48 Ngu Xa village hall

Đình Ngũ Xã (Nam Tràng)

quận Ba ĐìnhLý Quốc Sưhồ đầm

Đình Ngũ Xã hay đình Nam Tràng có từ cuối thời Lê trung hưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: số 16 phố Nguyễn Khắc Hiếu, 2RWR+G8, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 2,6 km (hướng 12 h). Trạm bus lân cận: 92A Quán Thánh (xe 14, 22), Qua Nút Giao Cửa Bắc 120M - Yên Phụ (31, 33, 41, 50, 56, 58), Trường THPT Phan Đình Phùng - Cửa Bắc (143, E02), Hoàng Diệu (22, 45, 50)

Lược sử

Vào cuối đời Lê đã có các nhóm thợ từ Đông Mai (làng Me), Châu Mỹ (làng Hè), Long Thượng (làng Rồng), Đào Viên (Di Thượng) và Điền Viên (Di Hạ) ở vùng Kinh Bắc di cư về bán đảo phía đông hồ Trúc Bạch để làm nghề đúc đồng. Họ lập ra Ngũ Xã Tràng, gọi tắt là Ngũ Xã hay Năm Tràng. Theo một tư liệu khác, năm làng gốc thuộc 2 huyện Văn Lâm (Hải Dương) và Thuận Thành (Bắc Ninh), gồm: Ðồng Mai, Châu Mỹ, Long Tượng, Diên Tiên, Dao Niên.

Đến cuối thế kỷ XIX, Ngũ Xã trở thành một làng nhỏ với hơn 80 gia đình thuộc 4 dòng họ Nguyễn, Lều, Đỗ, Trần, sống tại 4 xóm rộng chừng 3 ha. Năm 1928, làng đã có 861 nhân khẩu, chia thành 3 giáp: Thượng, Hạ, Nam.

Chính điện trong đình Ngũ Xã. Ảnh ©NCCong 2022

Đàn ông tập trung làm nghề đúc trong hơn 20 xưởng, mỗi xưởng chỉ là một gian nhà rộng; lò nấu đồng gồm hai tầng, tầng trên để nướng khuôn, tầng dưới để nấu đồng. Đàn bà thường làm việc mài rũa, đánh bóng đồ đúc hoặc đi thu gom đồng nát.

Thợ làng Ngũ Xã nổi tiếng về tài đúc các loại đồ thờ như tượng hạc cưỡi rùa, lư hương, đỉnh, chân đèn nến, chậu thau... Sản phẩm được bán cho các cửa hàng trên phố Hàng Đồng. Phần lớn chủ các cửa hàng này gốc làng Cầu Nôm, xã Đồng Xá, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Họ thường cấp vốn để dân Ngũ Xã đi mua nguyên liệu đúc.

Tả điện trong đình Ngũ Xã. Ảnh ©NCCong 2022

Nghề đúc đồng mang lại nguồn sống chính cũng như quang cảnh nhộn nhịp và danh tiếng cho làng này. Trong bài văn Nôm “Tụng Tây Hồ phú” viết năm 1801, nhà nho Nguyễn Huy Lượng đã tả “Lửa đóm ghen năm xã gây lò”. Tuy vậy cho đến đầu thế kỷ XX, phần lớn đất làng vẫn để hoang. Năm 1917 mới bắt xây phố xá, dỡ bỏ nhà lá. Nhiều hộ nghèo đã bán đất để ra bãi Phúc Xá sống ven sông Hồng.

Tại Ngũ Xã trước năm 1945 đã hình thành 3 đường phố dọc gọi là Voie 103 (ngày nay là phố Nguyễn Khắc Hiếu), Voie 104 (Lạc Chính), Voie 105 (Nam Tràng) và 3 đường phố ngang gồm: Mạc Đĩnh Chi, Trần Hưng Đạo (phố Ngũ Xã bây giờ) và Voie 108 (Trần Tế Xương). Từ cuối thế kỷ XX, giá đất tăng vùn vụt, nghề đúc đồng truyền thống bị thu hẹp, xưởng đúc phải chuyển đi xa. Dần dần nơi đây trở thành một khu phố hiện đại với nhiều biệt thự và nhà hàng. Đặc biệt có món phở cuốn thu hút được nhiều người đến thưởng thức.

Cửa cung cấm trong đình Ngũ Xã. Ảnh ©NCCong 2022

Di sản

Đình làng thờ quốc sư Nguyễn Minh Không và thờ vọng Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu cùng Tam Thánh. Cổng chính nhìn ra phố Mạc Đĩnh Chi ở phía bắc, cổng bên mở ra phố Nguyễn Khắc Hiếu ở phía đông. Sân đình rợp bóng cổ thụ. Toà tiền tế gồm 3 gian chính, hai bên có gian phụ. Đại bái gồm 3 gian thờ, hậu cung cũng ba gian, có cửa ngăn. Lưng đình và tường bên tả giáp với chùa Thần Quang.

Trong đình hiện có những cửa võng và hoành phi, câu đối có giá trị nghệ thuật. Đặc biệt là những đồ tế khí tinh xảo thể hiện tài năng của các nghệ nhân đúc đồng Ngũ Xã. Những tác phẩm nổi tiếng như tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ bằng đồng đen ở đền Quán Thánh, tượng Phật A-di-đà ở chùa Thần Quang và chuông chùa Một Cột cũng đều là sản phẩm của họ.

Sân đình Ngũ Xã. Ảnh ©NCCong 2022

Tại Quyết định 534-QĐ/BT năm 1993, đình Ngũ Xã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử nghệ thuật quốc gia. Hàng năm dân làng tổ chức lễ hội hai lần, bao gồm lễ Giỗ tổ nghề và lễ Hội đình, chính hội là ngày 17 tháng Giêng. Trong những dịp này có diễn ra các tiết mục rước kiệu, hát chèo, đấu cờ người, chọi gà, v.v..

Di tích lân cận

©NCCông 2012-2014, Ward of Five Villages

Tài liệu đính kèm