526 King Ly Bi

Lý Bí 李 賁 (503–548)

thời Tiền LýLý Bí

Lý Bí tức Lý Nam Đế 李 南 帝 là vị vua đầu tiên của nước Vạn Xuân, người mở ra một triều đại độc lập mà sử sách Việt Nam gọi là nhà Tiền Lý. Ngài cùng vợ con và các tướng được thờ ở rất nhiều nơi thuộc TP Hà Nội bây giờ và vùng xung quanh.

THÂN THẾ

Lý Bí 李 賁 (còn đọc là Lý Bôn) sinh năm 503. Tổ tiên phương Bắc từ cuối thời Tây Hán trước đó 5 thế kỷ đã sang sống ở Giao Châu để trốn nạn binh đao, vì vậy sử Trung Quốc đều coi Lý Bí là "Giao Châu thổ nhân". Năm 2012, một cuộc họp của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng ngài có quê gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Trong bản thần sắc lưu tại đền thờ ngài Lý Thiên Bảo có chép: "Giáp Tăng Phúc, xã Dịch Vọng Tiền [gần Cầu Giấy bây giờ], xưa vốn là trang Thái Bình. Đất ở đây bằng phẳng, sông ở đây trong mát, cây cối xanh tươi mà sầm uất, phong tục chất phác mà dày dặn. Trong ấp có ông Lý Thiên Bảo luôn làm việc thiện,...". Các sách Đại Việt sử ký toàn thưLịch triều hiến chương loại chí cũng ghi Lý Bí là người Thái Bình, phủ Long Hưng. Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì "tên Thái Bình đặt từ thời Đường (618–907), còn Long Hưng đặt từ thời Trần (1225–1400)". Việt Nam sử lược viết "phủ Long Hưng thuộc tỉnh Sơn Tây" (cũ). Nơi này có nhiều đền thờ Lý Bí và các tướng Triệu Túc, Phạm Tu, Lý Phật Tử.

Đền thờ Lý Nam Đế ở xã Đạo Đức, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc

SỰ NGHIỆP

Lý Bí sinh ngày 12 tháng 9 Quý Mùi (17-10-503). Cha mất khi ngài 5 tuổi. Lên 7 thì mẹ qua đời, ngài đến ở với chú ruột. Một hôm, có vị thiền sư đi qua, trông thấy ngài khôi ngô tuấn tú liền xin đem về chùa nuôi dạy. Sau hơn 10 năm, Lý Bí trở thành người văn võ kiêm toàn, lên làm thủ lĩnh địa phương. Thứ sử Giao Châu là Vũ Lâm hầu Tiêu Tư 蕭 諮 bèn mời Lý Bí lãnh chức giám quân nhà Lương ở Đức Châu (Đức Thọ, Hà Tĩnh ngày nay).

Sau thấy Tiêu Tư tàn bạo, Lý Bí bỏ quan về quê chiêu binh chống lại chính quyền. Triệu Túc tù trưởng Chu Diên (Hải Dương) cùng con là Triệu Quang Phục đem quân về với ngài. Tinh Thiều, một người giỏi văn chương từng đến kinh đô nhà Lương nhưng chỉ được cho chức "gác cổng thành", cũng về Giao Châu theo Lý Bí. Ngoài ra còn có võ tướng Phạm Tu đã ngoài 60 tuổi và các tướng khác như Trịnh Đô, Tam Cô, Lý Công Tuấn.

Cuối năm 541, Lý Bí chính thức khởi binh. Theo sách Lương thư của Trung Quốc, Tiêu Tư liệu thế không chống nổi, phải sai người mang của cải đến đút lót để được tha chạy thoát về Quảng Châu. Tháng 4-542, Lương Vũ Đế sai thứ sử Việt châu Trần Hầu, thứ sử La châu Ninh Cự, thứ sử An châu Úy Trí, thứ sử Ái châu Nguyễn Hán hợp lực tiến binh nhưng Lý Bí chủ động đánh trước, phá tan lực lượng đó và làm chủ toàn bộ Giao Châu.

Cuối năm 542, Lương Vũ Đế lại sai thứ sử Giao Châu Tôn Quýnh, thứ sử Tân Châu Lư Tử Hùng sang đàn áp. Lý Bí lại chủ động ra bán đảo Hợp Phố đón đánh, quân Lương tan rã, mười phần chết đến sáu. Tháng 5-543, vua Lâm Ấp Rudravarman I mang quân xâm chiếm quận Nhật Nam và tiến đến quận Cửu Đức. Lý Nam Đế sai Phạm Tu cầm quân vào nam đánh tan giặc ở Cửu Đức khiến vua Lâm Ấp phải bỏ chạy. Có ý kiến cho rằng đó là Lý Phục Man, vì có công đánh Lâm Ấp mà được ban họ Lý, đổi tên Phục Man.

Tháng Giêng năm 544, Lý Bí tự xưng Nam Việt Đế, đặt niên hiệu Thiên Đức, lập nước Vạn Xuân, đóng đô ở vùng cửa sông Tô Lịch, dựng điện Vạn Thọ làm nơi triều hội, thành lập triều đình với hai ban văn, võ và lấy Triệu Túc làm Thái phó, Tinh Thiều đứng đầu ban văn, Phạm Tu đứng đầu ban võ.

Tháng 5-545, vua Lương cho Dương Phiêu làm thứ sử Giao Châu, Trần Bá Tiên làm tư mã, lại sai thứ sử Định Châu là Tiêu Bột hội với Phiêu ở Giang Tây. Trần Bá Tiên đi trước. Lý Nam Đế đem ba vạn quân ra chống bị thua ở Chu Diên, lại thua ở cửa sông Tô Lịch, tướng Tinh Thiều, Phạm Tu tử trận. Vua chạy về thành Gia Ninh (Phong Châu cũ, nay thuộc xã Thanh Đình, Việt Trì, Phú Thọ). Trần Bá Tiên đuổi theo vây đánh, tháng Giêng năm 546 lấy được thành Gia Ninh.

Lý Nam Đế chạy vào đất người Lạo ở Tân Xương. Sau khi củng cố lực lượng, tháng 8, ngài đem hai vạn quân từ đất Lạo ra đóng ở hồ Điển Triệt (xã Tứ Yên, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc ngày nay). Đêm hôm ấy nước sông lên mạnh, tràn vào hồ. Trần Bá Tiên nhân đó đem quân theo dòng nước tiến trước vào. Quân Vạn Xuân không phòng bị, vì thế tan vỡ. Lý Nam Đế phải lui giữ ở trong động Khuất Lão, ủy cho Tả tướng Triệu Quang Phục giữ việc nước.

Ngày Tân Hợi tháng 3 (13-4-548), Lý Nam Đế ở động Khuất Lão (nay là xã Văn Lương, huyện Tam Nông, Phú Thọ) lâu ngày bị nhiễm bệnh nặng đã qua đời. Vua ở ngôi được 5 năm (543–548), thọ 46 tuổi.

DI SẢN

Lý Nam Đế trị vì tại Đại La chỉ được 1 năm nhưng đã kịp xây dựng 3 công trình lớn ở ven sông Tô Lịch. Đó là Vạn Xuân Đài, Tô Lịch Giang Thành, và Khai Quốc Tự - ngôi chùa cổ nhất ở Hà Nội ngày nay.

Lý Nam Đế cùng vợ con và các tướng của ngài được thờ ở rất nhiều nơi thuộc TP Hà Nội bây giờ và xung quanh. Theo lưu truyền tại thôn Giang Xá (xã Đức Giang, huyện Hoài Đức) thì sinh thời ngài thường dẫn quân đi qua đây sang "xã bên" tập trận, vì vậy mà có câu hát "Nhong nhong ngựa ông đã về/ Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn". Dân làng kiêng húy tên ngài nên mọi từ "bí" ví dụ trong quả bí xanh, bí đỏ v.v. đều phải g̣ọi là "bầu".

Còn theo lưu truyền tại làng Miêu Nha (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) thì khi trận tuyến chống quân nhà Lương ở cửa sông Tô Lịch bị vỡ, Lý Nam Đế phải lui về làng này. Ba năm sau vua mất, dân làng tôn làm thành hoàng và cũng đề ra lệ kiêng húy, ví dụ gọi “quả bí” là “quả bầu” và “lược bí” thành “lược mau”.

©NCCông 2019, King Ly Bi

Tập hồ sơ