Đình Hướng Dương

Đình Hướng Dương có từ thế kỷ XVII. Thờ 2 thành hoàng: Uy linh Tây vực đô thống và Thủy Tinh công chúa. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: RVJM+9H, xã Thắng Lợi, H. Thường Tín, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 25km (hướng 6h). Trạm bus lân cận: Đông Y Phúc Kiến - Chợ Cầu trên QL1A (xe 06a, 06c, 06d, 06e, 62, 101).

Lược sử

Đình Hướng Dương có từ thời Lê, nay thuộc thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Theo thần phả cất trong cung cấm, nơi đây thờ hai vị thành hoàng là “Uy linh Tây vực phù vận quốc minh mẫn đại vương” và “Kiền cung đế mẫu công chúa Thủy Tinh thần tiên quốc vương” (dân quen gọi là Vực Công và Thánh Mẫu), vốn là hai chị em sinh đôi vào thời Lý và có nguồn gốc thủy thần sông Hồng. Tương truyền nhị vị thành hoàng đã âm phù giúp vua Lý Nhân Tông dẹp giặc ngoại xâm ngoài biên ải.

Ngôi đình được xây dựng to lớn từ cuối thế kỷ XVII, khi đó tên làng là Lê Xá. Trong hậu cung đình hiện còn lưu giữ được 30 đạo sắc do các triều đại phong kiến trước kia của Việt Nam phong cho hai vị đại vương. Đạo sắc sớm nhất mang niên đại Dương Hòa thứ 5 (1639) dưới triều vua Lê Thần Tông (1607-1662). Đạo sắc cuối cùng là vào thời Nguyễn.

Trước đình Hướng Dương. Photo ©NCCong 2019

Kiến trúc

Đình Hướng Dương nằm ở cạnh ngã ba của con đường làng cũ, nơi có gốc đa cổ thụ rủ bóng xuống hồ bán nguyệt. Mặt đình nhìn qua bình phong và hồ nước về phía cổng làng ở hướng tây nam. Khuôn viên đình vuông vắn với mặt bằng xây dựng khá lớn và có cấu trúc hình "chữ Công" gồm 3 toà đại bái, thiêu hương và hậu cung.

Đại bái hình chữ nhật, gồm 5 gian 2 dĩ, cửa bức bàn, tường gạch, bốn mái đao cong, bên hồi có nhà bia. Khung nhà là bốn hàng cột của 6 bộ vì làm kiểu thượng chồng rường, hạ cốn bẩy. Những bức mê cốn đục chạm đề tài tứ linh, tứ quý. Hệ thống cột xẻ để khớp với câu đầu tọa lên bộ vì chịu lực đỡ mái. Một số mảng kiến trúc mang phong cách thời Lê với bộ vì kẻ chuyền và bộ vì kẻ góc, trên má thân của kẻ phía đầu có đục chạm kênh bong hình rồng phủ đầy tia mác lửa. Ở phía mái bờ guột còn có hai con kìm bằng đất nung màu xám tro cũng mang phong cách nghệ thuật thời Lê.

Hông đình Hướng Dương. Photo ©NCCong 2019

Hậu cung là nơi đặt khám thờ Thánh Mẫu. nằm song song với toà đại bái và nối với nhau qua toà thiêu hương tức ống muống, nơi đặt bài vị Vực Công. Khung hậu cung gồm 3 hàng cột gỗ tròn. Những bộ vì làm theo kiểu chồng rường giá chiêng. Trên đầu rường có nét chạm hoa văn thực vật. Đến thập niên 2010 xây thêm chiếc cầu bắc ra đảo nhỏ trên hồ và toà tiền tế ở trước đại bái. Tiền tế làm bằng bê-tông giả gỗ, không có tường bao.

Di sản

Đình Hướng Dương hiện còn bảo tồn được những hiện vật có giá trị. Đạng chú ý nhất là một quả chuông đồng nặng 80kg, mang tên “Hướng Dương linh điện”, đúc vào năm Nhâm Thìn đời vua Thành Thái (1892). Chuông tuy không lớn nhưng tiếng vang rất trong và ngân lâu. Trong bài minh khắc trên chuông có ghi tên những người hưng công việc đúc chuông.

Trong đình Hướng Dương. Photo ©NCCong 2019

Tiếp theo còn có tấm bia đá khắc bài văn “Đoàn giáp hậu vị bi ký”, bia cao 120cm, rộng 80cm. Trán bia được trang trí bằng hoa văn lưỡng long chầu nguyệt với rồng mây, sen trúc. Lòng bia khắc 25 dòng chữ Hán, được soạn vào năm Kỷ Sửu niên hiệu Khải Định 10 (1925). Ngoài ra ở đại đình còn sót lại một số mảng kiến trúc bằng gỗ tốt với hình rồng được chạm khắc khá tinh vi.

Hàng năm nhân dân địa phương tổ chức lễ hội đình làng vào ngày 12 tháng Hai âm lịch với đám rước kiệu Vực Công và Thánh Mẫu. Rằm tháng 10 lại có lễ tế kỷ niệm ngày thắng trận của Vực Công. Ngày 16-1-1995, Bộ Văn hoá và Thông tin đã xếp hạng đình (và chùa) Hướng Dương là di tich lịch sử văn hóa quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2019, Huong Duong village hall