547 Tuong Mai community hall
Đình Tương Mai
q.Hoàng Mainhà Trầnsông SétĐình Tương Mai có từ thế kỷ XVII. Thờ 2 tướng: Trần Khát Chân, Phạm Ngưu Tất. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1984). Vị trí: số 13 Nguyễn Đức Cảnh, XRQX+34, Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4,6 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Đd phố Kim Đồng (xe 06, 28, 29, 37, 42), 468 phố Trương Định (36, 36ct), 15 phố Nguyễn An Ninh (99)
Lược sử
Năm 1530 thời Mạc, làng Tương Mai (tên nôm Mơ Cơm) được tách ra từ làng Hoàng Mai thuộc hương Cổ Mai (tên nôm Kẻ Mơ), một vùng đất có người định cư cách nay 3-4 nghìn năm. Năm 1963, các nhà khảo cổ đã tìm ra rìu đá, vòng đá khi khai quật các ngôi mộ ở gò Mã Vẽ. Gần đó còn có ngôi đền Lừ nổi tiếng bên sông Kim Ngưu và con đường thiên lý, nơi nhiều triều đại phong kiến từng đặt trạm dịch Hà Mai. Vào thế kỷ XVII chúa Trịnh đã xây cung điện ngầm ở Hoàng Mai để tránh sét. Hiện nay tên làng này trở thành tên một quận lớn của thủ đô.
Vùng Kẻ Mơ vốn do vua Trần Thuận Tông ban cho vị tướng Trần Khát Chân 陳渴真 mới tròn 20 tuổi khi lập công lớn bắn chết Chế Bồng Nga trong trận đánh trên sông Luộc (Hải Triều) đầu năm 1390, giữ nguyên vẹn kinh thành Thăng Long và buộc quân Chiêm phải rút lui. Năm 1399 ngài và người em là Trần Hãng liên kết với một số tôn thất, tướng lĩnh mưu sát thái sư Hồ Quý Ly trong hội thề ở núi Đốn. Việc bại lộ, hai anh em ngài hy sinh ngày 24 tháng Tư âm lịch cùng tướng Phạm Ngưu Tất và gần 400 người khác, nhà Trần bị diệt.
- Cổng đình Tương Mai. Photo NCCong ©2019
Từ nhà Lê, các triều đại đều có sắc phong cho Trần Khát Chân và Trần Hãng làm Thượng đẳng phúc thần. Làng Hà Lương nơi ngài bị hành hình và 29 làng xã khác vùng Cao Mật, Bình Bút, Nam Cai (Thanh Hóa) cùng các làng vùng Kẻ Mơ sau đó đều lập đền thờ ngài. Người dân ở những nơi đó kiêng húy nên gọi chệch "Chân" thành "Chơn" hoặc dùng từ "cẳng". Làng Hoàng Mai thờ Trần Hãng còn gọi là Trần Hương, cho nên kiêng từ "Hương" mà dùng từ "nhang".
Kiến trúc và di vật
Trước kia, làng Tương Mai có hai ngôi đình, đình Trong xây giữa làng, đình Ngoài ở xóm Nam. Năm 1947 cả hai đã bị phá hủy để tiêu thổ kháng chiến, may sót lại hậu cung và tượng Thánh ở đình Ngoài rồi được trùng tu năm 1948. Năm 1992, dân lại trùng tu được đại đình và hậu cung.
Tam quan xây kiểu trụ biểu, trên đỉnh đắp hình nghê. Hai bên sân gạch là dãy nhà tả, hữu vu, cổ thụ, hai đôi voi đá và sấu đá. Trên nóc tiền tế đắp hình hổ phù. Dưới đó có một khung hình chữ nhật ghi bốn chữ Hán: “Trần thượng tướng từ”. Trong nhà tiền tế và hậu cung đều có đắp nhiều bệ thờ. Bệ thờ trong cùng xây sát tường hậu và đặt tượng Trần Khát Chân, cạnh đó có tượng Phạm Ngưu Tất, đều tạc bằng đá xanh.
- Tam quan đình Tương Mai. Photo ©NCCong 2019
Hiện nay trong cung cấm có Cổ Mai bi ký kể lại sự tích về danh tướng Trần Khát Chân cùng 10 đạo sắc phong cho ngài và 2 đạo cho Phạm Ngưu Tất. Đạo cổ nhất đề năm Cảnh Hưng nguyên niên (1740), đạo cuối cùng ghi Khải Định thứ 9 (1925). Lại treo một quả chuông đồng ghi niên hiệu Thành Thái 10 (1898). Tại hậu cung có đôi câu đối bằng chữ Hán, tạm dịch:
“Phù vua Trần, dẹp quân Chăm, triều đại đổi thay, công lao không mai một
Thăm làng Mơ, ngóng núi Đốn, nguyên vẹn giang sơn, đền miếu vẫn uy nghi”.
Lễ hội
Hội làng được tổ chức hàng năm trong ngày 23 và 24 tháng Tư âm lịch để tưởng niệm công đức của Trần Khát Chân. Trước hội 1 tháng có lễ trình sắc. Đại diện cho 10 giáp của 2 thôn Đông, Đoài và hội đồng tộc biểu bầu một chủ tế. Chủ tế sắm lễ gồm 3 bò và 5 lợn. Theo lệ xưa, vào ngày 23 tháng Tư có mục giao hiếu: sáng ra cả hai làng khai hội và khởi hành cùng một giờ, đoàn Hoàng Mai rước kiệu đến gò Đống Thờ thì đoàn của làng Tương Mai ra đón. Sau đó hai đoàn vào đình Tương Mai làm lễ bái yết đức Thánh Anh và mời ngài sang dự hội với Thánh Em rồi buổi chiều đoàn Hoàng Mai tiễn đức Thánh Anh về.
- Sân đình Tương Mai. Photo NCCong ©2019
Không rõ mục đánh trận giả có từ bao giở. Khi đoàn rước đến Đống Sành thì trẻ em 15-16 tuổi của hai làng Mơ lấy đất ném nhau túi bụi. Ngoài ra còn có các trò dân gian như đấu kiếm, múa côn, thi vật, đi quyền, hát thờ, diễn chèo, thả chim câu... Từ 1945 làng Hoàng Mai bỏ hai mục giao hiếu và đánh trận giả. Ngày 23 tháng Tư, họ cử đại diện mang hương hoa, trầu, rượu sang đình Tương Mai làm lễ bái yết; hôm sau thì rước kiệu Thánh từ đền Lừ về đình làng mình để các cụ ông tế lễ, các cụ bà dâng hương.
Trước kia, dân làng Tương Mai có tục rước kiệu từ đình Ngoài vào đình Trong, tại đây hội tư văn tổ chức tế lễ rất trọng thể. Sau hai ngày hội, dân làng lại rước Thánh hoàn cung. Từ 1947 không còn đình Trong, đoàn rước khởi hành từ đình Ngoài đi theo phố Trương Định đến chùa Linh Ứng, sau lễ Phật lại rước kiệu về đình.
Di tích lân cận
- Chùa Hưng Ký: ngõ Chùa Hưng Ký, phố Minh Khai.
- Chùa Linh Ứng (Tương Mai): số 231 Trương Định.
- Chùa Nga My (Hoàng Mai): ngõ 160 Hoàng Mai.
- Chùa Phương Liệt: ngõ 377 đường Giải Phóng.
- Chùa Sét: gần ngã ba Trương Định - Tân Mai.
- Đình Hoàng Mai: ngõ 160 Hoàng Mai.
- Đình Phương Liệt: số 38 phố Phương Liệt.
©NCCông 2019-2021, Tuong Mai community hall