515 Giap Tu community hall
Đình Giáp Tứ
q.Hoàng Maihuyền sửsông SétĐình Giáp Tứ có từ thế kỷ XVIII. Thờ: Tam Lang Thông Đạt đại vương và Ngũ vị đại vương. Lễ hội: từ 13 đến 16 tháng Hai âm lịch. Xếp hạng: Di tích thành phố (2006). Vị trí: ngách 34, ngõ 143 Nguyễn Chính, XVG2+H93, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 8 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: 658 Trương Định (xe 29, 36, 37, 94, 101), Đd THCS Tân Mai (99, 106)
Lược sử
Sông Sét thời xưa thông với sông Tô Lịch và sông Kim Ngưu ra sông Hồng. Thuyền của vua Lê, chúa Trịnh vẫn thường du ngoạn từ Hồ Tây về đầm Sét ở Thịnh Liệt. Tên cũ của vùng quanh Cầu Sét ở thế kỷ XV là Cổ Liệt, gồm có 9 giáp. Đầu thế kỷ XX chỉ còn Giáp Nhất, Giáp Nhị, Giáp Tứ, Giáp Lục, Giáp Bát, hợp cùng với xã Tương Mai thành tổng Thịnh Liệt, tức tổng Sét, thuộc huyện Thanh Trì. Giáp Tứ ở phía đông sông Sét, có một phần đất và dân của Giáp Tam, Giáp Ngũ sáp nhập vào, di tích là chiếc cổng làng xây gạch khá lớn của Giáp Ngũ.
Giáp Tứ cũng có văn chỉ. Nghề chính xưa kia là nông nghiệp, bên cạnh nghề vàng mã, song vì 2000 dân mà chỉ có 75 mẫu đất nên phải đi làm thuê, cấy rẽ. Năm 1955, Giáp Tứ được nhận thêm 24 mẫu đất của trường bắn cũ Tương Mai. Đất này từng bị người Pháp sung công, trước đó là của Tương Mai, Giáp Lục và Giáp Tứ.
- Cổng đình Giáp Tứ. Photo NCCong ©2019
Giáp Tứ cùng 9 giáp khác đều thờ Tam Lang Thông Đạt đại vương làm thành hoàng, tương truyền là con của Lạc Long Quân giáng xuống Thịnh Liệt. Đình xây từ khoảng thế kỷ XVIII, thờ thêm Ngũ vị đại vương: Phúc Tế, Hiển Liệt, Uy Linh, Thiện Khánh, Bảo Tín. Ban đầu hướng về đền Lừ, các bô lão cho là “đất nghịch” nên đã đổi chỗ xây đình khác. Đình cũ đổi làm trường làng năm 1943. Trong cải cách ruộng đất, đình (mới) bị phá, sau đó hợp tác xã dùng làm sân phơi. Năm 1980 có đứa trẻ đái bậy lên nóc đình, bị tắc đường tiểu gần chết; dân làng vội xây lại đình, khi đó chưa có tam quan.
Kiến trúc
Đình Giáp Tứ (mới) nhìn qua cổng ra hồ Yên Sở ở phía đông nam. Sân trước có hai cây đa toả bóng, hơi chếch sang trái là một giếng tròn khá to nằm ven con đường làng. Tam quan xây kiểu nghi môn với bốn trụ biểu đắp các câu đối chữ Hán, hai bên cổng giữa là hai cổng phụ xây kiểu hai tầng tám mái giả, phía trên có đề chữ Hán.
- Tiền tế đình Giáp Tứ. Photo NCCong ©2019
Sân trong nhỏ hơn, hai bên là dãy tả, hữu vu 3 gian nhà cấp 4. Du khách bước lên thềm cao ba bậc, hàng hiên đỡ bằng 4 cột vuông đơn giản, hai đầu đắp tượng Hộ pháp. Đại đình rộng 3 gian 2 dĩ, trên bờ nóc có đắp lưỡng long chầu nguyệt. Hậu cung kết nối với đại đình theo hình chữ "Nhị". Sân sau và vườn khá nhỏ, ít cây cối.
Di sản
Ngày 13-11-2006, đình Giáp Tứ đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá. Làng còn có một ngôi nghè cổ, là nơi làm đám “chạ” và rước thần Tam Lang đến từ ngôi đình chung của tổng Sét. Khi đình đó không còn là của chung thì vẫn thờ thần Tam Lang; về sau đổi sang thờ thần Bạch Xà. Lại có ngôi đền thờ một hoàng tử chết bệnh từ nhỏ. Bà nhũ mẫu là người làng đã mang hoàng tử về nuôi.
- Trong đình làng Giáp Tứ
Từ 1990 Giáp Tứ trở lại tổ chức lễ hội hàng năm như trước 1945. Theo truyền thống, hội làng mở cùng ngày với các làng Sét khác từ 13 đến 16 tháng Hai âm lịch nhưng chỉ rước sắc đi quanh làng, tế lễ một ngày, nhân dân vui chơi các trò chèo hát, đánh vật v.v., sau 3 ngày thì rã đám.
Di tích lân cận
- Chùa Nga My: ngõ 129 Trương Định, P. Hoàng Văn Thụ.
- Chùa Sét (Đại Bi): XVF9+R7, số 2 ngách 885/23 Tam Trinh, P. Yên Sở.
- Chùa Tương Mai: XRQX+W3, số 231 phố Trương Định, P. Tương Mai.
- Đền Lư Giang: XVP7+25, đầu Hoàng Mai, P. Hoàng Văn Thụ.
- Đình Hoàng Mai: XVR3+62, ngõ 160 Hoàng Mai, P. Hoàng Văn Thụ.
- Đình Tương Mai: XRQX+23, 13 Nguyễn Đức Cảnh, P. Tương Mai.
- Đình Yên Duyên: XVF8+RW, ngõ 885 Tam Trinh, P. Yên Sở.
©NCCông 2019, Giap Tu community hall