499 Dai Lan community hall

Đình Đại Lan

h.Thanh TrìNguyễn Như Đổhuyền sửsông Hồng

Đình làng Đại Lan có từ thế kỷ XVII. Thờ thành hoàng: Linh Hổ, Minh Châu, Chà Lục và Nguyễn Như Đổ. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: WVJ8+VX, xã Duyên Hà, H. Thanh Trì, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 14 km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Điếm canh đê 30 - đê Hữu Hồng (xe 08b).

Lược sử

Đình Đại Lan thuộc địa phận thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Xã này nằm hoàn toàn trên vùng đất bãi màu mỡ ở ngoài con đê sông Hồng. Đình cùng với ngôi chùa làng tên chữ Cổ Huệ Tự được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII (thời Lê trung hưng). Cả hai trước kia ở sát bờ sông, sau do bờ sông bị lở nên được di chuyển vào vị trí hiện nay, vốn là đất của một ngôi nghè cũ.

Đình Đại Lan thờ bốn thành hoàng làng, trong đó "tam vị đại vương" gồm Linh Hổ, Minh Châu và Chà Lục đã lập công dẹp giặc vào thời vua Hùng Vương. Vị thứ tư là Thượng thư Quận công Nguyễn Như Đổ - một nhà thơ, nhà giáo thọ hơn trăm tuổi và trải qua nhiều triều vua thời Lê sơ. Ông đỗ Bảng nhãn, từng ba lần làm phó sứ sang Trung Quốc, hai lần giúp chấm thi, theo vua đánh Chiêm Thành, bị đuổi về rồi lại được trọng dụng cho đến khi nghỉ hưu [1].

Hiên đình Đại Lan. Photo by NCCong ©2023

Ngày 21 tháng 1 năm 1989, cụm di tích đình chùa làng Đại Lan đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình nằm ở sát bên trái toà tam bảo của ngôi chùa làng. Cả hai cùng nhìn về phía tây nam và được xây cùng lúc với mặt bằng gần như giống hệt nhau. Du khách leo 7 bậc lên tới hiên đình gồm 6 cột tròn nhỏ nhưng cân đối.

Toà tiền tế rộng 3 gian 2 chái, kết nối thành hình chuôi vồ với hậu cung rộng 3 gian sâu 2 gian. Mái đơn giản, trên bờ nóc có đắp hình lưỡng long triều nguyệt.

Trước đình Đại Lan. Photo by NCCong ©2023

Chính điện có bức hoành phi làm theo dạng cuốn thư treo trên một cửa võng được đục chạm tinh xảo. Các mảng trang trí ở đó đều thể hiện những đề tài chạm khắc truyền thống: lưỡng long triều nhật, rồng cuốn thủy, long mã tranh châu, phượng múa… Phía dưới là một hương án với những mảng điêu khắc kín xung quanh diềm. Hai gian bên có treo hoành phi trên lối vào cung cấm. Trong hậu cung có một khám lớn, nơi đặt long ngai và bài vị của 4 thành hoàng.

Di sản

Hiện nay trong đình bảo lưu được nhiều hiện vật quý. Quý nhất là 11 đạo sắc phong của các triều Lê và Nguyễn, bản cổ nhất mang niên đại Chính Hòa thứ 12 (1691). Ngoài ra lại có một bộ cửa võng, 3 long ngai bài vị, một hương án, 2 án văn, 2 cây trúc hóa long nghê, 4 cỗ kiệu, bát hương gốm, chén sứ; những hiện vật này đều mang đậm dấu ấn của nghệ thuật thế kỷ XVIII.

Trong đình Đại Lan. Photo by NCCong ©2023

Trong đình còn có 2 bình sứ đời Thanh, 4 nậm rượu tương truyền của chính ông nghè Nguyễn Như Đổ đi sứ đem về cung tiến vào đình. Lại có một cuốn Thần phả, một quyển Văn tế ghi danh 18 vị khoa bảng của làng được thờ trong văn chỉ, cùng nhiều câu đối chữ Hán.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Nguyễn Như Đổ 阮 如 堵 (1424 - 1526), tự Mạnh An 孟 安, hiệu Khiêm Trai 謙 齋, vốn người gốc làng Đại Lan, về sau di cư sang thôn Tử Dương (làng Tía), huyện Thượng Phúc, nay thuộc xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Ông làm nhiều thơ nhưng chỉ còn lại 6 bài chép trong Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn. Tại quận Đống Đa TP Hà Nội hiện có phố Nguyễn Như Đổ.

499 Dai Lan community hall ©NCCông 2014-2019