522 Bong Mac community hall

Đình Bồng Mạc

sông Cà Lồh.Mê LinhTiền Lý

Đình làng Bồng Mạc có từ thời Lê sơ. Thờ 5 thành hoàng: Lý Phật Mã, Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang, và 2 tướng Ả Nang, Ả Nương của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 5MM7+36, xã Liên Mạc, H. Mê Linh, TP Hà Nội. Tọa độ: 21°10’58"N 105°39’47"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 36km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Cầu Liên Mạc trên DT308 (xe 63)

Lược sử

Xã Liên Mạc xưa thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái (sau đổi là Vĩnh Tường), trấn Sơn Tây. "Liên" là "liền nhau"; Mạc là "xứ". Xã gồm 3 thôn làm thành hình con ngựa: thôn Xa Mạc ở nơi đất cao nhất được coi như đầu; yên ngựa là thôn Yên Mạc nằm ở giữa, nơi trũng nhất và có nhiều ao hồ; còn đuôi ngựa là thôn Bồng Mạc ở cuối xã. Đình làng Bồng Mạc có từ thời Lê; được xếp hạng di tích quốc gia năm 1996. Trong đình thờ 5 thành hoàng: Lý Phật Mã, Lý Phật Tử, Lý Nhã Lang và Ả Nang, Ả Nương (2 tướng của Bà Trưng).

Trong 5 vị trên có 3 nhân vật với sự nghiệp được ghi chép rõ trong lịch sử. Lý Phật Tử là cháu họ của Lý Nam Đế nhưng năm 602 đã đầu hàng quân xâm lược, bị nhà Tùy bắt đưa về Trung Hoa rồi chết. Lý Nhã Lang là con trai Lý Phật Tử và con rể vua Triệu Việt Vương, năm 571 đánh úp bố vợ, để bố đẻ trị vì toàn bộ nước Vạn Xuân. Lý Phật Mã là vị hoàng tử nhà Lý đã dẹp được loạn “Tam vương” và chiến thắng quân xâm lược Chiêm Thành, trở thành vua Lý Thái Tông (1000–1054).

Đình Bồng Mạc. Photo Hiếu Trần ©2016

Kiến trúc và hiện vật

Mặt đình Bồng Mạc mở ra đường liên xã, quay hướng Tây-Nam nhìn qua sông Hồng về phía dãy núi Tản Viên xa xa. Đình có mặt bằng xây dựng hình chuôi vồ, gồm toà đại bái 5 gian và hậu cung, các mái đều lợp ngói ta. Nhiều mảng trang trí kiến trúc gỗ tập trung ở trên các bẩy, bức cốn, đầu dư, và làm nổi bật tính nghệ thuật bởi những đề tài “Tứ linh”, “Tứ quý” kết hợp với vân mây, hoa, lá... được chạm khắc tinh tế.

Trong đình hiện còn giữ được khá nhiều hiện vật, nổi bật là cuốn ngọc phả 24 trang do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Đức thứ nhất (1470), sao lại năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740). Đặc biệt có bức nghi môn lớn được sơn son thếp vàng rực rỡ, chia thành nhiều băng và ô. Băng trên cùng chạm nổi hình thoi, cánh sen. Băng thứ 2 chạm nổi hình rồng chầu mặt nguyệt và khắc chìm 4 chữ Hán “Chính long đức chung”. Băng thứ 3 chia làm 5 ô trang trí, mỗi ô một đề tài: mai điểu, tùng lộc, phượng cắp thư, cúc, sen…

Trong đình Bồng Mạc. Photo NCCong ©2019

Lễ hội

Dăn làng Bồng Mạc tổ chức lễ hội hàng năm kéo dài 3 ngày, chính hội là mùng 10 tháng 3 âm lịch, cứ 5 năm làm một lần đại lễ. Trong dịp đó có 3 cuộc lễ: Khởi tế, Trung tế và Tế tạ. Lễ xong thì hạ cỗ và cùng thụ lộc. Phần hội bao gồm nhiều trò chơi dân gian như đánh đu, múa lân, hội cờ người... đặc biệt có tục cướp bông và tục hát trống quân đối đáp giao duyên giữa nam nữ.

Tương truyền Lý Nhã Lang từng nghỉ đêm tại đền Gao (nay thuộc xóm Gao ở Bồng Mạc) và được tiên báo mộng. Ngài theo lời cho tát hồ Gao bắt con cá chép lớn, mổ cá lấy được thanh đao quý rồi từ đó liên tiếp đánh thắng địch. Trong trận chiến ở đầm Dạ Trạch ngài đã dùng cây bông làm hiệu điều khiển quân sĩ, về sau được dân tưởng niệm bằng tục cướp bông.

Chạm gỗ trong đình Bồng Mạc. Photo NCCong ©2019

Tục này được khôi phục lại vào năm 1997. Làng Bồng Mạc có 5 xóm, mỗi xóm cử ra một đội gồm 15 trai chưa vợ, cởi trần, đóng khố và được đánh số thứ tự trên lưng. Các đội xếp hàng trước sân đình để đợi cướp bông. Đội lôi được bông về điểm tập trung của xóm mình là đội chiến thắng.

Theo lệ, chỉ những người đức hạnh trên 60 tuổi và nhất thiết phải có đủ nếp tẻ mới được vót bông. Một cây tre bánh tẻ đường kính 8cm, dài 1,5m, được vót thành những sợi trắng phau và cuốn thành 5 nụ bông tương ứng với thịnh-suy-vĩ-thái-thịnh. Hai cây bông đẹp được đưa về nhà thờ của làng, sau đó 5 đôi trai gái chưa lập gia đình dùng kiệu rước lên bệ Trung thiên và đặt trên sập thờ giữa cung đình. Trưa ngày hội thứ 3, sau khi tế tạ xong ông chủ tế giao bông cho 2 ả đào vừa múa vừa hát ca trù ở giữa cung rồi tuôn cây bông qua khung cửa gỗ ra ngoài sân đình để cho tranh cướp...

Bảy hiên đình Bồng Mạc. Photo NCCong ©2019

Năm 1995, đình Bồng Mạc đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

  • Chùa Diên Phúc: thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê.
  • Đền Mê Linh: thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh.
  • Đình Bạch Trữ: thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng.
  • Đình Phú Mỹ: thôn Phú Mỹ, xã Tự Lập.
  • Đình Yên Mạc: thôn Yên Mạc, xã Liên Mạc.

©NCCông 2019, Bong Mac community hall 522