507 Son Tay citadel
Thành cổ Sơn Tây
thành cổnhà Nguyễntx Sơn TâyThành cổ Sơn Tây xây năm 1832. Nơi diễn ra trận quân Pháp tấn công ngày 16-12-1883. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 4GQ3+GM, Tx. Sơn Tây, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°08’21"N 105°30’17"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 48km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Km 42+660 trên QL32 (xe 70, 70b, 76, 92).
Lược sử
Sơn Tây vốn là một vùng đất cơ bản của người Việt từ khi lập nước. Các vị vua nhà Nguyễn đặt đại bản doanh của Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên tại thành Sơn Tây. Thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Việt Bắc, gồm 5 phủ, 24 huyện. Ngày nay đó tức là toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, cộng với hầu như toàn bộ tỉnh Phú Thọ và hơn một nửa ngoại thành phía tây thành phố Hà Nội.
Trong khoảng giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp, thành này là một trung tâm phòng bị kháng chiến của nguyên soái Hoàng Kế Viêm (phò mã nhà Nguyễn) cùng với chỉ huy của quân Cờ Đen là tướng Lưu Vĩnh Phúc. Sau 2 ngày chiến đấu đẫm máu, cuối cùng thành đã bị rơi vào tay quân Pháp ngày 17-12-1883.
Ngày 16-5-1924, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định xếp hạng di tích thành Sơn Tây và giao cho Trường Viễn Đông Bác Cổ (sau là Viện Bảo tàng lịch sử Pháp) quản lý. Đây là một trong số ít các tòa thành thời Nguyễn còn sót lại.
- Trong thành Sơn Tây. Photo Hocquard 1884
Kiến trúc
Thành Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) theo kiến trúc kiểu Vauban của Pháp, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km. Theo thư tịch cổ, thành trì này có chu vi 326 trượng 7 thước (1306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (4,4m). Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (1792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (4m).
Trong hồi ký "Một chiến dịch ở Bắc kỳ" (Une Campagne au Tonkin) bác sĩ quân y Pháp kiêm nhiếp ảnh gia Charles Edouard Hocquard đã mô tả thành Sơn Tây vào tháng 4-1884 với nhiều chi tiết: “...cách Sông Hồng khoảng 2 cây số. Thành có kiểu hình vuông, mỗi cạnh dài 500m. Một bức tường bao quanh, xây gạch cao 5m. Một cái hào đầy nước rộng khoảng 20m bao quanh thành lũy, hết hào nước là một con đường để đi tuần tra, ngăn cách giữa hào nước với tường thành. Những người An Nam gọi đường đó là đường voi (tượng đạo, đường để voi đi). Ở giữa bề mặt của mỗi bức tường thành có một nửa tháp hình bán nguyệt đường kính 30m, bố trí nhiều lỗ châu mai...”
- Tường thành Sơn Tây. Photo Hocquard 1884
Tường làm bằng đá ong và 4 cổng thành xây bằng gạch, với các toà nhà mà nay nằm trong một công viên có diện tích 16 ha. 4 cửa thành nhìn hơi chếch về 4 hướng Bắc, Nam, Tây, Đông và có tên là: Hậu, Tiền, Hữu, Tả. Xưa kia 4 cửa có cầu gạch bắc qua hào nước nhưng hiện nay chỉ còn hai cầu ở cửa Tiền và cửa Hậu.
Di tích
Trục chính Bắc-Nam nối cửa Hậu và cửa Tiền. Cửa Tiền nhìn chếch về phía Nam theo phố Quang Trung ngày nay. Cây cầu không được bố trí ngay trước cửa ra vào mà được xây dựng vào khoảng giữa tháp. Sau khi chiếm được thành, người Pháp đã cho mở một cửa mới ở ngay trước cầu để tiện đi lại, nhưng cổng cũ vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay.
Cửa Hậu ở phía Bắc nhìn ra sông Hồng theo đường phố Lê Lợi. Trước đây các cây cầu bắc qua hào đều bố trí vào vị trí của tháp và lệch với vị trí cổng thành để có lợi cho việc phòng thủ. Năm 1883 sau khi quân Pháp tấn công thì Cửa Hậu bị hư hại nặng [1]. Trước năm 1995, cổng này vẫn còn giữ được nguyên trạng như năm 1884 và có một cây đa đẹp nhất khu thành cổ. Thật tiếc là sau đó cây đã bị chặt bỏ để xây một cổng thành mới không phù hợp với không gian cổ xưa.
- Cột cờ trong thành Sơn Tây năm 1883
Cửa Tả nhìn ra chợ Nghệ (phố Phùng Khắc Khoan). Cuối những năm 1980, chợ được chuyển vào họp tạm ở trong thành cổ và một chiếc cầu tạm được dựng lên. Có lẽ để tiện việc đi lại nên sau đó người ta đã phá mất cửa Tả. Cửa Hữu nhìn ra phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ), phố này nối với phố Ngô Quyền (Hữu Lợi cũ) chạy lên làng Đường Lâm theo đường quốc lộ QL32. Cửa Hữu đã bị đại bác phá hủy hoàn toàn. Sau khi chiếm được thành, người Pháp cho xây lại để ngăn cản quân Cờ Đen tấn công.
Trong thành có các hạng mục kiến trúc: cột cờ (tức vọng lâu) cao 18m, cửa hành cung, hành cung, 2 giếng vuông, phía trước khu nghi lễ (Hành Cung, sân, điện), gần với cửa Tiền. Điện ở đây từng là tòa nhà 5 gian 2 chái, 8 mái chồng diêm, nằm ở khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan. [2]
Ngày 15-10-1994, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ra quyết định 2757QĐ/BT xếp hạng thành Sơn Tây là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Gốc đa thành cổ Sơn Tây. Photo ©NCCong 2019
Di tích lân cận
- Chùa Mía: xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
- Đền Và: thị xã Sơn Tây.
- Đền và lăng Ngô Quyền: xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
- Đình Mông Phụ: xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây.
- Đình Tường Phiêu: xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ.
- Đình Thanh Chiểu: xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ.
507 Son Tay citadel ©NCCông 2016-2019
[1] Hocquard ghi khá rõ trong hồi ký “...Với bức trán tường có những vành bằng tre, các phiến đá đen rêu phủ bị mảnh pháo và đạn rạch nát, cái cửa này có dáng oai nghiêm và dễ sợ của một người lính gác già bị tùng xẻo đến chết ở đây”.
[2] Trong hồi ký của Hocquard có viết: “...giữa thành có một tháp cao 18m. Còn lại là hành cung, nhà ở của các quan tỉnh và kho lương. Phía trước tháp có 2 bể nước lớn hình vuông xung quanh xây gạch và lan can bảo vệ. Theo người ta nói lại, trước đây một bể chứa nước dùng cho quân đồn trú, còn một bể dùng nuôi cá phục vụ bữa ăn... Cửa đi vào bên trong tháp đang mở, tôi lên trên đó để xem. Bên trong tháp có một cầu thang xoáy trôn ốc với khoảng 50 bậc bằng đá tảng. Cầu thang này được chiếu sáng bằng ánh sáng mặt trời qua những cửa sổ tròn nhỏ, làm cho người ta có cảm giác như đang trèo lên tháp chuông nhà thờ ở làng xã chúng ta... nhấp nhô 8 kho gạo dẫn vào hành cung. Hành cung nổi bật hẳn lên với hình bốn cạnh, mái 2 tầng uốn cong, phần nhô ra được trang trí bằng những quái vật đầu sư tử mặt nhăn nhó ghép bằng những mảnh sứ xanh lơ gắn xi măng. Hành cung trông ra một sân rộng vuông vức, lát bằng những phiến đá rộng, mài nhẵn. Lối vào sân có 2 con sư tử được tạc với kích thước như thật, đang đứng vươn mình trên những khối đá hoa cương màu xám trông rất đẹp. Để vào sân, người ta phải đi qua một hàng hiên đồ sộ 2 tầng mái có trổ 3 cửa và những gác chuông nhỏ cũng được trang trí nhiều hình tượng khác nhau bằng các mảnh sứ xanh lơ giống như một ngôi chùa...”.