484 Cards street

Phố Hàng Bài

Phố Hàng Bài dài 616m, rộng 14m, nối phố Đinh Tiên Hoàng với Phố Huế. Nay thuộc: phường Hàng Bài, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 900m (hướng 6h). Trạm bus lân cận: đầu phố Bà Triệu (xe 09, 31), 8 Hàng Bài (08a, 08b, 09, 36, CNG03), 22B Hai Bà Trưng (02, 09ct, 34, 40), 54E Trần Hưng Đạo (03a, 11, 35a, 43).

Ngày nay phố Hàng Bài giáp, nối hoặc cắt ngang 13 phố: Đinh Tiên Hoàng, Hàng Khay, Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Vọng Đức, Trần Hưng Đạo, Hàm Long, Trần Quốc Toản, Nguyễn Du, Lê Văn Hưu, Trần Nhân Tông, Trần Xuân Soạn, Phố Huế và ngõ Tràng An.

Lược sử

Từ thời Lê, nơi đây vốn thuộc đất thôn Hậu Lâu, tổng Hữu Túc, thôn Vũ Thạch Hạ, tổng Tả Nghiêm và hai thôn Hữu Vọng, Hàm Châu thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương. Tới thời Nguyễn, vào giữa thế kỷ XIX, thôn Hậu Lâu hợp nhất với thôn Hậu Bi thành thôn Cựu Lâu, thôn Vũ Thạch Hạ nhập với thôn Vũ Thạch Thượng gọi chung là thôn Vũ Thạch, thôn Hữu Vọng đổi là Vọng Đức, thôn Hàm Châu hợp với thôn Tràng Khánh thành Hàm Khánh.

Trường THCS Trưng Vương. Photo ©NCCong 2018

Thời xưa, ở đoạn đầu phố gần Hồ Gươm là những nhà sản xuất và buôn bán các cỗ bài lá như tổ tôm, tam cúc… do đó mà có tên phố Hàng Bài. Khi thực dân Pháp sang, họ dịch đúng tiếng Việt thành Rue des Cartes, năm 1888 đổi là Boulevard (đại lộ) Đồng Khánh. Năm 1945 thị trưởng Trần Văn Lai thay tên phố Triệu Quang Phục. Thời quân Pháp tái chiếm Hà Nội họ đặt lại tên đại lộ Đồng Khánh. Sau 1954, tên cũ Hàng Bài được phục hồi.

Cuối thế kỷ XIX, ở đầu phố từng có một cái chợ cũ nhưng lại tên là chợ Mới. Hòng đe doạ̣ tinh thần người Việt, ngày 21.8.1894 quân Pháp đã đem bốn nghĩa sĩ Bãi Sậy từ Hưng Yên về đây xử tử, trong đó có ông Đề Tịnh. Nhưng nụ cười ngạo nghễ trước lưỡi gươm kề tận cổ của ông đã khiến đám thực dân phải kính nể và báo chí đương thời tỏ rõ sự khâm phục khi tường thuật lại buổi hành hình.

Đầu phố Hàng Bài. Photo ©NCCong 2018

Sang thế kỷ XX, những ngôi nhà xưởng làm bài lá dần dần bị trục xuất ra khỏi phố để nhường chỗ cho các công trình của Pháp. Chỗ chợ Mới đã mọc lên một toà nhà lớn với hành lang vừa dài vừa rộng của hãng buôn tạp hóa “Liên hợp thương mại Đông Dương” (L’Union Commerciale Indochinoise), dân ta quen gọi là “hiệu Gô-đa”. Đối diện với nó là các hiệu thuốc, cửa hàng thực phẩm, quán ăn… Sau 1954, “hiệu Gô-đa” trở thành cửa hàng Bách hóa tổng hợp. Từ năm 2002 toà nhà đẹp này được xây lại thành Tràng Tiền Plaza.

Về phía nam, ở số nhà 19 phố Hàng Bài có rạp Kim Đồng, từng là nơi chiếu phim của trẻ em. Gần ngã tư Lý Thường Kiệt có một kiến trúc đồ sộ khác cũng theo kiểu Pháp vốn là Collège de Jeunes Filles tức trường Đồng Khánh dành cho nữ sinh, được thành lập năm 1917 (nay là trường THCS Trưng Vương, mang biển số 26). Theo lời một cựu nữ sinh trường Đồng Khánh, họ thường mặc áo dài trắng gọn ghẽ và không ai được phép trang điểm khi đi học. Ngoài văn hóa và tiếng Pháp họ còn được dạy hát, đàn piano, nữ công gia chánh, thể dục thể thao.

Cổng trại Bảo an binh đầu thế kỷ XX

Tiếp tục xuôi về phía nam, ở số 45 từng có Cinéma Majestic, từ năm 1954 gọi là rạp phim Tháng Tám. Đối diện rạp, ở số 40 hiện còn di tích cái cổng ra vào trại “lính khố xanh” hay “Vệ binh bản xứ” (Garde indigène), nơi lực lượng cách mạng Việt Minh đã tước vũ khí của Bảo an binh vào buổi trưa ngày 19.8.1945. Trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến, phố Hàng Bài bị tan hoang khi quân Pháp từ những dinh thự xung quanh đã tấn công một trung đội Vệ quốc đoàn Trung ương đóng trong trại lính đó.

Di tích trên phố: Số 1: Bách hoá Tổng hợp Hà Nội (Tràng Tiền Plaza). Số 19: Rạp phim Kim Đồng. Số 26: Trường nữ sinh Đồng Khánh (THCS Trưng Vương). Số 40: Cổng trại Bảo an binh. Số 45: Rạp phim Tháng Tám.

Di tích lân cận

©NCCông 2014-2019, Hang Bai (Cards) street