509 Dan Vien village hall

Đình Đàn Viên

thời Lýhuyện Thanh Oaisông Đáy

Đình Đàn Viên có từ thế kỷ XVII. Thờ 2 thành hoàng: Linh Lang và Đông Hải đại vương. Xếp hạng: Di tích thành phố (2015). Vị trí: VQW3+89, xã Cao Viên, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 23km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Xóm Chợ Bình Đà (xe 75, 78, 91).

Địa lý

Cao Viên là một xã cổ có cư dân từ thời Trần, trước thế kỷ XIV. Ngày nay thuộc huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Dân số năm 2022 gồm 20.195 người, diện tích 725 ha, mật độ đạt 2.785 người/km². Phía bắc xã giáp phường Đồng Mai của quận Hà Đông, phía nam giáp xã Thanh Cao, phía đông nam giáp xã Bình Minh, phía đông bắc giáp xã Bích Hòa.

Xã Cao Viên ở mé bên phải quốc lộ QL21B, đường rẽ vào tại Km7+100m, giao thông thuận tiện. Vùng đất này vốn có một khúc sông Đáy chảy qua từ xa xưa, do đổi dòng mà để lại dấu vết là một dãy hồ đầm hình móng ngựa nằm ở phía tây, ăn lõm sang phía huyện Chương Mỹ. Ngoài làm ruộng, nhân dân trong xã còn có ba nghề phụ nổi tiếng là làm nem thính, làm đèn kéo quân và làm pháo (nghề pháo bị đình chỉ từ năm 1995). Xã hiện nay gồm 6 thôn: Xóm Bãi, thôn Vĩ, thôn Đống, thôn Trung, thôn Phù Lạc và thôn Đàn Viên.

Cổng đình Đàn Viên. Photo ©NCCong 2019

Lược sử

Đình Đàn Viên khởi dựng ít nhất từ thế kỷ XVII, từ đó trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lần cuối cùng vào năm 2017. Ngày nay các mảng chạm khắc thời Lê đã không còn, nhìn chung ngôi đình mang dáng vẻ của nghệ thuật kiến trúc cuối thời Nguyễn.

Trong hậu cung đình có thờ 2 vị thành hoàng làng là Linh Lang đại vương [1] và Đông Hải đại vương [2]. Tại Xóm Bãi bên cạnh còn có đền Lũy Tiến cũng thờ hai vị thần trên, ngày 15-6-2015 ngôi đền đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa thành phố.

Sân đình Đàn Viên. Photo ©NCCong 2019

Kiến trúc

Đình Đàn Viên nhìn về phía tây nam ra đầm Đàn Viên. Tam quan ở sau 2 cây đại cổ thụ, cổng mở ra đường làng, được xây kiểu nghi môn với 2 trụ biểu lớn đắp câu đối chữ Hán và 2 cổng phụ ở hai bên, tường ngoài có cặp phù điêu hình voi và mặt trong có cặp phù điêu hình ngựa.

Ngay sau cổng phụ là hai dãy nhà tả, hữu vu xây kiểu đầu thế kỷ XX. Du khách đi qua một sân gạch rộng và lên bậc tam cấp vào toà đại bái gồm 3 gian 2 chái, cửa bức bàn. Mặt bằng đình có hình "chữ Công". Sau chính điện là thiêu hương rồi đến hậu cung 3 gian nhỏ, bên trong đặt long ngai và bài vị của hai đức thành hoàng Linh Lang đại vương và Đông Hải đại vương.

Di tích lân cận


Chú thích
[1] Theo truyền thuyết, Linh Lang là hoàng tử Hoàng Chân, con thứ tư của Lý Thánh Tông. Mẹ là Cảo Nương người làng Bồng Lai, huyện Đan Phượng, cùng gia đình ra Thị Trại (Trại Chợ) sinh sống. Năm 1076 nhà Tống sai Triệu Tiết, Quách Quỳ thống lĩnh đoàn quân xâm lược nước ta. Hoàng tử xin vua cha một ngọn cờ hồng, một cây giáo dài, một thớt voi đực, hơn 10 vạn quân cùng 121 binh sĩ Thị Trại xông ra trận đánh tan tác giặc phải rút chạy về nước. Hoàng Chân trở về Thị Trại, ít lâu sau bị bệnh nặng, hóa thành giao long trườn mình xuống hồ Dâm Đàm biến mất.

[2] Đông Hải Đại Vương 東 海 大 王 là hiệu của Nguyễn Phục 阮 伏 một vị quan thời Lê sơ, quê gốc thôn Đông, xã Đoàn Tùng (Đoàn Lâm), huyện Trường Tân, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay là Thanh Tùng, huyện Thanh Miện), năm Thái Hòa thứ mười (1453) mới 20 tuổi đã đỗ Đệ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ. Ông làm quan tới chức Hàn Lâm Viện Đông Các Đại Học Sĩ, rồi làm chức Phó tả thị giảng. Ông có công tu sửa ngôi chùa cổ thờ Pháp Vũ ở huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân và giúp đỡ dân nghèo. Theo vua Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục giữ chức Đô Chỉ Huy Sứ vận chuyển quân nhu. Khi xuất phát bị gặp bão lớn ở cửa Lạch Trào (cửa Hới), Thanh Hóa, Nguyễn Phục quyết định chờ tan bão nên thuyền lương đến chậm, ông bị xử tội chém ngày 20 tháng 10 năm Canh Dần (1470); mai táng tại Nam Đường, nay là xã Quảng Trường, Sầm Sơn. Sau được minh oan, truy tặng sắc phong làm Đông Hải Long Vương và cho dựng đền thờ tại 72 nơi.

©NCCông 2018-2019, Dan Vien village hall