550 PM Dao Cam Moc 陶 甘 沐

Thái sư Đào Cam Mộc (?—1015)

thời LýĐào Cam Mộc

Trong số những người góp công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, nhà sư Vạn Hạnh và tướng quân Đào Cam Mộc được xếp ở vị trí đệ nhất khai quốc công thần. Nếu Vạn Hạnh là người nêu ý tưởng thì Đào Cam Mộc là người tổ chức và trực tiếp chỉ huy việc đổi ngôi không đổ máu và diễn ra nhanh chóng.

Thời đại

Triều Tiền Lê, vào đời vua Long Đĩnh (1006 – 1009) bắt đầu mục nát. Vua làm việc càn dỡ, thích bạo lực. Trong nước lòng dân oán thán, bên ngoài giặc Tống rình rập xâm lấn. Lúc bấy giờ, uy tín của quan Thân vệ Lý Công Uẩn ngày càng lên cao ở cả trong và ngoài triều. Nhà sư Vạn Hạnh có lần nói với Lý Công Uẩn: “Mới rồi tôi thấy chữ bùa sấm kỳ lạ, biết họ Lý cường thịnh, tất dấy lên cơ nghiệp. Nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân lại đang nắm binh quyền trong tay, đứng đầu muôn dân, chẳng phải Thân vệ thì ai đương nổi nữa”. Đó là ý tưởng táo bạo và hợp thời của nhà sư Vạn Hạnh… Tuy nhiên, để thực hiện thành công ý tưởng đó và góp phần xây dựng triều Lý hưng thịnh cần có sự trợ giúp đắc lực của quan Chi hậu Đào Cam Mộc.

Nhà thờ Đào Cam Mộc

Tiểu sử

Theo sử sách, Đào Cam Mộc 陶 甘 沐 quê ở thôn Tràng Lang, xã Định Tiến, huyện Yên Định (Thanh Hóa). Sau khi cha mất, ông được mẹ đưa về quê ngoại ở làng Nam Thạch, xã Yên Trung cùng huyện. Từ nhỏ Cam Mộc đã tỏ rõ thông minh, lớn lên lại có sức khoẻ. Khi vua Lê Đại Hành (941–1005) tuần du trên sông Mã, thuyền bị mắc cạn tại đoạn chảy qua Yên Trung (nay sông đổi dòng), Đào Cam Mộc đã dùng sức mạnh và mưu mẹo đưa được đoàn thuyền vượt qua bãi. Từ đó ông được vua tin dùng và dần dần thăng đến chức Chi hậu…

Tháng 7, ngày Tân Hợi, năm Kỷ Dậu (1009), vua Lê Long Đĩnh băng hà, thái tử còn bé. Lý Công Uẩn cùng với Hữu điện tiền chỉ huy sứ là Nguyễn Đê mỗi người đem 500 quân Tùy Long vào làm túc vệ. Theo Đại Việt Sử ký toàn thư, khi ấy Đào Cam Mộc nhân lúc vắng nói với Lý Công Uẩn rằng: “Bấy nay, chúa thượng ngu tối và bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, nên trời không cho hưởng thọ mà con nối thì thơ ấu, không thể kham nổi việc lớn đầy khó khăn, trăm sự đều phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác tìm chân chúa. Vậy, sao Thân vệ không nhân cơ hội này mà nghĩ mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì xem dấu cũ của vua Thang, vua Vũ, gần thì xem việc của họ Đinh, họ Lê… trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người chứ khư khư giữ chút tiết hạnh bề tôi nhỏ nhoi hay không?”

Lý Công Uẩn sợ Đào Cam Mộc có mưu khác nên dọa bắt nộp cho bá quan. Đào Cam Mộc không sợ mà nói tiếp: “Tôi thấy việc trời và người như thế cho nên mới dám nói ra. Nay ông muốn tố cáo tôi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi đâu sợ chết!”, Lý Công Uẩn bèn nói: “Tôi đâu nỡ tố cáo ông, chẳng qua vì sợ lời nói của ông mà tiết lộ ra thì chúng ta đều phải chết nên mới răn như thế đó thôi”.

Đào Cam Mộc biết rõ việc đã cần kíp lắm rồi, để nữa sợ sinh biến, liền trình bày với các bậc quan lại trong triều, ai ai cũng đều bằng lòng cả. Ngay ngày hôm ấy, họ họp lại và dìu Lý Công Uẩn lên chánh điện lập làm Thiên tử, mở ra triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm (1010–1225).

Ngoài công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Đào Cam Mộc còn có công xây dựng cơ nghiệp nhà Lý buổi ban đầu nên đã được vua phong tước là Nghĩa tín hầu và gả công chúa lớn là An Quốc cho ông. Khi triều chính tạm ổn định, tháng 2 năm Thuận Thiên thứ nhất (1010) nhà vua cùng phò mã đi kinh lí các tỉnh miền ngoài để tìm đất định đô lâu bền. Và quyết định dời đô về Thăng Long của Lý Thái Tổ cũng có một phần đóng góp ý tưởng và công sức của Đào Cam Mộc.

Võ chỉ ở đền Đô, nơi thờ Đào Cam Mộc, Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt

Tư liệu

Hai bản “Ngọc phả tướng Đào Cam Mộc và Công chúa Thiềm Hoa – An Quốc” lưu tại phủ Vũ Bị, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam và “Tự phả chùa cổ Đông Hải”, nay là đền Vệ, xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, cho ta biết thêm một số tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của vị công thần bậc nhất triều Lý.

Ngọc Phả phủ Vũ Bị do tiến sĩ Phạm Tráng (quê ở xã Dụng Nhuệ, huyện Giáo Thủy, tỉnh Nam Định) soạn ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Tuất niên hiệu Cảnh Thống thứ 5 (1502), đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) được Tam giáp Ngô Thế Vinh (quê xã Bái Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) chép lại. Phả chép rằng, mùa xuân năm 1010, Lý Thái Tổ về quê Kinh Bắc thăm tổ đường, trên đường trở lại Hoa Lư, vua ghé thăm đất Hương Ngư, huyện Thượng Hiền (nay là thôn Vũ Bị, xã Vũ Bản), các cuộc tuần du có phò mã Đào Cam Mộc hầu giá, coi như chuyến khảo sát cuối cùng cho công cuộc dời đô.

"Tự phả chùa cổ Đông Hải", do Minh Tuệ thiền sư trụ trì chép năm Canh Tý (1840), theo Ngọc phả thời Lê do Quản giám bách thần Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc (1557) ghi rằng: Chùa này có từ thời Đinh – Tiền Lê, gần biển nên gọi là chùa Đông Hải. Thời trẻ Đào Cam Mộc từng tu học, giỏi võ, thông văn được sư tổ cho đi tìm minh quân, sau đó ông vào Hoa Lư làm quan cho nhà Tiền Lê rồi nhà Lý. Tháng 6-1010, Lý Thái Tổ phong Đào Cam Mộc chức Thiên Đô tiên phong tướng quân chỉ huy cuộc dời đô, tại đây triều đình làm Lễ tế cáo trời đất, xuất quân nên từ đó đổi tên là chùa Thiên Đô.

Tương truyền, khi được vua Lý Thái Tổ trao trọng trách dời đô, Đào Cam Mộc chuẩn bị hai đoàn thuyền gồm 300 chiếc, một ngả đi đường biển qua vùng đất huyện thành Đại La; một ngả nơi sông Nhị cũng lên thành Đại La. Khi thuyền đến chân thành, thấy có hai con rồng vàng hiện ra chào đón, nhà vua mới gọi là kinh thành Thăng Long.

Thấy đất Vũ Bị thế đẹp, dân làng thuần hậu, phò mã xin vua nhận đất để sau này đưa công chúa về ở. Tại đây, vợ chồng ông khuyên dân tương thân cư xử, tương trợ cấy cày, xây dựng thuần phong mỹ tục. Công chúa An Quốc xuất tiền riêng mở mang ruộng đất, xin vua cha dựng bia thế nghiệp, đến nay phủ Vũ Bị còn giữ hai tấm đá cổ, các nhà chuyên môn gọi là Thạch Kiệt, hiểu chung là mốc ruộng đất "Sắc cấp tứ" nhà vua cấp cho người có công. Thạch Kiệt ghi niên đại Hồng Thuận thứ 5, ngày 25 tháng 2 (1513), chép hơn 140 mẫu ruộng ở các xứ trong vùng, xa nhất là đồng Ba, thuộc xã Đồn Xá, huyện Bình Lục. Các di tích thờ vợ chồng Đào Cam Mộc đều có đền miếu, được các vua nhà Nguyễn ban 10 đạo sắc phong, các nhà khoa bảng đề thơ ca tụng… Hằng năm dân làng thường xuyên mở hội.

Đền thờ

Sau 6 năm phò Lý Thái Tổ ổn định triều chính, Thái sư Đào Cam Mộc đã tạ thế tại tư dinh nay thuộc đất Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội) năm Thuận Thiên thứ 6 (1015). Để ghi nhớ công ơn vị khai quốc công thần, Lý Thái Tổ đã truy phong cho ông chức vị cao nhất là Thái sư Á Vương, cho xây đền thờ ngay tại tư dinh và ban tặng câu đối: “Lý triều định đô vương tứ phúc / Đào trạng văn quan Quốc ân thân”. Tuy nhiên, ngôi đền thờ ông đã bị quân Pháp phá năm 1953.

Ngoài Cổ Loa, Thái sư còn được nhiều nơi khác thờ. Ông là một trong 3 vị võ quan (Đào Cam Mộc, Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu) được thờ ở Võ chỉ trong đền Lý Bát Đế (tức Đền Đô, thuộc xã Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh). Tại quê hương, huyện Yên Định (Thanh Hóa), ông được dân thờ ở 3 nơi là chùa Hưng Phúc (xã Đinh Tiến, quê nội), nghè làng Nam Thạch (xã Yên Trung, nơi có đền thờ chính) và nghè làng Bùi Hạ (xã Yên Phú). Cả 3 nơi thờ phụng này đều đã bị phá bỏ hoặc đổ nát cách đây hơn nửa thế kỷ. Đặc biệt, dù bị phá bỏ, nhưng câu đại tự tại nghè làng Nam Thạch: “Sinh vi Lý tướng, tử vi Lê thần” (Sinh làm tướng nhà Lý, chết làm thần nhà Lê) vẫn được dân gian lưu truyền đến ngày nay. Các triều đại sau này đều đánh giá cao công lao của Đào Cam Mộc đối với đất nước và phong ông là Thượng đẳng tối linh phúc thần. Điều này được ghi trong một số sắc phong lưu giữ tại xã Yên Trung.

(HNM, Xuân Canh Dần 2010)