538 Yen Phu gate

Ô YÊN PHỤ

q.Tây Hồcửa ô

Trước khi không quân Mỹ ném bom Hà Nội, đi từ phía Bắc vào nội thành ta được ngắm cái bốt boong- ke có từ thời Pháp.

Boong- ke này đặt ở ngã ba, một phía lên Phú Thượng, một phía vòng Hồ Tây về Bưởi, một hướng xuôi phía Nam về Yên Phụ. Hương vị Hà thành từ Hồ Gươm toả đến bốt này là hết vị. Qua cái bốt ngược lên Phú Thượng, người Hà Nội thường dừng lại trước cái bốt này, và khách bát phố coi đây là một điểm đặc biệt bên đường, nhất là khi trông thấy cái bốt boongke giăng kín dây thép gai, con chuột chạy không lọt, treo lơ lửng mấy vỏ bao thuốc lá và đồ hộp quăng đầy dưới chân. Thật ra, khi lãng tử Hà thành vượt qua cái bốt sẽ được thưởng thức cảnh sông nước kỳ thú. Thời xưa, cảnh đê Phú Thượng đẹp lắm. Đặc biệt, có cây gạo cao chót vót, hoa gạo nở đỏ rực, dưới bãi cỏ đầy hoa rơi. Trên cao, chim sáo, quạ, diều hâu đậu đầy, kêu ríu rít. Tụi trẻ con giương súng cao su bắn không tới, đạn rơi xuống đất thành đường cầu vồng.

Còn đoạn đê từ boong-ke vòng sang Bưởi, hoặc về đến Quảng Bá là nơi chăn thả từng đoàn bò. Sáo sậu và sáo đen đậu trên lưng bò hàng đàn để tìm bắt ve, bọ cho bò. Có chú sáo ngoáy mỏ vào tận lỗ tai bò để bắt ve, khiến bò chạy vùng lên. Ác nỗi tụi sáo sậu và sáo đen tinh lắm, tụi trẻ chỉ giơ súng cao su lên là bay mất, chứ không như sáo đen và quạ ở Malaysia dạo chơi quanh đám người đông. Cuối cùng thì bọn trẻ vẫn thông minh hơn chim, một đứa đạp xe, một đứa ngồi đằng sau giương súng cao su lên bắn. Lúc đầu hạ được một số chim sáo. Sau đó, chim cũng khôn theo người, cứ thấy bóng xe đạp là bay vù mất.

Từ boong-ke về đến Quảng Bá, một bên đê là cánh đồng, một bên đê là làng xóm quanh hồ. Quảng Bá, Nghi Tàm có bể bơi ngoài trời duy nhất của Hà Nội. Nếu đi từ Hà Nội lên rẽ đường chính vào thì phải mua vé, còn nếu từ trên đê đi tắt qua cánh đồng thì không mất tiền.

Bể bơi xưa rất đơn giản, trên bờ có gian nhà lá để thay quần áo, tuyệt đối không có máy nước để tráng người. Trên sân có một xà đôi và một quả tạ giành cho người yêu thể thao. Bể bơi có cái cầu phao dài khoảng 30m dẫn đến cầu nhẩy. Có lần, một người lặn bị mắc kẹt trong cầu phao, khi xác chết bốc mùi nồng nặc mọi người mới phát hiện ra, bể bơi phải đóng cửa một tuần lễ.

Trông nom bể bơi là Tỷ Điếc, người đẹp như một vận động viên thể hình. Tỷ Điếc cũng là một vận động viên bơi lội thường thường bậc trung. Thời ấy, phong trào bơi lội của ta kém lắm. Nguyễn Văn Củ giữ kỷ lục bơi tự do rất nhiều năm. Nguyễn Văn Củ bơi theo kiểu lai căng giữa bơi ếch và bơi sải. Về mặt kỹ thuật bơi lội, Củ còn kém cả những người bơi lội nghiệp dư của các bể bơi Hà Nội hiện nay. Sau đó, những con “cá kình” Hồ Tây dòng họ Quách Cương bá chiếm nhiều năm. Trước kia, họ thường tổ chức thi bơi vòng quanh Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, sau thì bỏ hẳn.

Người Hà Nội hẳn nhớ cảnh buổi sáng mùa hè, đạp xe từ Hồ Gươm lên bể bơi Quảng Bá lúc sáng tinh mơ. Thường xuất phát ở nhà lúc 5 giờ sáng thì 6 giờ tới nơi. Sở dĩ đi chậm vì đoạn đê giữa Yên Phụ đến Quảng Bá trồng đầy ổi. Ổi chín vàng ươm, chúng tôi thường mắt trước mắt sau không thấy ai canh là a la xô xuống vặt ổi trộm. Của ăn vụng dù có hái được quả xanh, ăn chát xin xít đến bứ cổ vẫn thích. Nếu chẳng may bị người canh bắt được thì cũng đến hoà, người canh ổi bắt được kẻ trộm ổi, họ cũng không đánh đập gì mà chỉ xua đuổi đi thôi. Buổi sáng mùa hè mà được đi tắm Quảng Bá thật thú vị, ra đi từ lúc mờ sáng, đường còn đèn, đến hồ sương còn phủ, xuống nước lúc đầu ngại vì hơi lạnh, nhẩy ùm xuống một lúc thấy mát rượi tới tận tâm can. Sau khi vùng vẫy, nô rỡn thoải mái, độ 1 giờ là về, lúc này ánh mặt trời đã bắt đầu gay gắt, bụng đói cồn cào, ai lo xa thì mang khoai luộc đi ăn. Bụng đói được ăn khoai luộc thấy thật chắc dạ. Còn những người quá đói thì nhẩy bừa xuống hái trộm ổi, nếu có bị người canh bắt được thì đến cười trừ là hết chuyện.

Sau thời kinh tế mở cửa, cơn sốt xây nhà biệt thự quanh Hồ Tây nổi lên, rừng ổi bị chặt trụi. Lúc đầu, Hồ Tây lơ thơ tô điểm một vài ngôi nhà biệt thự đẹp như trong mơ.

Nay thì nhà xây lên vô tổ chức trông như một đống kiến trúc lổn nhổn. Nhìn từng ngôi nhà ta thấy đẹp như nhà Tây, nhìn tổng thể lại thấy ngược lại.
Đường Thanh Niên xưa nhỏ, nhưng đẹp và thơ mộng hơn bây giờ. Đẹp vì con đường Cổ Ngư trông xa như một dải lụa vắt ngang giữa hai hồ: Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch, hàng hoa phượng vĩ đỏ rực như gấm thêu trên lụa. Nay thì đường mở rộng, các cây cối che khuất mất hàng phượng vĩ.

Hồ Tây có hai vụ chết gây xúc động: một vận động viên bơi lội vô địch đã chết vì chuột rút; đoàn văn công Trung Quốc đi chơi hồ đã bị một cơn lốc cuồng phong cuốn chìm trong một ngày trời đẹp. Tất cả mọi phương tiện cứu hộ đều bất lực. Thời Pháp, chỗ dốc Hồ Tây có khu vui chơi “Tiểu Đồ Sơn”, nhà thuyền Hùng Nhân. Sau này, Nhà nước ta làm thành chỗ cho thuê du thuyền. Ngày trước phải là tay chơi mới dám bỏ tiền ra thuê thuyền. Có hai cậu thanh niên cố dành dụm ít tiền, thuê chơi thuyền một bữa xả láng. Ác nỗi hôm đó nắng gắt. Một cậu bảo:
— Nắng quá, anh cho em vào bờ nghỉ một chút không thì mệt chết.
Cậu kia quát:
— Chết thì chết, đã mất tiền thuê thì phải đi.

Đường Thanh Niên trước gọi là đường Cổ Ngư. Ngày xưa vua Lê, Chúa Trịnh du thuyền trên Hồ Tây thường bắt cung nữ giả làm người bán hàng trên đường Cổ Ngư để các vua, chúa vào giả vờ mặc cả mua bán, bỡn cợt cho vui.

Sau ngày đầu giải phóng, học sinh Chu Văn An, Nguyễn Trãi ra sức kéo đất từ sông Hồng lên để đổ đường rộng ra như ngày nay.

Ngày ấy, học sinh đói lắm, phải kéo xe bò đất qua dốc Yên Phụ thở hồng học, vã mồ hôi. Nhưng khí thế lao động thì hừng hực. Bây giờ nghĩ lại cũng chẳng sao giải thích nổi. Nếu học sinh nào dù có giỏi nhất lớp mà lao động kéo xe bò đất thiếu nhiệt tình thì mọi thành tích đều sổ toẹt. Cho đến năm 2014, Bát Phố gặp lại cô bạn học cũ hoa hậu trường Chu Văn An nay đã ngoài 70. Cô cầm tay Bát Phố đặt lên đôi vai trần bảo:
— Bát Phố có thấy lớp chai dầy do gánh đất từ bãi Nghĩa Dũng lên đắp đường Cổ Ngư không?

Ngày xưa Hồ Tây kéo sát đến cây đa trước cửa đền Quán Thánh. Vườn hoa Lý Tự Trọng trước là hồ sen. Sau khi được thanh niên học sinh san lấp đi, Bác Hồ đã đổi cái tên đầy lịch sử Cổ Ngư thành Thanh Niên, rồi đặt tượng Lý Tự Trọng để thờ.

Ngày quân Pháp rút khỏi Hà Nội đã cho giật mìn phá chùa Một Cột, xác chùa Một Cột đem đổ xuống Hồ Trúc Bạch gần quán bánh tôm. Chùa Một Cột ngày nay là tân thời, xây lại bằng bê tông cốt sắt.

Có dạo du khách các nước Hồi giáo tham quan Hồ Tây, thấy nhiều đôi trai gái làm tình từ tượng Lý Tự Trọng tới chùa Trấn Quốc. Dáng các đôi làm tình đều đứng, ngồi ở các tư thế khó, họ ôm nhau bất động như La Hán, người Hồi giáo gọi là “khám bệnh”, họ không hiểu được người Việt sao lại “khám bệnh” giữa ban ngày.

Người Hà Nội xưa đi qua đường Thanh Niên cũng có những cảm giác hụt hẫng. Thứ nhất, phía Hồ Trúc Bạch xưa có đền Cẩu Nhi, Cẩu Mẫu như ốc đảo ven hồ, trông rất ấm cúng. Sau đó, chẳng hiểu vì sao lại bị phá đi rồi biến thành restaurant, sau bị nhiều nguời phê phán, lại bỏ hoang. Rồi tranh cãi xây lại như xưa. Chủ yếu chắc cũng như thường lệ: kết quả bằng con ruồi, mà chi phí bằng con voi. Cuộc bàn luận đền Cẩu Nhi, Cẩu Mẫu rồi cũng như cuộc bàn luận về bảo vệ rùa ở Hồ Gươm, có nhà học giả bảo: “Cần bảo vệ con rùa”, nhà Hà Nội học mắng: “Cụ rùa đến nghìn tuổi có vô văn hóa mới gọi cụ là con”. Cuộc họp bất phân thắng bại. Con rùa hay cụ rùa?

Còn cái quán bánh tôm đặc sản Hồ Tây thời bao cấp phải xếp hàng có khi từ sáng tới chiều mới được ăn đĩa bánh tôm. Đi trên đường Thanh Niên nhìn người ăn bánh tôm trong nhà hàng mà cứ tưởng họ đang hưởng lạc ở Niết bàn.

- Xem: Đình Yên Phụ. Panorama ©NCCong 2019

Xưa, Hồ Trúc Bạch có một khu nhà 8 mái gọi là nhà Kèn, nay biến thành nhà khách Bộ quốc phòng. Cây đa trước cửa đền Quán Thánh trước có một đôi, nay còn một cây thôi.

Nguyên do là trong giai đoạn chiến tranh phá hoại, mục tiêu chính của không quân Mỹ là đánh sập nhà máy điện Yên Phụ. Bom thời Ních- xơn gọi là bom thông minh. Sau khi máy bay do thám chụp được hình mục tiêu, thì bức hình gắn vào bộ nhớ của bom. Bom sẽ tự động đi tìm mục tiêu. Muốn bảo vệ được nhà máy điện, trước tiên phải bịt mắt được bom thông minh Ních-xơn, bằng cách khi có báo động, ta tổ chức một đơn vị bộ đội phun khói đen, nên gọi họ là đặc công lính khói. Mỗi khi có báo động cả khu vực quanh nhà máy điện, quanh Hồ Trúc Bạch lan đến một phần trời Hồ Tây, khói đen mờ mịt.

Bịt mắt bom thông minh còn cần cả hoả lực pháo cao xạ. Trực tiếp bảo vệ nhà máy điện gồm bốn đại đội: C33 pháo 57C anh hùng đóng ở bãi Nghĩa Dũng; đại đội pháo cao xạ 37 ly đóng ở giữa Hồ Tây; đại đội 57 ly C30 đóng trên đường Thanh Niên; trung đội 14 ly 5 đóng trên nóc nhà Quốc hội.

Riêng tầm ngắm bắn của C30 trên đường Thanh Niên bị hàng cây phượng vĩ, cây đa trước cửa đền Quán Thánh cản trở. Lệnh đơn vị là chặt phá mọi vật cản tầm ngắm để tiêu diệt kẻ thù bảo vệ Phủ Chủ tịch, nhà máy điện, trái tim của Thủ đô. Đơn vị chặt một cây đa trước cửa đền Quán Thánh, đang phá hàng phượng vĩ thì tin này đến Phủ Chủ tịch. Lệnh của Bác Hồ là tìm mọi cách bảo vệ mục tiêu, nhưng không được phá cây. Không phá cây mà vẫn bảo vệ mục tiêu, thì đơn giản nhất là phá khu nhà Kèn giữa Hồ Trúc Bạch để đặt trận địa pháo. Thế là khu di tích lịch sử nhà Kèn đã bị xe xích ủi đổ, xác của nhà Kèn bị quẳng xuống hồ gần xác của chùa Một Cột do Tây phá được “an táng” gần nhau trong lòng hồ Trúc Bạch. Tiếc rằng mộ chí của chùa Một Cột và khu nhà Kèn không có bia tưởng niệm, chỉ còn bia tưởng niệm nơi bắt sống phi công Mỹ rơi xuống hồ Trúc Bạch, có lẽ bia này nay không phù hợp nữa.

Thế là khu nhà Kèn, di tích lịch sử biến thành trận địa pháo 57 ly, C30.

Có câu chuyện cũng hay, anh em bộ đội pháo trong giờ rỗi thường dùng dây điện đánh cá để cải thiện bữa ăn. Có lần thả dây điện xuống nước chỗ gần bờ để bắt cá, ai ngờ ụ pháo hình tròn che lấp phần phía có hai đồng chí công an, đóng ở 192 Quán Thánh, phía sau sát trận địa pháo, đang tắm đã bị giật, may không ai bị chết. Chuyện đụng độ vặt giữa công an và bộ đội giải quyết rất êm thấm với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Bộ đội hồ Trúc Bạch được ưu tiên đặc biệt, sang cửa hàng bánh tôm ăn không phải xếp hàng. Mà đã có cô bán bánh tôm, có anh bộ đội hẳn phải có chuyện giăng mắc tơ tình. Cậu bộ đội lái xe, đẹp trai loại nhất đơn vị tên là Thìn được các cô bán bánh tôm cho lọt vào cặp mắt xanh. Cậu Thìn, lúc đó là thượng sỹ, lái xe, cánh lái xe tán gái có hạng, lại đẹp trai như Thìn mới có đủ khả năng cưa đổ cô hàng bánh tôm. Thời bao cấp ấy, cô nào bán hàng lương thực coi như cô tiên. Bán lương thực, bán cái ăn là bán sự sống, như chúa Jesus ban phúc lành cho nhân loại. Lái xe thời bao cấp như bồ tát đưa mọi người về thiên đường, Tây Trúc. Hào quang tỏa xung quanh lái xe rực rỡ, các cô gái lao vào như thiêu thân. Thời ấy, có nhiều bà vợ mắng chồng:
— Anh khai là lái xe nên tôi mới lấy anh. Hóa ra anh lừa tôi, anh chỉ là giáo sư tiến sĩ chết đói dở.

Thời bao cấp, lương lái xe gấp hơn 10 lần lương giáo sư tiến sĩ.

Quảng Bá. Photo ©2014 NCCong
Còn đơn vị pháo 37 ly, C64 đóng ở giữa Hồ Tây lại có một niềm vui khó tả đó là khi mang ống nhòm, hoặc máy đo xa nhìn vào phía đường Thanh Niên thấy từng đôi nam nữ ngồi sau bụi cây, hướng ra ngoài mặt hồ, tưởng là kín đáo, nên cùng nhau mân mó, làm tình. Nhiều khi được xem người khác làm tình lại được hưởng khoái cảm dai dẳng hơn là được làm tình. Chuyện này rồi cũng lộ, sau đó chính trị viên cấm, anh em chỉ đành xem trộm, ống nhòm, máy đo xa chỉ nhìn lên trời xanh, thỉnh thoảng ngó không thấy cán bộ mới dám lia vội vào phía đường Thanh Niên để… cải thiện.

Ở giữa hồ còn có thú vui, lia máy đo xa về phía Quảng Bá sẽ được ngắm những bãi lau, sậy lan xa đến mặt hồ:
“Vi lau san sát hơi may
Một trời thu để rừng say một người”.

Có lần, một phái đoàn Pháp đến thăm đơn vị. Vì đây là đơn vị pháo 37, nên được phép tiết lộ bí mật cho phái đoàn nước ngoài, riêng pháo 57 thì cấm. Phái đoàn Pháp phát biểu rất cảm động về ba vấn đề:

  • Thứ nhất, khi ngắm vết đạn thành cửa Bắc, họ bảo: ngay như chiến hạm mà khẩu pháo của Pháp do Hăngrivie, Frăngxi Gacnhiê bắn vào thành cửa Bắc ta hiện chưa chế tạo được, mà ta lại bắn rơi được máy bay siêu hiện đại của Mỹ.
  • Thứ hai, họ vẫn thấy những toa xe điện méo mó, tã tời chạy leng keng trên đường Quán Thánh, họ khen ta là giữ lâu dùng bền, thứ xe điện này thế giới đã thải cách đây cả nửa thế kỷ.
  • Thứ ba, họ khen ta, trong chiến đấu ác liệt vẫn lạc quan, vừa bắn máy bay xong lại ra thanh thản ngồi câu cá, mang ống nhòm ngắm phía đường Thanh Niên (vì họ không hiểu anh em đang sung sướng ngắm các đôi nam nữ làm tình).

Cách bắt cá ở đại đội pháo giữa hồ rất đặc biệt. Trận địa pháo giữa hồ làm bằng những thùng tên lửa neo lại với nhau. Nếu ta dùng một choòng sắt hoặc gỗ thọc mạnh vào bụng thùng tên lửa sẽ có tiếng vang tần số mạnh dưới nước. Cá sợ nhẩy lên trên trận địa hàng đàn.

Còn cách kiếm cá thứ hai, khi công ty Hồ Tây kéo lưới cá, anh em bộ đội mời họ thuốc lá. Sau đó, họ sẽ thể hiện tình cảm quân dân như cá với nước, đem trao đổi với anh em bộ đội cá lấy thuốc lá hút, thì chỉ có quyền khen trở lên, chứ thời ấy đố ai dám mang ra phê bình, phê bình thì chỉ có là phản động. Chỉ tiếc sau này mới biết Phùng Quán cũng ngồi câu trộm cá ở Hồ Tây mà mình không biết, mà có biết thì bố bảo cũng không dám quan hệ với tên Nhân văn Giai phẩm khét tiếng này.

Trận địa pháo giữa Hồ Tây buộc một cái dây cáp từ trận địa vào tới trường Chu Văn An. Lớp học của trường Chu Văn An biến thành bếp của anh nuôi. Anh nuôi bíu vào dây cáp kéo thuyền chở cơm ra trận địa.

Tất nhiên, họa - phúc thường liền kề nhau. Đồng chí quản lý tưởng là trận địa ở mãi giữa hồ, không phải bỏ tiền mua cá, đã lấy hết tiền quỹ sắm sửa, ăn chơi. Khi đánh đùng một cái, nghe tin đơn vị cơ động rời lên bờ thì ngã ngửa người ra, và phải về quê xin tiền vợ, vay mượn tiền anh em đơn vị để đắp điếm vào chỗ quỹ hở.

Có một chiến sỹ C64 đóng giữa hồ, khi nhìn vào ngôi trường Chu Văn An lòng không khỏi bồi hồi, vì lớp lớp kỷ niệm dập dờn trên sóng nước đầy ắp tâm hồn. Chiến sỹ này là học sinh trường Chu Văn An cũ, lớp học cũ nay đã thành bếp anh nuôi.

Những kỷ niệm xưa như khói, như mây bay về. Anh bộ đội lại thấy những người muôn năm cũ: đây là hình ảnh vợ chồng thầy giáo dậy Pháp văn người Pháp tên là Tông-gác. Thầy cô Tông-gác dáng người mảnh mai, mang đầy đủ phong cách của người thầy mẫu mực. Giữa thầy cô và học sinh người Việt, ông bà Tông- gác cao hơn một cái đầu.

Học sinh thời đó đầy sục sôi tinh thần Cách mạng. Họ sẵn sàng ra đi bất cứ đâu khi Cách mạng yêu cầu. Sau khi ra trường, học sinh Chu Văn An sẵn sàng đi xây dựng đất nước ở bất cứ nơi nào khó khăn nhất. Lúc đó, câu thơ của Bùi Minh Quốc nguyên học sinh của trường làm rạo rực tâm linh tuổi học trò:
“Đây miền Tây núi rừng giang tay đón
Những con người sung sướng nhất trần gian
Là được lên đây đem sức lực căng tròn
Với sứ mệnh vinh quang: vỡ đất”.

Buổi nghe nói chuyện của nhà hùng biện Việt Phương khiến hồn trẻ như bốc lên tận mây xanh. Thầy dậy vẽ Nguyễn Dung đã mất lâu rồi, còn thầy dậy nhạc Nguyễn Quỳ nay vẫn sống, nhưng giọng nói đã khác xưa. Mọi người bảo giọng thầy xướng âm như tiếng chim hót trong bụi mận gai.

Đặc biệt, trường Chu Văn An được nhiều lần Bác Hồ đến thăm. Trong một buổi nói chuyện với tổng thống Praxát của Ấn Độ, Bác Hồ nói về thành tích ta đánh thắng đế quốc lớn. Còn Praxát lại trình bầy dân Ấn Độ tránh đụng độ với các đế quốc lớn. Sợ có sự dịch nhầm, Bác Hồ đã tự dịch lời của tổng thống Praxát ra tiếng Việt, để tránh cho các em học sinh trình độ chính trị non nớt dễ hiểu nhầm.

Học sinh Chu Văn An còn nhớ hình ảnh thầy Tòng dậy Anh văn, xương mặt to, dáng cao, đi hơi khòng. Sau giải phóng, ta bỏ học tiếng Anh, điều thầy Tòng xuống làm mộc. Một lần văn nghệ, thầy Tòng được mời biểu diễn kéo đàn Vi-ô-lông, thầy Bách dậy Pháp văn thì hát. Thầy Tòng mang cái đục kéo vào cái cưa bảo: “Thầy làm nghề thợ mộc lâu quá nên quên cả nghề đàn”. Ban giám hiệu tưởng thầy diễu cợt nhà trường, đã đề nghị đưa thầy đi cải tạo. Về sau, thầy sống chết thế nào không thấy ai nhắc tới.

Còn thầy Bách dậy Pháp văn mặt trái xoan, da trắng đẹp kiểu tài tử, chủ hàng thuốc lá Hàng Bông, thầy hát rất hay, trước là sỹ quan Đà Lạt Ngụy.

Có lần một cậu học sinh từ kháng chiến trở về, cậu học sinh này chưa quen nếp người Hà Nội, đã dí sát mồm vào mặt thầy nói:
— Xin phép thầy cho em ra khỏi lớp để đi tiểu.

Thầy Bách bất ngờ tát vào mặt cậu học trò mắng:
— Không biết phép lịch sự, mồm hôi không chịu đánh răng lại thở vào mặt thầy.

Sau đó, thầy Bách bị bắt đi cải tạo mấy năm. Khi thầy được thả, học sinh đến thăm, thầy bảo:
— Khi ở tù, thầy quyết bảo vệ sức khoẻ, ngày ngày đều tập khí công, thầy quyết sống để thấy sự thay đổi cuộc đời. Hôm nay, thầy rất mãn nguyện khi thấy đất nước này đã mở cửa, cuộc sống đã được thay đổi một cách rất tốt đẹp. Những cái sai lầm ấu trĩ xưa được xóa sạch. Nhưng mối hận của thầy có thể nên quên đi nhưng không bỏ đi.

Cũng như Lê Đạt thời đó phải sống cơ cực. Cho đến ngày chính cái hội nhà văn, nơi kết án Lê Đạt, lại phải tôn vinh Lê Đạt. Không biết Lê Đạt có cùng một ý nghĩ bên Hồ Tây như thầy Bách.
Nhận ơn phải nhớ trả ơn
Phú quý nhớ thuở mình còn hàn vi
Hận thù có thể quên đi
Nhưng ta không thể bỏ đi hận thù.


(Trích "Bát Phố" của Nguyễn Bảo Sinh)