464 Thuong Thanh pagoda
Chùa Thượng Thanh (Diên Phúc Tự)
h.Thanh Oaisông ĐáyLê trung hưngChùa Thượng Thanh có từ thời Lê. Tên chữ: Diên Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích thành phố (1989). Vị trí: VQQ4+VV, xã Thanh Cao, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Toạ độ: 20°53’22"N 105°45’26"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 22km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Qua Ngã 3 TL427 (xe 78, 91).
Địa lý
Làng Thượng Thanh tọa lạc ở xung quanh đoạn giữa con đường liên xã đi từ ngã ba thôn Chợ Bình Đà ra sông Đáy. Nơi đây vốn thuộc Thượng Thanh Thần, một vùng đất cổ nằm ven sông Đáy (tên chữ Hát Giang). Trải qua thời gian, sông Đáy đổi dòng để lại dấu tích là hồ Thanh Đàm, sau được ngăn thành mấy cái đầm, hai đầm lớn nhất là Cao Viên và Thanh Cao.
- Tam quan ngoại chùa Thượng Thanh. Photo NCCong ©2018
Thượng Thanh Thần là một trang trại thời nhà Lý rồi trở thành một xã của hương Thanh Oai. Đến đầu thời Nguyễn, xã Thượng Thanh Thần thuộc về tổng Nga My, huyện Thanh Oai. Năm 1945, tổng Nga My đổi thành xã, sau đó tách làm hai xã Thanh Mai và Thanh Cao. Trước đây, thôn Thượng Thanh nói riêng và xã Thanh Cao nói chung từng nổi tiếng với nghề làm pháo. Ngày nay, với trên 4000 nhân khẩu, Thượng Thanh là thôn lớn nhất trong 5 thôn của xã Thanh Cao, thuộc huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Lược sử
Từ Hà Đông xuôi theo quốc lộ QL21B, qua đình Ngoại Bình Đà rẽ phải vào con đường liên xã đi về hướng tây khoảng 600m thì du khách sẽ thấy cổng tam quan ngoại của ngôi chùa Thượng Thanh, tên chữ là Diên Phúc Tự.
- Gác chuông và bia chùa Thượng Thanh. Photo NCCong ©2018
Chùa Thượng Thanh có từ thời Lê Trung hưng, muộn nhất cũng vào đầu thế kỷ XVIII. Theo tấm bia “Diên Phúc Tự Khí” được khắc năm Cảnh Hưng 6 (1745) thì quy mô chùa Thượng Thanh hồi ấy đã lớn gần như hiện nay. Sau đó chùa trải qua đại trùng tu vào đầu thế kỷ XIX dưới đời vua Minh Mệnh và nhiều lần sửa chữa nhỏ vào các năm 1962, 1967, 1992. Nói chung có các kiến trúc được làm thêm nhưng đáng tiếc cũng có những hạng mục đến nay không còn nữa.
- Tiền đường chùa Thượng Thanh. Photo NCCong ©2018
Kiến trúc
Bước hết con ngõ dài là đến tam quan nội được sửa chữa lớn vào năm 1995 nhưng nay đã xuống cấp. Bốn bộ vì được chạm khắc theo các đề tài hoa văn mây lá cách điệu và chữ Thọ với phong cách nghệ thuật điêu khắc gỗ của thế kỷ XVIII. Tầng trên treo hai quả chuông lớn và một quả chuông nhỏ, bên dưới đặt 5 tấm bia đá.
Hai mặt tiền hậu ở dưới gác chuông để mở thông thoáng, du khách đi qua sẽ đến một khoảng sân rộng. Bên phải sân có hai tấm bia đá nằm dưới gốc đại. Bên trái là một giếng tròn có xây tường bao, xung quanh giếng là hàng cây và lầu Quan Âm. Trước mặt là tiền đường năm gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, kết nối với thiêu hương và thượng điện theo hình “chữ Công”. Phía sau có sân hậu và khu nhà thờ Tổ, thờ Mẫu, nhà Ni, vườn tháp.
Di vật
Tại chùa Diên Phúc có 47 pho tượng, hầu hết được làm từ đất tổ mối, tô sơn màu. Các pho tượng tròn kích thước nhỏ được thể hiện ở tư thế hơi gò, khuôn mặt đầy đặn, mũi cao, đài sen nở theo thế ngồi, mỏng, ngắn, thu gọn về đầu. Những hoa văn trang trí trên mũ, áo cũng như các đường nét có những điểm trùng lặp, phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XIX và XX.
- Giếng chùa Thượng Thanh. Photo NCCong ©2018
Nhà chùa còn giữ được: 04 bức hoành phi, 04 đôi câu đối, 01 bộ cửa võng bằng gỗ chạm đề tài lưỡng long chầu nguyệt, sơn son thếp vàng lộng lẫy theo phong cách thế kỷ XIX. Lại có 06 quả chuông đồng, cổ nhất là “Diên Phúc Tự chung” đúc năm Cảnh Thịnh thất niên (1799), cao 115cm, đường kính 57cm và chuông đúc năm Minh Mệnh nguyên niên (1820), cao 115cm, đường kính đáy 60cm, với 4 khoang trên có khắc tên những người góp tiền đúc chuông.
Trong chùa hiện còn 11 tấm bia đá. Nằm ở hai đầu hiên tiền đường là “Diên Phúc Tự bi ký” dựng năm Cảnh Hưng thứ 6 (1745) và “Diên Phúc Tự hậu Phật bi ký” khắc năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740). Ngoài ra lại có một tấm bia “Hậu Phật bi ký” được tạo dựng năm Chính Hòa thứ 21 (1700), cao 140cm, rộng 76cm, dày 14cm; nét chữ còn rõ, hai mặt đều có hoa văn. Trán bia chạm lưỡng long chầu nhật cùng các cụm mây theo phong cách điêu khắc của thế kỷ XVII.
Di tích lân cận
- Chùa Bối Khê: VQJP+HQ, xã Tam Hưng.
- Đình Đàn Viên: VQW3+88, xã Cao Viên.
- Đình Ngoại Bình Đà: VQR7+3FG, xã Bình Minh.
- Đình Nội Bình Đà: VQV8+RP, xã Bình Minh.
- Đình Thanh Thần: VQM2+5QQ, xã Thanh Cao.
- Miếu Cai Công (Thượng Thanh): VQQ4+VV, xã Thanh Cao.
©NCCông 2015-2018, Thuong Thanh pagoda