479 Kim Hoang village hall

Đình Kim Hoàng

h.Hoài Đứcsông NhuệLê trung hưng

Đình Kim Hoàng có từ năm 1701. Thờ: thần Đất và thần Sông. Vị trí: đường Kim Hoàng, 2PMJ+FR, Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 17 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Trường THCS Vân Canh trên đường DT422B.

Lược sử

Tên Vân Canh đã xuất hiện vào thời Lê sơ. Xã Vân Canh từng nổi tiếng như một trong "tứ danh hương: Mỗ, La, Canh, Cót" ở ven đô. Ngày nay xã gồm 3 thôn: An Trai, Hậu Ái, Kim Hoàng.[1]

Người Kim Hoàng ngoài nghề nông còn làm nghề sơn, thêu… nhưng đặc sắc nhất là nghề vẽ tranh. Tranh Kim Hoàng cùng với Đông Hồ và Hàng Trống từng được xem là ba dòng tranh dân gian lâu đời ở Việt Nam. Trận lụt do vỡ đê Liên Mạc năm 1913 đã cuốn trôi rất nhiều bản khắc trên ván gỗ. Gần đây dân làng mới có điều kiện sửa lại đình, chùa và xây ngôi nhà truyền thống tranh Kim Hoàng ở ngay bên cạnh đình.[2]

Thôn Kim Hoàng được sáp nhập từ hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Năm 1701, dân hai làng đã chung tay xây một ngôi đình lớn, nơi hiện còn tấm biển đề 4 chữ Hán "Lưỡng Bảng Hội Đình".

Cổng làng Kim Hoàng. Photo ©NCCong 2019

Năm 1990, đình Kim Hoàng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình quay hướng tây nhìn qua cổng và sân trước ra một ao vuông. Cổng chính xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, hai bên có bức tường đắp hình hộ pháp và cửa phụ. Sau cổng là sân trong và hai dãy tả, hữu mạc với 2 cây đại khá to.

Toà tiền tế 5 gian 2 dĩ, kết nối với hậu cung 3 gian theo hình “chữ Đinh”. Toàn bộ mái đình dựa trên 48 cột to nhỏ, quây thành 3 hình chữ nhật lồng nhau thành vòng. Vòng ngoài có 24 cột hiên, vòng giữa 16 cột quân, vòng trong 8 cột cái. Sau đình còn có hai cây đa cổ thụ.

Cổng đình Kim Hoàng. Photo ©NCCong 2019

Di sản

Đình thờ hai vị thần Đất và thần Sông. Hiện còn 6 đạo sắc phong, sắc sớm nhất ghi năm Tự Đức 10 (1857), muộn nhất ghi năm Khải Định 9 (1924). Ngoài đồ tế khí và trang trí lại có các bức hoành phi, câu đối mang dấu ấn nghệ thuật thời Lê, Nguyễn. Các mảng chạm khắc gỗ thể hiện cảnh hội làng với những chàng trai đấu vật, bắn cung, múa đinh ba, thổi sáo, cưỡi báo, cưỡi rồng, những phụ nữ cưỡi voi hoặc mặc yếm, váy dự hội…

Hàng năm, trong ba ngày mùng 10, 11, 12 tháng Hai, dân làng lại tổ chức lễ hội truyền thống. Đúng dịp này, tất cả những gia đình sinh con trai trong năm sẽ mang lễ vật ra đình làng để báo cáo và làm "lễ vào làng" cho con. Trước đó, vào rằm tháng Một, các nghệ nhân vẽ tranh Kim Hoàng tổ chức lễ giỗ Tổ phường, rồi chia ván gố cho các thành viên tập trung vào việc in, vẽ tranh suốt cả tháng. Đến rằm tháng Chạp, phường tranh làm lễ tế Thánh sư, rồi đưa tranh đi chợ bán. Giữa tháng Giêng, hết mùa tranh Tết, chủ phường thu hồi ván in về bảo quản tại kho.

Điêu khắc trong đình Kim Hoàng. Photo ©Hieu Tran 2019

Di tích lân cận

479 dinh Kim Hoang ©NCCông 2017-2024


[1] Kim Hoàng từng có 4 tiến sỹ: Trần Hiền đỗ khoa Quý Sửu 1733, cháu nội là Trần Bá Lãm đỗ khoa Đinh Mùi 1787. Lại có Lý Trần Quán, đỗ khoa Bính Tuất 1766, em là Lý Trần Dự, đỗ khoa Kỷ Sửu 1769. Năm 1943, Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập do nhà văn Trúc Khê Ngô Văn Triện làm Hội trưởng, đặt tại trường Hứa Do. Từ 26-11 đến 3-2-1946 tại trường này, Hồ Chủ tịch cùng các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuẩn bị kháng chiến lâu dài… Làng còn là quê của bộ trưởng Xuân Thủy, sử gia Văn Tân, bác sỹ Nguyễn Tài Thu và 2 họa sỹ Bùi Xuân Phái, Văn Đa.
[2] Tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống được tạo tác chủ yếu bằng in từ bản khắc trên ván gỗ. Nghệ nhân Kim Hoàng sau khi dùng ván in nét còn dùng bảng màu đa sắc để vẽ tiếp. Ngoài để thờ và để treo Tết như tranh Ông Công, Ông Táo, các vị Tiên sư, Tiến lộc, Tiến tài, Lợn, Gà… lại có cả tranh tả cảnh sinh hoạt như Đấu vật, Chọi trâu, Đi cày, Hứng dừa… Tranh được vẽ trên giấy điều, giấy tàu vang, bởi thế mà còn gọi là tranh đỏ Kim Hoàng.