453 To Ong pagoda

Chùa Tổ Ông

Tổ Ông Linh Ứng Tự

q.Hai Bà Trưngsông HồngLý Quốc Sư

Chùa Tổ Ông ngoài thờ Phật còn thờ Quốc sư Nguyễn Minh Không - tổ nghề đúc đồng. Tên chữ: Tổ Ông Linh Ứng Tự. Vị trí: ngõ 95B Lò Đúc, 2V84+5P, Phạm Đình Hồ, Hai Bà Trưng, Hà Nội Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2km (hướng 4h). Trạm bus lân cận: số 77 Lò Đúc (xe 04, 23, 30), số 36 Tăng Bạt Hổ (04, 18, 42, 44).

Giới thiệu

Theo tư liệu lịch sử, vào cuối thế kỷ XVIII có một số thợ từ vùng Kinh Bắc đã tới mở lò đúc đồng tại thôn Đức Bác thuộc tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương, Thăng Long. Sau này, phường đúc chuyển đi nhưng dấu tích làng nghề vẫn còn lưu danh bằng tên phố Lò Đúc được đặt cho con đường mới chạy qua năm thôn cũ: Hữu Vọng, Hương Thái, Đức Bác, Yên Hội, Thọ Lão. Đến giữa thế kỷ XIX, ba thôn đầu sáp nhập thành làng Hương Viên và hai thôn kia thành làng Cảm Hội; tổng Hậu Nghiêm cũng đổi thành tổng Thanh Nhàn.

Một dấu tích khác của phường đúc được giữ lại ở chùa Tổ Ông, hiện nay tọa lạc trong ngõ 95B phố Lò Đúc, tên chữ Tổ Ông Linh Ứng Tự. Chùa do dân làng Đức Bác lập ra để thờ ông tổ nghề đúc đồng của Việt Nam là vị thiền sư Nguyễn Minh Không 阮 明 空 (1076-1141), được vua Lý Thần Tông phong chức quốc sư. Ngài được thờ ở nhiều nơi, nổi tiếng nhất là chùa Keo, chùa Lý triều Quốc sưđình Ngũ Xã.

Dân gian quen dùng tên chùa Tổ Ong và ngõ vào cũng gọi là ngõ chùa Tổ Ong. Bà sư trụ trì hiện nay nói rằng bia đá đã khắc rõ tên chữ Hán là Tổ Ông Linh Ứng Tự, sau vì kiêng húy nên mới gọi chệch đi. Vị sư trước kia thì kể lại sự tích khi đào móng xây chùa thấy có đất rỗ như tổ ong, do đó mà lẫn lộn thành tên khác.

Bia và sân chùa Tổ Ông. Photo ©NCCong 2015

Kiến trúc

Đến giữa thế kỷ XX, khuôn viên chùa Tổ Ông vẫn còn nguyên vẹn với diện tích khá rộng. Phía trước từng có một hồ bán nguyệt và vườn cây ăn quả, sau dân chiếm dụng gần hết, kể cả tam quan. Chùa được sửa sang với kinh phí hạn hẹp cách đây chưa lâu, hiện chỉ có một bà sư trụ trì và rất ít Phât tử. Bên tả chùa là một pho tượng Quan Âm mạ vàng mới dựng ở dưới gốc cây xanh duy nhất và một cửa ngách mở ra ngõ, cách mặt phố Lò Đúc khoảng 50m. Ngõ vào rất hẹp, vừa đủ cho hai xe máy tránh nhau.

Nói chung ngôi chùa thấp bé, kiến trúc quá đơn giản. Tiền đường 3 gian mặt quay về hướng đông, nhìn ra tấm bia đá lớn đặt ở trước sân nhỏ. Cửa chính gồm 4 cánh, hai bên có đôi câu đối chữ Quốc ngữ. Ngay sau cửa vài bước là Phật điện với bộ đôi tượng Hộ pháp Trừng Ác và Khuyến Thiện đứng gác hai bên. Cạnh Phật điện là ban thờ Tổ nghề. Hậu cung xây liền sau tiền đường thành hình chữ Nhị. Mặt sau là nhà Tổ từ lâu đã bị một gia đình chiếm dụng làm nơi chứa hàng.

Tiền đường chùa Tổ Ông. Photo ©NCCong 2015

Di sản

Trong ngôi chùa Tổ Ông với tổng diện tích chỉ còn hơn 30m2 vẫn giữ được nhiều hiện vật quý. Trước hết đó là những pho tượng Phật tuy kích thước nhỏ nhưng được tạo tác đẹp đẽ, có thần thái riêng. Quý giá nhất có lẽ là quả chuông đồng khắc tên "Linh Ứng Tự Chung" do chính người làng nghề đúc ra từ đầu thời Nguyễn.

Trước Phật điện có treo một bức hoành phi với ba chữ Hán khảm trai "Nhi Thần Hóa" (biến hóa như thần) ca ngợi vị Tổ nghề thần thông quảng đại[1]. Lại có một bức hoành phi đề bốn chữ "Ứng Thanh Đĩnh Tú" ý nói mảnh đất đẹp nổi tiếng linh thiêng. Ngoài ra còn có đôi câu đối khảm trai các chữ Hán viết theo lối thảo, mỗi nét được cách điệu trúc hóa long và thông, mai, cúc, trúc.

Đặc biệt còn có một tấm bia đá dựng từ thời Tự Đức (1857) nhưng nơi đặt ban đầu đã bị người dân lấn chiếm. Đến năm 2009, mới chuyển được tấm bia này lên chùa chính. Bia to cỡ 1x1,7m, diềm bia trang trí hoa cúc, dây leo. Bia có tên chữ là "Ký sám hối gia tiên bi ký" (bia ghi việc gửi giỗ cho gia tiên), gồm 1300 chữ Hán khắc theo thể chân, sắc nét và còn nguyên vẹn[1]. Văn bia cho biết một số địa danh như phố Tràng An, phố Phương Viên (gọi theo tên làng cổ) mà nay không còn hoặc đã bị đổi tên. Ngoài ra, bia còn ghi danh và công đức của một số người quê quán ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Trong chùa Tổ Ông. Photo ©NCCong 2015

Chùa Tổ Ông trở thành ngôi chùa nhỏ nhất của Hà Nội sau những sự xâm lấn đất đai không thương tiếc bắt đầu xảy ra liên tiếp từ thời chiến tranh chống Mỹ. Hiện nay có khoảng 40 hộ dân sống trên đất chùa. Thậm chí từng có kẻ làm nhà cả ở trước ngôi tam bảo, đến năm 1996 báo chí đã lên tiếng và người này phải chuyển đi. Tương lai chùa cũng mờ mịt như nhiều di tích khác bị chèn ép giữa những kiến trúc mọc lên bừa bãi do quá trình đô thị hóa vội vã và sự quản lý tắc trách.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Mở đầu, văn bia viết: “Thường nghe, sự linh thông là con thuyền phổ độ rộng khắp cho mọi sinh linh trở về với thế giới cực lạc. Để rồi những hồn phách ấy mãi mãi quy y về phúc đức dài lâu muôn thuở. Đó cũng chính là cái lẽ cương thường hưởng tự trong sâu thẳm đáy lòng người. Từ xưa đến nay, có tu phúc thì tai mới nghe, mà tai có nghe thì tâm mới giác ngộ vậy. Nay ở Hà Nội, tăng sư chùa Linh Ứng lập bia sám hối ghi họ tên các vong linh của gia tiên mọi nhà xin được ngàn năm hưởng tự sau hậu Phật. Cứ vào hằng năm nhà chùa có buổi tụng kinh làm lễ cầu siêu cho các vong hồn sớm được siêu sinh, hễ người nào, vị nào muốn gửi tiên linh vào chùa thì mỗi vị phải đóng 10 đồng để lấy đó làm đèn hương. Còn họ tên của các chư linh xin ghi rõ ràng vào bia này để mãi mãi nghìn vạn năm sau không bao giờ thay đổi”.

©NCCông 2015, To Ong pagoda