500 Dai Lan pagoda
Chùa Đại Lan (Cổ Huệ Tự)
h.Thanh TrìLê trung hưngsông HồngChùa Đại Lan có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Đại Lan Tự, Cổ Huệ Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: WVJ9+W5, xã Duyên Hà, H. Thanh Trì, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 14 km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Điếm canh đê 30 - đê Hữu Hồng (xe 08b).
Lược sử
Duyên Hà là một xã nông nghiệp thuộc huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Xã nằm hoàn toàn trên vùng đất bãi màu mỡ ở ven con đê bên bờ hữu sông Hồng. Vùng này ngày nay nổi tiếng bởi những ruộng ngô, đậu, bắp cải, xu hào... và đặc biệt là cà chua. Ba thôn: Đại Lan, Văn Uyên và Tranh Khúc hợp thành xã Duyên Hà.
Theo truyền thuyết, khi nhà Mạc thất thủ phải chạy lên Cao Bằng vào thế kỷ XVI, có một cung phi hiệu là Tây Lang Thị về đây lánh nạn đã dạy cho dân làng nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ. Hai thôn Tranh Khúc, Đại Lan về sau trở nên một vùng tằm tơ nổi tiếng ở gần kinh đô nhà Lê. Hằng năm, nhân dân địa phương vẫn tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ Bà Chúa dâu tằm.
- Sân chùa Đại Lan. Photo NCCong ©2023
Chùa thôn Đại Lan có tên chữ là Đại Lan Tự, trải qua nhiều lần trùng tu sau đổi tên thành Cổ Huệ Tự, nay thuộc địa phận xã Duyên Hà. Chùa cùng với ngôi đình làng được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII dưới thời Lê trung hưng. Cả hai trước kia ở sát bờ sông, sau do bờ sông bị lở nên được di chuyển vào vị trí hiện nay, vốn là đất của một ngôi nghè cũ.
Ngày 21 tháng 1 năm 1989, cụm di tích chùa và đình làng Đại Lan đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Hộ pháp chùa Đại Lan. Photo NCCong ©2023
Kiến trúc
Vườn chùa và toà tam bảo nằm ở sát bên phải đình làng, cách nhau bởi một bức tường thấp có cửa ngách ăn thông. Tam bảo và ngôi đình cùng quay mặt về phía tây nam và được xây cùng lúc với mặt bằng gần như giống hệt nhau.
Thềm lên hiên chùa gồm 5 bậc, hàng hiên có 4 cột đá hình vuông có chạm những câu đối. Tiền đường gồm 3 gian 2 dĩ, làm theo kiểu tường hồi bít đốc và kết nối với thượng điện sâu 2 gian thành hình chuôi vồ. Mái lợp đơn giản, trên bờ nóc có đắp 3 chữ Hán “Cổ Huệ Tự”.
- Phật điện chùa Đại Lan. Photo NCCong ©2023
Phía sau hông bên phải thượng điện là dãy nhà Tổ rộng 7 gian nhìn qua hòn non bộ ra vườn tháp với 5 ngôi mộ Tổ ở góc tây bắc. Vuông góc bên trái nhà Tổ là dãy nhà tăng và khu phụ kéo đến gần giáp cổng chùa. Tất cả đều xây kiểu tường hồi bít đốc.
Di vật
Trong chùa có đầy đủ các pho tượng Phật giáo Bắc tông tạo tác từ thời Nguyễn. Những mảng trang trí trong toà tam bảo được đục chạm tinh xảo và mang niên đại các thế kỷ XIX, XX. Ngoài các cổ vật phục vụ thờ cúng, những bức hoành phi và câu đối chữ Hán cũng làm tăng giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật của ngôi chùa.
- Vườn tháp chùa Đại Lan. Photo NCCong ©2019
Di tích lân cận
- Chùa Hưng Long: thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ.
- Chùa Yên Mỹ (Thanh Lan Tự): thôn Yên Mỹ, xã Yên Mỹ.
- Đền Nội Am: thôn Nội Am, xã Liên Ninh.
- Đền Om: số 18 Đ. Ngũ Hiệp, chân cầu vượt Ngũ Hiệp.
- Đình Đại Lan: thôn Đại Lan, xã Duyên Hà.
- Đình Đông Phù: thôn Đông Phù, xã Đông Mỹ.
500 Dai Lan pagoda ©NCCông 2019