461 Dong Phu village hall
Đình Đông Phù
nhà Ngôh.Thanh Trìsông HồngĐình Đông Phù tương truyền có từ thời Trần. Thờ thành hoàng: Nguyễn Siêu. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ, WV9F+MR, Thanh Trì, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: Bến cuối Đông Mỹ (xe 08a), Điếm canh đê 32 - Đê Hữu Hồng (08b)
Lược sử
Theo truyền thuyết, đình thôn Đông Phù (xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) có từ thời Trần, về sau được đại trùng tu năm Cảnh Hưng 6 (1745) và giữ nguyên dáng vẻ cho đến ngày nay. Đình thờ thành hoàng Nguyễn Siêu (924-967) vốn là một thế lực rất mạnh trong thời kỳ được các sử gia phong kiến gọi là "loạn 12 sứ quân". Ngài đóng trại ở làng Tây Phù Liệt và làm chủ cả một vùng rộng lớn phía nam Hà Nội bao gồm các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên ngày nay.
Nguyễn Siêu cùng Nguyễn Khoan (906-967) với Nguyễn Thủ Tiệp (908-967) là 3 con trai của một vị tướng quân người Phúc Kiến và cận thần của vua Ngô Quyền. Sau khi nhà vua qua đời, 3 anh em trở thành 3 sứ quân ở đồng bằng Bắc Bộ. Theo thần phả, Nguyễn Siêu nuôi dưỡng hàng vạn quân sĩ, không ngừng thu phục anh hào. Khi thế lực lớn mạnh, Ngài tự xưng là Nguyễn Hữu Công và cho đắp thành luỹ vững chắc tại Tây Phù Liệt (bao gồm xã Đông Mỹ bây giờ) để làm đại bản doanh quân đội.
- Cổng đình Đông Phù. Photo ©NCCong 2023
Năm 967 khi quân Đinh Bộ Lĩnh tấn công lần thứ hai, Nguyễn Siêu đã chiến đấu đến cùng. Xác Ngài trôi dạt về Bái Xuyên (huyện Văn Giang, Hưng Yên) và được dân địa phương chôn cất tại đó. Về sau, Ngài được thờ tại nhiều làng xã ở xung quanh, còn từ đường chính thì được lập tại chợ Đông Phù Liệt. Đến năm 1447 lại dựng thành miếu thờ phụng thần chung cho cả 3 giáp.
Kiến trúc
Đình Đông Phù đã trải qua 4 thế kỷ với nhiều lần xuống cấp rồi được trùng tu. Năm 2018 dân làng đang cho xây lại nhà hữu vu và cổng đình. Cũng như chùa Hưng Long ở ngay phía sau lưng, đình Đông Phù quay hơi chếch về phía tây nam, nhìn qua sân và ngõ ra cổng đình gồm 4 trụ biểu. Trong khuôn viên khá rộng trồng nhiều cổ thụ, xung quanh có xây tường bao. Trước mặt bây giờ là con đường làng đi ngang qua cổng đình và sân vận động nằm đối diện ở bên kia đường. Mặt bằng xây dựng của đình có hình "chữ Công". Toà đại bái gồm 5 gian, hai bên có ống muống 3 gian nối với hậu cung 3 gian.
- Đại đình Đông Phù. Photo ©NCCong 2018
Di sản
Trong đình còn giữ được 22 sắc phong và nhiều hiện vật quý mang niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Cổ nhất là một đạo sắc phong ghi ngày 2 tháng Mười năm Khánh Đức 慶 德 thứ 2 dưới đời vua Lê Thần Tông, tức 1650 dương lịch. Lễ hội đình hàng năm được tổ chức vào ngày rằm tháng Ba âm lịch để tưởng nhớ công lao của thành hoàng Nguyễn Siêu, trong đó có lễ rước kiệu lên chùa rồi quay lại đình và hội làng với nhiều trò chơi dân gian.
Đông Phù còn là một trong những nơi ghi dấu ấn của Bình định vương Lê Lợi cũng như của hoàng đế Quang Trung. Năm 1427, vua Lê Lợi trước khi bao vây thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) đã họp tướng sĩ tại đình Đông Phù, giao Trần Nguyên Hãn chặn đánh viện binh giặc Minh ở Xương Giang và tự mình dẫn quân vào Bồ Đề (Gia Lâm). Năm 1789, một tháp canh bảo vệ đồn Ngọc Hồi của giặc Thanh trên cánh đồng Ma Vang (Đông Mỹ) đã bị đại quân Tây Sơn san phẳng trên đường tiến về giải phóng Thăng Long.
- Trong đình Đông Phù. Photo ©NCCong 2018
Ngày 9-1-1990 Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng đình và chùa làng Đông Phù là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Đại Lan: thôn Đại Lan, xã Duyên Hà.
- Chùa Đông Phù (Hưng Long Tự): thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ.
- Chùa Ninh Xá: thôn Ninh Xá, xã Ninh Sở.
- Đền Nội Am: thôn Nội Am, xã Liên Ninh.
- Đền Om: số 18 Đ. Ngũ Hiệp, chân cầu vượt Ngũ Hiệp.
- Đình, miếu làng Thọ Am: thôn Thọ Am, xã Liên Ninh.
©NCCông 2017-2019, Dong Phu village hall