557 Tran Tao community hall

Đình Trân Tảo

huyện Gia Lâmthời Tiền Lýsông Đuống

Đình Trân Tảo có từ thế kỷ XVII. Thờ: Lý Công Tấn, tướng của Lý Nam Đế. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 2X9F+82, thôn Trân Tảo, xã Phú Thị, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 16 km (hướng 3 h). Trạm bus lân cận: Trạm y tế Phú Thị - QL17 (xe 52)

Địa lý

Xã Phú Thị nay thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, phía Bắc và Tây giáp xã Đặng Xá, phía Tây Nam giáp đường xa lộ AH14 (quốc lộ QL5 cũ), phía Nam giáp 2 xã Dương Xá, Dương Quang, phía Đông giáp xã Kim Sơn (Keo), phía Đông Bắc giáp xã Phù Đổng (bên kia sông Đuống). Chạy qua Phú Thị còn có đường quốc lộ QL17 nối thị trấn Trâu Quỳ với huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Cổng làng Trân Tảo. Photo ©NCCong 2015

Thôn Phú Thị, tức Kẻ Sủi hay hương Thổ Lỗi, là một làng cổ có từ thời Lý, quê của Nguyên phi Ỷ Lan và nhiều danh sĩ như: Nguyễn Huy Nhuận (1678-1758), Nguyễn Huy Lượng (1759-1808), Cao Bá Quát (1809 – 1855), v.v.. Thời nhà Nguyễn, vùng này có 4 xã Phú Thị, Tô Khê, Trân Tảo, Hàn Lạc, thuộc tổng Kim Sơn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, tỉnh Bắc Ninh.

Từ năm 1945, chia Hàn Lạc làm đôi, thành lập xã Phú Thị gồm 5 thôn: Phú Thị, Tô Khê, Trân Tảo, Đồng Bản, Hàn Lạc. Trước năm 1965, xã Phú Thị từng mang tên xã Quyết Chiến và đoạn đường đi qua thôn gọi là phố Sủi, sau đổi là phố Ỷ Lan. (Slủi là một từ Việt cổ, có các biến âm là Sủi, Lỗi hay Luỗi, sau được ghi âm bằng chữ Hán nên đọc thành Thổ Lỗi.)

Cổng đình Trân Tảo. Photo ©NCCong 2015

Lược sử

Trân Tảo là một thôn nhỏ (tên Nôm làng Tảo) của xã Phú Thị. Ngôi đình làng Tảo thờ Lý Công Tấn, một vị đại tướng tham gia cuộc khởi nghĩa của Lý Bí. Năm 545, ngài được cử làm tướng tiên phong đánh chặn giặc Lương do Trần Bá Tiên cầm đầu. Ngài mất ngày mùng 2 tháng Chạp năm đó rồi về sau được dân làng tôn thờ làm thành hoàng.

Các triều đại phong kiến Việt Nam tiếp theo đó đã ban mỹ tự cho Lý Công Tấn là Linh thông Hiển hiện Đại vương. Theo thần phả, ngài đã có công âm phù giúp Đinh Tiên Hoàng thống nhất đất nước và giúp Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên.

Đình Trân Tảo. Photo ©NCCong 2015

Theo lời kể của dân địa phương, đình làng Tảo đã có từ rất lâu đời. Căn cứ trên các di tích của kiến trúc, có thể đoán định là đình đã được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVII tức đầu thời Lê trung hưng. Trải qua 4 thế kỷ ngôi đình đã được sửa chữa, tôn tạo nhiều lần; gần đây là vào các năm 1900, 1925, 1928, 1939 và Canh Thìn 2000.

Hàng năm, dân làng Tảo tổ chức lễ hội đình từ ngày mùng 8 đến 10 tháng Ba âm lịch để tôn vinh đức thành hoàng Lý Công Tấn. Ngày 2 tháng 3 năm 1990, ngôi đình Trân Tảo đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia.

Chạm khắc ở đình Trân Tảo. Photo ©NCCong 2015

Kiến trúc

Đình Trân Tảo nằm ven con đường làng, giáp một hồ nước nhỏ và cánh đồng ở phía Nam, cách quốc lộ QL17 chỉ chừng 500m. Ngay sau cổng làng gần trăm bước là tam quan xây kiểu nghi môn với 2 cổng phụ và 4 cột trụ to có các câu đối chữ Hán, hai bên đắp phù điêu hai ông hộ pháp khá đẹp.

Sau tam quan là sân gạch lớn, hai bên có nhà tả, hữu vu, ở giữa sân có một sập đá to dùng để đặt kiệu bát cống và sắp đồ lễ. Đình xây kiểu "chữ Công". Toà tiền tế rộng 3 gian, 2 chái, nền lát gạch. Ống muống dài nối tiền tế với thượng điện gồm 3 gian nhỏ. Một số mảng trang trí còn sót lại cho thấy dấu ấn của phong cách nghệ thuật điêu khắc thời Lê Trung hưng với những mô-típ người đầu hổ, cưỡi voi, múa rồng, đấu vật, v.v…

Chính điện đình Trân Tảo. Photo ©NCCong 2015

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2019, Tran Tao community hall