520 Genie-guardians Cao Son 高 山
Nhân vật và thần Cao Sơn
Cao Sơn Vũ LâmCao HiểnCao SơnThần Cao Sơn (高 山) hay Cao Sơn đại vương là tên gọi các vị thần hoặc nhân vật được thờ ở rất nhiều đình, đền của Việt Nam. Nhưng do trùng tên nên danh xưng Cao Sơn có thể gây khó hiểu cho du khách. Có người còn cho đó là Cao Biền hoặc Cao Lỗ. Sau đây sẽ nói về 5 vị Cao Sơn khác nhau.
Thần Cao Sơn Vũ Lâm
Theo truyền thuyết, ngài là một trong 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên núi, làm Lạc tướng Vũ Lâm, cai quản vùng núi phía tây Ninh Bình. Đền thờ chính ở huyện Phụng Hóa, nay là đền Láo ở xã Văn Phú, huyện Nho Quan. Ngài có công phù trợ quân của Lê Tương Dực diệt được Lê Uy Mục, sau được dân làng Kim Liên rước về thờ vọng ở đình Kim Liên và được phong là Cao Sơn đại vương trấn phía nam kinh thành Thăng Long.
- Trước đình Kim Liên. Ảnh ©NCCong 2016
Theo như thần phả các đền thờ Cao Sơn ở Ninh Bình thì ngài là Lạc tướng Vũ Lâm (tức vùng núi phía tây Ninh Bình ngày nay, còn gọi là trấn tây của Hoa Lư), con thứ 17 của Lạc Long Quân, khi vâng mệnh anh (Hùng Vương thứ nhất) đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, đã tìm ra một loài cây thân có bột dùng làm bánh thay gạo, lấy tên mình đặt là cây Quang lang (dân địa phương còn gọi là cây búng báng).[1]
Thần Cao Sơn Tản Viên
Vị này được thờ ở vùng núi Ba Vì, vùng sông Tích, các vùng Mường cổ và đồng bằng Bắc Bộ. Trong phần lớn các bản thần tích về ngài đều ghi tên là Hiển, sống ở đời Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), cùng với Quý Minh là em họ của Tản Viên, có công giúp vua Hùng đánh thắng quân Thục. Ngài ngự ngọn núi bên trái của dãy Ba Vì (Tản Viên ở giữa, bên phải là Quý Minh) và được thờ ở rất nhiều nơi.[2]
Thần Cao Sơn Chí Linh
Thần Cao Sơn này được thờ ở làng Lương Nhân, huyện Chí Linh, Hải Dương. Thần giỏi thuốc, thường hiện thân làm thầy lang chữa bệnh đậu mùa cho dân, sinh thời có hiệu là Tế giang cư sĩ. Dân đảo Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh thờ Cao Sơn trong miếu ở xóm Thái Hoà gọi là Cao Sơn thần miếu.
- Cổng đình Hà Hồi. Photo NCCong ©2019
Xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, Hải Dương, có nghè Rồng, đền Rồng và đình Rồng thờ vị thầy thuốc huyền thoại Cao Sơn. Dịch đậu mùa thường vào mùa xuân, làm nhiều người, nhất là trẻ con chết hàng loạt, kẻ gây ra dịch gọi là “quan ôn”. Trong Kiến văn tiểu lục, Lê Quý Đôn có ghi: “Cao Sơn Đại Vương tinh thông làm thuốc, chữa khỏi bệnh đậu mùa. Một đêm hiện lên nói: Ta là Cao Sơn, nhà ở xứ Đầu Hồ, xã Lương Giản, huyện Chí Linh”.
Tướng Cao Sơn Cao Các
Cao Sơn và Cao Các là hai anh em sinh đôi ngày 6/1/938 ở làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, châu Ái. Cha là Cao Trạch, mẹ là Lê Thị Điểm (quê ở Ninh Phúc, Ninh Bình). Từ nhỏ, Cao Các đã học giỏi hơn người; Cao Sơn võ nghệ tinh thông. Lớn lên, hai ông bỏ làng đi tìm minh chúa. Đinh Bộ Lĩnh phong Cao Các làm Giám Nghị đại phu, giao cho 5 vạn lính.
- Đền Cao Sơn ở Công Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An
Ngày 6 tháng 6 năm Đinh Mão (tức 15 tháng 7 năm 967), Đinh Bộ Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy tiến đánh Nguyễn Siêu nhưng trận này Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết và Cao Sơn cùng rất nhiều binh lính bị tử trận. Dẹp xong loạn 12 sứ quân, vua Đinh ban cho Cao Các thực ấp ở huyện An Ninh. Khi chúa Chiêm Thành là Xạ Đẩu đem quân uy hiếp Đại Cồ Việt, vua triệu Cao Các cầm quân nhiều trận. Sau đại thắng, vua Đinh muốn lưu ông lại triều đình nhưng Cao Các xin về sống ở An Ninh rồi mất đột ngột, vua thương tiếc cho lập miếu thờ. Đến thời vua Lý Thái Tổ biết ông là trung thần bèn phong tặng Mỹ Tự Đại Vương. Các triều vua về sau đều gia phong.[3]
Tướng Cao Hiển thời Hồ
Theo bản thần tích lưu ở Đình Đại (Bạch Mai, Hà Nội) thì ngài tên là Cao Hiển, tự Văn Trường. Cha là Cao Khánh ở núi Bảo Đài Sơn, quận Quảng Nam, lấy vợ Trần Thị Tố, người làng Quang Liệt (Trường Yên, Ninh Bình) sinh con trai vào ngày 16 tháng 3 năm Kỷ Tị. Sau khi mẹ mất năm lên 7 tuổi, cậu được cha đưa về Trung Quốc. Hiển học thầy Chu Đường, 27 tuổi đỗ Tiến sĩ, bổ làm mục Ích Châu. Sau khi Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, Hiển công được vua sai sang Việt Nam trừ họ Hồ. Ông đóng đồn ở Hồng Mai (tức Bạch Mai), diệt được nhà Hồ, làm Án sát sứ rồi về Bắc, được vua phong Cao Sơn đại vương, sau tu ở núi Bảo Đài, thọ 103 tuổi.[4]
- Đền Xuân Hòa ở Hưng Long, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
7 làng thuộc tổng Hà Hồi xưa, nay thuộc 3 xã của huyện Thường Tín gồm: Hà Hồi, Phú Cốc, Hoà Lương, Khê Hồi, Đức Trạch, Bạch Liên và Phương Quế đều thờ Cao Hiển. Ngài còn được thờ ở đình Đồng Tâm (Hà Nội) và thần phả vẫn lưu giữ ở đình Minh Thành (xã Đông Quang, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).
[1] Vd. như: đền Núi Hầu (Yên Thắng -Yên Mô), đền Quảng Phúc (Yên Phong - Yên Mô), đền Quèn Thờ (Đông Sơn - Tam Điệp), đền Láo (Văn Phú, Nho Quan), đền Sơn Thần (Gia Thủy - Nho Quan), Đình Hương Thịnh (Phú Lộc, Nho Quan), đền Vô Hốt (Lạc Vân, Nho Quan), miếu Cao Sơn, (Kỳ Phú, Nho Quan), đền Gối Đại (Ninh Hải Hoa Lư) và đền Cao Sơn (khu núi chùa Bái Đính).
[2] Vd.: 1. Đền Mẫu Đợi thờ thần Cao Sơn và Quý Minh ở làng Dụ Đại, xã Đông Hà, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình. 2. Đền Dĩnh Kế còn gọi là Nghè Kế, Nghè Cả, thuộc xã Dĩnh Kế, Bắc Giang, thờ thánh Cao Sơn và Quý Minh; hàng năm vào Rằm tháng Ba, là nơi trung tâm diễn ra lễ hội của xã. 3. Đình thôn Vĩnh Ninh, phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, di tích lịch sử - văn hoá quốc gia nằm ở phía đông-bắc TP và đầu quốc lộ QL31. Đình thờ hai vị Cao Sơn, Quý Minh, hằng năm hội đình được tổ chức vào ngày 19, 20 tháng Giêng. 4. Đình Bảng thuộc thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, được xây dựng năm 1700, 1736 hoàn thành, thờ Cao Sơn (Thần Đất), Thuỷ Bá (Thần Nước) và Bạch Lệ đại vương (Thần Trồng Trọt). 5. Đình thôn Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang, được dựng vào thời Mạc, năm Sùng Khang thứ 11 (1576). Đình đã qua nhiều lần tu sửa vào 1694, 1850, và 1910 xây thêm hậu cung bằng cách cắt mái giữa, tạo nên mặt bằng hình chữ "đinh" và hai dãy tả vu, hữu vu. Đây là ngôi đình có niên đại sớm thứ hai, chỉ sau Đình Tây Đằng. Đình thờ Cao Sơn và Phượng Duy Công chúa (Bà Chúa Tiên), người đã dạy dân địa phương trồng bầu.
[3] Cao Sơn Cao Các được thờ ở: 1. Đền Phúc Trung (xã Ninh Phúc, TP Ninh Bình). 2. Đền thôn Tân (xã Khánh Lợi, Yên Khánh, Ninh Bình). 3. Đền Xuân Hòa (xã Hưng Long, Hưng Nguyên, Nghệ An). 4. Đình Mõ (xã Hậu Thành, Yên Thành, Nghệ An). 5. Đền Ngọc Điền (Thị trấn Hưng Nguyên, Nghệ An). 6. Đình Trụ Thạch (Lý Thành, Yên Thành, Nghệ An),... 7. Đình Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, Hà Nội, thờ Cao Sơn tại nơi hy sinh. Theo sách Địa chí văn hóa Hưng Nguyên thì chỉ riêng ở huyện Hưng Nguyên trong 109 xã, thôn ở đây có trên dưới 40 xã thôn thờ Cao Sơn Cao Các.
[4] Chưa rõ ngài là ai và trong thư tịch Trung Quốc không có tiến sỹ Cao Hiển nào sang nước ta làm chức Án sát sứ.
520 Cao Son ©NCCông 2019