564 "Fairy riding a dragon" in Tonkin relics

Hình tượng tiên nữ cưỡi rồng ở các di tích Bắc Bộ

Bắc Bộtiên nữ

Điêu khắc đình, đền, chùa của ba thế kỷ XVI, XVII, XVIII toát ra sự tưng bừng chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Hình tượng tiên nữ cưỡi rồng đã xuất hiện khi Nho giáo suy yếu và các lề thói thôn quê trỗi dậy. Nhìn sang các nước láng giềng, đó cũng là một hiện tượng chưa từng có, khi nghệ thuật tôn giáo đã đến độ chín muồi và trở nên xơ cứng, lạnh lùng...

Trái với hình dung về xã hội phong kiến ép buộc người đàn bà sống trong khuôn khổ cứng nhắc của lễ giáo, ở làng quê Việt có những nụ cười hồn nhiên của các cô tiên mộc mạc. Tại đình Thổ Ngõa (Quốc Oai, Hà Nội) có tấm bia ghi chép vụ thắng kiện và lấy lại được một phần đất đã mất về làng bên. Ngày nay chữ trên bia đã mờ, may nhờ bản rập từ xưa của Viện Viễn Đông Bác cổ về sau được NCV Bùi Quốc Linh dịch và PGS TS Đinh Khắc Thuân hiệu đính mà có bản văn bia bằng Quốc ngữ.

Bản rập bia đình Thổ Ngõa, Quốc Oai

Bia được lập ngày 17 tháng 8 năm Thịnh Đức thứ 5 (1657) ngay sau khi dân làng thắng kiện. Văn bia cho biết dân xã Sơn Lộ, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai bẩm quan rằng Sơn Lộ bị thôn Thổ Ngõa xã Tiên Lữ cưỡng tranh đất bờ ruộng ở xứ Đê Đốt và đất dưới chân núi Mai Lĩnh mà Thừa ty Nha môn của bản phủ nhận tiền rồi xử thiên vị. Sau quan nha phát hiện ra trong sổ địa bạ đã ghi khu đất đó từ xưa đã thuộc về thôn Thổ Ngõa, nên quan đã xử cho họ thắng kiện.

Thú vị là trên trán tấm bia này khắc hai cô tiên cưỡi rồng phô trần đôi vú. Cùng thời với bia Thổ Ngõa, trên bia “Nam mô A Di Đà Phật” đặt năm 1670 ở chùa Keo, Nam Định và bia “Chiêu Thiền tự” đặt năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) ở chùa Láng, Hà Nội cũng chạm hình tiên cưỡi rồng tuyệt đẹp. Có nhiều tác phẩm như thế trên các mảng chạm khắc trang trí ở đình Tây Đằng, đình Thổ Hà, đình Phù Lão, đình Diềm, đình Hạ Hiệp, đình Cao Đài, v.v.. Ngoài ra hình tượng này còn xuất hiện ở các đền thờ vua Đinh, vua Lê là nơi tôn nghiêm bậc nhất.

Tiên cưỡi rồng, đền Vua Lê, Hoa Lư

Để có thể hiểu hết ý nghĩa táo bạo chưa từng có của hình tượng tiên nữ cưỡi rồng thế kỷ XVI, XVII, XVIII, nên nhớ các triều đại Trung Hoa từ rất sớm đã thu dụng độc chiếm hình ảnh rồng, nâng nó lên thành một biểu tượng cho vương quyền tối cao kể từ thời Hán. Thời Đường sau đó đã phân định chi tiết trang phục, quy định chỉ hoàng đế được sử dụng hình rồng. Nhà Tống tiếp tục duy trì truyền thống này. Sang tới nhà Nguyên, việc sùng bái rồng đã đi vào luật pháp. Năm 1270, Hốt Tất Liệt quy định chặt chẽ nghiêm cấm tạo tác, sử dụng đồ án rồng năm móng trong trang phục và đồ gia dụng của bá quan và thường dân. Không ít kẻ bị chém vì luật định này. Tiếp đến hai triều đại Minh, Thanh, hầu như không thể thấy hình ảnh rồng trong dân gian; ngược lại trong cung vua thì rồng xuất hiện mọi nơi mọi chỗ. Nhiều tới mức có cảm giác rồng là đồ án duy nhất được đặc dụng cho không gian hoàng gia.

Tiên cưỡi rồng, chùa Keo Hành Thiện

Tựu trung có bốn chữ nói lên được mức độ tối thượng của hình tượng rồng: Cao - Đa - Toàn - Lệ. ‘Cao’ là rồng phải được chạm khắc hoặc vẽ ở nơi cao nhất. ‘Đa’ là nhiều về số lượng, tư thế, dáng vẻ. ‘Toàn’ là thân thể bao giờ cũng được vẽ toàn thân. ‘Lệ’ là tráng lệ, thể hiện công phu tài khéo, tinh xảo.

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương xử chết Thịnh Trứ vẽ bức “Thủy mẫu thừa long đồ” ở chùa Thiên Giới không phải vì họa gia vẽ rồng không đúng quy phạm. Minh Thái Tổ nổi giận vì một con rồng với đầy đủ sức mạnh nam tính dữ tợn mà phải chịu dưới sự điều khiển của một người đàn bà - dầu là thủy mẫu. Trong văn hóa Hoa Nam, đặc biệt là vùng Triết Giang (Mân Việt), Thủy mẫu là tín ngưỡng bản địa cổ sơ. Trong quan niệm của người Việt, rồng là Lạc Long quân, cha của muôn dân. Truyền thuyết Hồng Bàng mở đầu sách Đại Việt Sử ký Toàn thư đã nói rõ điều này.

Tiên cưỡi rồng, TK 17, đình Cao Đài

Có thể chắc chắn rằng, hình ảnh tiên nữ cưỡi rồng xuất hiện từ thời Bắc Ngụy trong văn hóa Trung Hoa chỉ như một ngôi sao băng chợt lóe lên rồi vụt tắt. Trái lại, hình tượng tiên nữ cưỡi rồng xuất hiện tuy muộn trong mỹ thuật Đại Việt nhưng lại tỏa sáng suốt ba thế kỷ XVI-XVII-XVIII.

Cái chết bi thảm của Thịnh Trứ phần nào nói lên sự hà khắc của xã hội Trung Hoa với Nho giáo đã đưa vị trí người đàn ông lên giới thượng đẳng. Ở trên núi Bảo Đỉnh, Đại Túc, tỉnh Tứ Xuyên có bức phù điêu đời Tống “Vũ sư thừa long”. Hình ảnh vũ sư là một ông già râu tóc như mây khá quen thuộc trong văn hóa Trung Hoa.

Tiên cưỡi rồng, TK 17, đình Thắng

Có thể trên chạm khắc đình làng Việt thủa ban đầu, cưỡi rồng là một ông tiên dạng vũ sư cầu mưa như ở đình Thụy Phiêu. Sự suy giảm vai trò Nho giáo của thời Mạc đã đưa vị trí phụ nữ trở lại không gian thiêng ở đình làng với hình tượng cô tiên cưỡi rồng.

Trong mỹ thuật Việt, đặc biệt ở làng quê, rồng là của muôn nhà. Đó là linh thú quyền uy nhất, linh thiêng nhất nhưng cũng rất nhân từ. Tiên là mẹ, rồng là cha. Hẳn trong ngày vui thắng kiện, đòi lại được đất đai và danh dự, người dân Thổ Ngõa nghĩ đến ân đức tổ tiên nên hồ hởi tạc lên trán bia hình cô tiên cưỡi rồng. Thật rộn ràng khúc hoan ca, cô tiên ngực trần ngồi trên lưng rồng, hai tay dang rộng múa điệu múa mà ta chỉ còn thấy trong các vở diễn rối nước.

Tiên cưỡi rồng, đình Thổ Ngõa

Càng ngắm càng thấy cô tiên này đẹp quá, một vẻ đẹp ngồn ngộn, đẫy đà và phồn thực. Xiêm áo để đâu mà ngực trần lộ rõ nhũ hoa, gió sao thổi mạnh thế để váy tốc cao lộ cặp đùi dài và căng tròn như thế. Quả là một tấm bia rất giàu giá trị tư liệu lịch sử về điền địa, pháp luật và đặc biệt độc đáo về mỹ thuật của nước nhà.

Thay cho lời kết

Hình tượng tiên nữ cưỡi rồng chứng tỏ khả năng tiếp biến văn hóa trong quá trình giao lưu và tiếp xúc văn hóa với bên ngoài đã tạo nên những sáng tạo bất ngờ, đặc sắc và nhân văn. Những sáng tạo đó chứa đựng tâm hồn và tài năng và khát vọng của người Việt trong cuộc đối thoại với các nền văn minh khác. Những nàng tiên phần nhiều mang dáng vẻ phúc hậu, mộc mạc phảng phất dáng hình của các cô thôn nữ như những ước mơ hạnh phúc giản dị của con người Việt Nam tự ngàn đời nay.

©Trần Hậu Yên Thế 2019