565 Di Nau community hall

Đình Dị Nậu

huyện Thạch Thấtsông Đáythời Tiền Lý

Đình Dị Nậu có từ thế kỷ XVII. Thờ: Lý Phục Man và Tam vị họ Đỗ. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 3J3C+7W, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°03’11"N 105°37’20"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 32km (hướng 9h). Trạm bus lân cận: Cây xăng Dị Nậu trên ĐT420 (xe CNG01), Chợ Ngọc Tảo trên QL32 (xe 20b, 20c, 70a, 70b, 92)

Địa lý

Xã Dị Nậu thời Nguyễn thuộc tổng Núc, huyện Thạch Thất, trấn Sơn Tây. Tổng Núc gồm các xã: Dị Nậu, Canh Nậu, Hương Ngải. Ngày nay, Dị Nậu phía đông giáp xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ); phía tây bắc giáp xã Canh Nậu; phía nam giáp xã Hữu Bằng, xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) và xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai).[1]

Tiền tế đình Dị Nậu. Photo NCCong ©2019

Xã Dị Nậu có mã hành chính là 09979. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 3,2 km², trong đó đất canh tác chiếm khoảng 2,3 km². Dân số năm 2014 có 7.206 người, bao gồm 3.679 phụ nữ. Mật độ dân số đạt 2.252 người/km². Số hộ gia đình là 1720, chủ yếu sống bằng nghề nông, gần đây có thêm nghề mộc và nghề xây dựng.

Trước kia xã Dị Nậu được chia đôi thành thôn Dị và thôn Bến (tức Tân Thôn), cách nhau một đầm nước dài. Gần nửa dân số trong xã theo đạo Cơ Đốc. Hiện nay tại đây vẫn còn khá nhiều di tích. Trong mỗi thôn cũ có một ngôi chùa, một ngôi đình và một nhà thờ Thiên Chúa giáo, chưa kể mấy đền miếu nhỏ nằm rải rác ở các xóm.

Đại bái đình Dị Nậu. Photo NCCong ©2019

Lược sử

Đình Dị Nậu toạ lạc ở xóm Đoài, thôn Dị, xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội gần 30km và cách thị trấn Liên Quan khoảng 4km. Ngôi đình có từ thế kỷ XVII, bên trong thờ 4 nhân vật lịch sử từ cổ đại làm thành hoàng làng, gồm Lý Phục Man [2] và Tam vị đại vương họ Đỗ [3].

Kiến trúc

Đình Dị Nậu toạ lạc trong một khuôn viên lớn trên khu đất cao ở đầu xóm Đoài, nhìn về phía đông nam có 2 giếng mắt rồng. Tam quan mở ra đường làng bên tả, giáp với ao chùa Dị Nậu. Mặt bằng xây dựng đình theo hình "chữ Lập". Phía trước là một sân gạch rộng với hai dãy tả, hữu mạc 6 gian nằm ở hai bên, xây kiểu đầu hồi bít đốc.

Chạm khắc trong đình Dị Nậu. Photo NCCong ©2019

Phía sau là các toà tiền tế, đại bái và hậu cung, được đại trùng tu năm 2017. Tiền tế chồng diêm 2 tầng 8 mái, gồm 3 gian, 2 chái. Các góc mái uốn cong đầu đao hình rồng. Bộ vì của nhà tiền tế làm kiểu chồng rường giá chiêng. Các bức cốn ở vì nhà đều chạm nổi đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) và hoa văn mây, sóng nước mang phong cách nghệ thuật trang trí thời Nguyễn.

Đại bái gồm 5 gian 2 chái, 4 góc mái cũng uốn cong đầu đao hình rồng, dưới mái có 4 vì kèo chính và 2 vì kèo phụ. Các mảng chạm khắc gỗ tại đây khá phong phú, chủ yếu là đề tài tứ linh và mang đậm phong cách nghệ thuật trang trí thế kỷ XVIII–XIX. Hậu cung sâu 3 gian, nối với gian giữa đại bái và tạo thành hình "chữ Đinh", nóc chồng diêm 2 tầng 4 mái.

Gian giữa đình Dị Nậu. Photo NCCong ©2019

Di sản

Đình Dị Nậu lưu giữ được nhiều cổ vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật, đáng chú ý là một cuốn thần phả chữ Hán chép sự tích của vị anh hùng dân tộc Lý Phục Man. Lễ hội làng được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng Bảy âm lịch để tưởng nhớ Ngài. Ngoài ra, trong đình còn 5 tấm bia hậu, trong đó có một bia đá dựng vào năm Đức Nguyên 2 (1675) ghi việc Vương phi thị nội cung tần Lê Thị Ngọc Tư góp công đức tiền ruộng cho làng và nhiều đồ thờ tự khác.

Tại quyết định số 1539/QĐ ngày 27/12/1990 Bộ trưởng Bộ Văn hoá và Thông tin đã công nhận đình ̣(và chùa) Dị Nậu là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Toàn cảnh đình Dị Nậu. Photo NCCong ©2019

Di tích lân cận

©NCCông 2019, Di Nau community hall
[1] Hiện nay xã trùng tên với xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Xưa kia vào đầu thời Nguyễn, Dị Nậu còn là tên của các địa danh sau: 1-Dị Nậu, tổng Miêu Duệ, huyện Tam Dương, phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây; 2-Dị Nậu, tổng Cấp Dẫn, huyện Kỳ Hòa, phủ Hà Hoa, trấn Nghệ An; 3-Dị Nậu, tổng Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An.
[2] Lý Phục Man 李 服 蠻 (?–547) tham gia khởi nghĩa Lý Bí năm 541, giành độc lập từ tay nhà Lương và trở thành một đại tướng trong triều vua Lý Nam Đế của nhà nước Vạn Xuân. Ngài được thờ chính ở đền Quán Giá tại Kẻ Giá tức làng Cổ Sở, nay là xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, cách đình Dị Nậu chỉ 7km đi qua sông Đáy.
[3] Tam vị đại vương gồm Đỗ Viện (sắc phong là Côn Lang), Đỗ Tuệ Độ (Đài Hoàng), Đỗ Hoàng Vân (Đào Bảo), theo truyền thuyết là 3 thế hệ liền từ ông đến cháu trong số những quan lại người Hán cai trị ở Giao Châu. Các ngài đã lãnh đạo dân sở tại dựng lập và bảo vệ làng Dị Nậu vào cuối thế kỷ IV, đầu thế kỷ V dưới thời Bắc thuộc, về sau con cháu đều trở thành người Việt.