về vài từ ngữ mang mầu sắc Phật, Lão ở trong đền, theo sự nghiên cứu của chúng tôi, đều xuất hiện ở đây rất muộn, vào cuối TK XIX – đầu TK XX, xin phép sẽ được đề cập trong một dịp khác.

Để kết luận, có thể khẳng định rằng hiếm có một đền miếu nào khác trên đất Hà Nội ngày nay, kể cả Văn Miếu – Quốc tử giám, có được một bộ câu đối lời hay ý đẹp, tư tưởng khoáng đạt, có giá trị nhân văn cao như ở đền Ngọc Sơn – một di sản văn hóa quý báu cần được giới thiệu đầy đủ hơn với mọi người.

NGƯT Vũ Thế Khôi

(*) Trong bài viết này, những câu dịch và chú thích để trong ngoặc “…” đều trích từ bản dịch của hai cụ Tuấn Nghi và Tảo Trang. Những câu chúng tôi dịch lại, sẽ không đóng ngoặc “…” mà ghi dấu (*) để bạn đọc tiện phán xét; trong trường hợp cần thiết, chúng tôi thêm một vài từ cho lọn nghĩa, đều để trong ngoặc […].
(**) Một năm sau những công bố của chúng tôi (xin xem tài liệu tham khảo 4), ông Nguyễn Vinh Phúc trong bài giới thiệu đền Ngọc Sơn, đăng tạp chí Thế giới mới số 457 ra ngày 8/10/2001, cũng đã viết lại rằng cung Khánh Thụy xây trên bờ tây hồ Hoàn Kiếm, song ông vẫn lầm Ngọc Bội được đắp trên bờ đông, nên đã trách oan các tác giả sách Đại Nam nhất thống chí rằng Độc Tôn… họ “vì lẽ gì đó gọi lầm là Ngọc Bội”. Nếu tiếp cận được nguyên bản chữ Hán, có thể thấy họ không hề nhầm lẫn như vậy !