504 Chu Quyen community hall

Đình Chu Quyến

h.Ba VìTiền Lýsông Hồng

Đình Chu Quyến (đình Chàng) có ít nhất từ thế kỷ XVII. Thờ: thành hoàng Nhã Lang vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1962). Vị trí: 5CWV+F5, Thôn Chu Quyến, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Tọa độ: 21°11’50"N 105°26’40"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 51km (hướng 10h). Trạm dừng bus lân cận: Gần cổng làng Phố Nả trên QL32 (xe 70, 70b, 76, 92).

Lược sử

Đình Chu Quyến tức đình Chàng là ngôi đình của làng Châu Chàng, nay thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Đến đầu thế kỷ XIX, làng Chàng thuộc xã Châu Chàng (tên chữ Chu Quyến), tổng Châu Chàng, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Đình thờ thành hoàng Nhã Lang vương, tương truyền là con rể của Triệu Việt vương [1] và con cả của Lý Phật Tử [2] với mẹ là bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh.

Năm 571, sau khi giúp cha đánh thắng Triệu Việt vương, Nhã Lang vương từ chối ngôi Thái tử rồi cùng mẹ về làng Chàng quê ngoại. Cạnh đình có một ngôi đền riêng thờ Ngài và ngôi chùa làng. Trong đình hiện còn lưu giữ bản thần tích và các cổ vật quý, với 15 đạo sắc phong thần cho Ngài của các triều Lê Trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn.


Hàng năm vào dịp 13-15 tháng Giêng, dân làng mở lễ hội tại đình để tưởng nhớ công đức của thành hoàng. Ngoài các nghi thức rước kiệu và tế lễ còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ, vật dân tộc và ca hát v.v.. Ngày 28-04-1962, ngay trong đợt phân loại đầu tiên, đình Chu Quyến đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Năm 2007—2010, ngôi đình lại được nhà nước cấp kinh phí đại trùng tu. Dự án này đã đoạt giải quốc tế về bảo tồn di sản kiến trúc châu Á - Thái Bình Dương năm 2010 tại Tây An Trung Quốc.

Kiến trúc

Đình Chu Quyến nhìn về đỉnh Ba Vì ở hướng tây. Mặt bằng hình "chữ Nhất" với bề ngang 30m, gồm 3 gian 2 chái diện tích 400m2. Kết cấu khung chồng rường dựa trên 6 hàng cột: 2 hàng cột cái đường kính 60-81cm, 2 hàng cột quân 50cm, 2 hàng cột hiên 50cm, đối xứng qua trục dọc. Bốn cột cái ở chính điện có đường kính lớn tới 81cm. Khám thờ được làm như gác lửng.


Hai đầu hồi cũng có 1 hàng cột hiên ở mỗi hồi, quay vuông góc với hàng cột cái, và các cột hiên này nằm cùng trục dọc với 6 hàng cột dọc. Hàng cột hiên đỡ hệ thống kẻ bẩy ở 4 phía mặt đình. Các kẻ hiên được nối liền, gác lên các cột quân. Nối giữa các đỉnh cột quân với cột cái, là các rường cụt, và cột cái với nhau là hệ thống xà, vì kèo giá chiêng kiểu chồng rường con nhị (二).

Trên hệ kết cấu khung gỗ như kẻ bảy, rương cụt, ván nong (ván măng), cửa võng,... có những mảng chạm khắc miêu tả người làm ruộng, uống rượu, chọi gà, gảy đàn, hát múa, cưỡi voi, cưỡi hổ, cưỡi ngựa, cưỡi công và các họa tiết trang trí linh vật như: rồng chầu, phượng mẹ với đàn phượng con. Tại đó, rồng là đề tài chủ đạo được thể hiện bằng nhiều cách tài tình, ví dụ "Táng mả hàm rồng".

Di vật

Trên nóc đình Chu Quyến có 4 mái dốc gồm 2 mái chính và 2 mái phụ vuông góc che 2 chái và 2 hiên đầu hồi, cuối 4 góc mái là 4 đầu đao cong đẹp. Trên các bờ nóc, góc mái, đầu đao là những tượng nhỏ bằng gốm, thể hiện các linh vật như con xô và con kìm nóc (cá hóa rồng). Dự đoán đình được lập vào TK 17 mặc dù có một dòng chữ Hán trên xà lại ghi: "Lý triều Nhân Tông nguyên niên tạo", tức TK 11.


Đình là một không gian mở vì không xây tường, không có ván nong và cửa bức bàn. Thay vào đó là một dãy lan can thấp bao quanh sàn gỗ. Sàn gỗ cao hơn mặt đất 80cm, gồm 3 cấp khác nhau để dân làng ngồi theo thứ bậc, chức sắc và tuổi tác mỗi khi sinh hoạt cộng đồng. Hậu cung nằm ở ngay nửa sau gian giữa và được bao bọc bằng ván gỗ, trong khám thờ có đặt long ngai và bài vị Nhã Lang vương.

Di tích lân cận


504 Chu Quyen community hall ©NCCông 2019
[1] Triệu Việt Vương 趙 越 王 (524 – 571) tên thật Triệu Quang Phục 趙 光 復, từng giữ đầm Dạ Trạch đẩy lui Trần Bá Tiên và giết Dương Sàn, được tôn xưng là Dạ Trạch Vương 夜 澤 王. Ngài có công cùng Lý Nam Đế đánh đuổi quân nhà Lương và kế tục LNĐ làm vua nước Vạn Xuân từ năm 548.
[2] Lý Phật Tử 李 佛 子 (? – 602), người huyện Thái Bình, vua cuối cùng của nhà Tiền Lý. Năm 555, Lý Phật Tử kế tục Lý Thiên Bảo làm chúa động Dã Năng ở đầu sông Đào Giang. Năm 557, LPT xuống đánh nhau 5 trận với Triệu Việt Vương ở huyện Thái Bình, phủ Long Hưng (Sơn Tây), do kém thế nên xin giảng hòa. Triệu Việt vương nể LPT là cháu họ của Lý Nam Đế bèn chia địa giới ở bãi Quân Thần (nay là 2 xã Thượng Cát, Hạ Cát, quận Bắc Từ Liêm), sau lại gả con gái cho Nhã Lang. LPT dời đến thành Ô Diên (nay là xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng), năm 571 lại đánh úp làm Triệu Việt Vương phải chạy và tự tử ở cửa biển Đại Nha. LPT lên làm vua nước Vạn Xuân, đóng đô ở Phong Châu, cũng xưng là Lý Nam Đế. Năm 602, quân Tùy sang xâm lược, LPT giữ thành Cổ Loa rồi đầu hàng, bị đưa về Trung Quốc giam đến chết.