470 Khe Hoi village hall

Đình Khê Hồi

huyện Thường TínCao Hiểnsông Hồng

Đình Khê Hồi có từ thế kỷ XVIII. Thờ: thành hoàng Cao Hiển. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2000). Vị trí: VV9G+GH, xã Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 21km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Cột mốc H1/13 trên tỉnh lộ ĐT427 (xe 06b).

Lược sử

Khê Hồi trước 1945 thuộc xã Hà Hồi, tổng Hà Hồi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông, ngôi làng duy nhất trong huyện có những trụ đặt đèn lồng ven những đường ngõ chính để soi sáng lúc ban đêm. Đây cũng là một vùng quê trù phú và giàu truyền thống hiếu học với nhiều tên tuổi còn ghi trong văn chỉ. Nổi tiếng có tiến sĩ Từ Đạm đỗ năm ất Mùi (1895), làm quan đến chức tuần phủ Ninh Bình, từng cho khắc vào đá 4 câu thơ và lưu vết chân mình ở núi Non Nước.

Đình Khê Hồi thờ thành hoàng Cao Hiển đại vương. Theo thần tích lưu tại đền Phương Quế (tức miếu Tổng, ngôi miếu chung của tổng Hà Hồi), ngài sinh vào thời Trần Thuận Tông (1388-1398), sang Tàu thi đỗ và làm quan nhà Minh [1]. Các thuyết khác lại nói ngài là bộ tướng của thánh Tản Viên trên dãy núi Ba Vì, hoặc con của Âu Cơ, hoặc thần núi ở Phụng Hóa, v.v..

Cổng đình Khê Hồi. Photo NCCong ©2018

Năm 2000, đình Khê Hồi được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Chiếc cổng ở phía đông làng cũ xưa kia được xây kiểu 2 tầng 8 mái, gác trên có cửa tròn và đắp nổi hình rồng, phượng. Phía sau là con đường làng lát gạch cũng như các ngõ lớn. Gần cổng này là cái giếng tròn to có thành bao quanh xây bằng đá ong và gạch Bát Tràng, trông như một tấm gương lớn nằm chếch ở phía bắc ngôi đình cổ kính.

Tam quan đình Khê Hồi gồm ba cổng hoành tráng kiểu 3 tầng 8 mái, cổng giữa nhìn thẳng về phía tây bắc qua cây cầu rộng uốn cong với hai hàng lan can xây bằng gạch. Cầu dài khoảng 20m, chia đôi cái hồ dài hình lưỡi liềm nằm ở mặt trước và mặt bên của cụm di tích đình-chùa.

Sân đình Khê Hồi. Ảnh NCCong ©2018

Hồ đình và những cây đại, nhãn, muỗm cổ thụ ven bờ làm thành một vành đai ngăn cách cụm di tích với bụi đường. Hồ cũng chính là nơi diễn ra trò thuỷ chiến trong dịp hội làng. Sau tam quan là sân đình với hai dãy tả hữu mạc 7 gian. Tiền đường rộng 5 gian 2 chái, kết nối với hậu cung thành hình "chữ Đinh".

Di sản

Trong đình vẫn còn tấm bia đá khắc chữ Hán mang niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786), ghi việc hưng công xây dựng. Trên chính điện treo bức hoành phi ghi 4 chữ 寶山毓靈 (Bảo Sơn dục linh: núi Bảo Đài nuôi dưỡng thần linh). Tại nghi môn có đắp đôi câu đối: 偉烈播人寰大曆甲榜弘 定御碑特其遺蹟 / 崇祀遍天下芳桂公祠溪洄别廟同仰洪庥 [2]

Ngoài những thứ trên, lại còn có bản Hương ước với mấy điều lưu ý về việc tham gia lễ hội của các xã thuộc tổng Hà Hồi cũ. Hội làng được mở trong dịp lễ chung tưởng niệm Cao Sơn đại vương của các làng thuộc tổng Hà Hồi, diễn ra từ ngày 14 đến 17 tháng Ba âm lịch hàng năm. Từ 1954 tại Khê Hồi không tổ chức lễ hội. Mãi đến năm 1994 mới khôi phục được tục lệ truyền thống mang nét riêng của làng này.

Cầu đình Khê Hồi. Ảnh NCCong ©2018

Chiều ngày Rằm tháng Ba, dân Khê Hồi rước kiệu làng mình đến sân đình làng Hà Hồi tụ hội cùng kiệu của các làng khác. Sáng ngày 16 diễn ra đám rước chung có rất đông người tham gia. Sáng ngày 17, kiệu của làng nào thì dân làng nấy rước trở lại đình của mình và bắt đầu cuộc tế lễ riêng, sau đó là hội hè vui chơi. Duy nhất tại làng Khê Hồi có trò thủy chiến.

Di tích lân cận

CHÚ THÍCH
[1],[2]: xem nội dung từ khoá "Cao Hiển".

©NCCông 2015-2018, Khe Hoi village hall