574 Dau pagoda
Chùa Dâu (Phúc Ân Tự)
q.Cầu Giấynhà Nguyễnsông Tô LịchChùa Dâu có trước thế kỷ XX, mới xây lại. Tên chữ: Phúc Ân Tự. Vị trí: số 6 phố Hoàng Quốc Việt, 2RW3+M5, Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 6km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: đầu phố Hoàng Quốc Việt, hoặc ngã phố Hoàng Hoa Thám - Đường Bưởi.
Lược sử
Chùa Dâu có tên chữ là Phúc Ân Tự, xưa kia vốn thuộc làng Dâu tức thôn Vạn Long. Các cụ già địa phương kể rằng chùa được lập từ rất lâu đời và toạ lạc ven dòng sông Tô Lịch ở khúc uốn quanh phía tây kinh thành Thăng Long, không xa chùa Nền và chùa Láng. Ngoài thờ Phật chùa này còn thờ người chị gái của thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Khoảng thời gian từ khi phát xít Nhật vào chiếm Đông Dương cho đến Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa Dâu là một trong các địa điểm hoạt động bí mật của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội. Chùa còn trở thành nơi hội họp, liên lạc của các cán bộ Việt Minh và cất giấu vũ khí của lực lượng kháng chiến chống Pháp.
- Cổng chùa Dâu Nghĩa Đô. Photo NCCong ©2019
Trải qua các cuộc chiến tranh liên tiếp kéo dài trong thế kỷ XX ngôi chùa bị đốt cháy và hư hỏng nặng nề. Nhiều pho tượng cổ và đồ thờ tự quý giá bị thất lạc hoặc phá huỷ. Cụ Sư Ký là vị trụ trì đã vận động nhân dân đóng góp tiền của và công sức để tôn tạo và khôi phục chùa Dâu.
Sau 1954, khuôn viên chùa Dâu từng bị Nhà nước trưng dụng cho Hợp tác xã Nghĩa Long mở rộng sản xuất. Năm 1991 dân làng đã viết đơn đề nghị trả lại ngôi Tam bảo và UBND huyện Từ Liêm đã chấp thuận. Ngày 1-4-1993 UBND xã Nghĩa Đô đã giao đất để cho chùa chuẩn bị trùng tu.
- Gác chuông chùa Dâu Nghĩa Đô. Photo NCCong ©2019
Tháng 8 năm 1996 dự án mở rộng đại lộ Hoàng Quốc Việt được UBND TP Hà Nội phê duyệt, cho nên nhà chùa phải điều chỉnh kế hoạch di dời và xây dựng lại. Ngày 24-11-1998 khởi công, đến 24-1-2000 hoàn thành. Ngày 9-5-2000 nhà chùa di chuyển xong nội thất thờ tự về các toà nhà mới và tiếp tục công việc Phật sự.
Kiến trúc
Chùa Dâu hiện nay có tổng diện tích 800m2, cổng mang biển số 6 đại lộ Hoàng Quốc Việt, thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. Trước kia, chùa nằm ở vị trí giữa đại lộ, còn nay thì mặt tiền là một bức tường dài nằm dọc theo hè phố. Các hạng mục tuy mới hoàn toàn nhưng vẫn theo kiến trúc truyền thống với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
- Tiền đường chùa Dâu Nghĩa Đô. Photo NCCong ©2019
Tam quan chùa được xây kiểu gác chuông 3 tầng với 3 cửa ở giữa 4 trụ biểu, trên 8 mái đều đắp ngói giả... Bên trái có cổng phụ dẫn vào miếu thổ địa, lò thiêu hương và nhà hữu vu. Phía sân sau và hai bên là 3 bức tường ngăn với khuôn viên của Tổng cục Tiêu chuẩn—Đo lường—Chất lượng.
Sau tam quan là một sân ngắn dẫn qua 9 bậc lên thềm toà tiền đường rộng 5 gian với hàng cột bê tông giả gỗ. Bên trong bài trí như ngôi chùa Bắc tông, hai bên Phật điện là thiêu hương. Mặt bằng chùa hình "chữ Công", phía sau thượng điện là khu nhà khách, nhà tăng, nhà Tổ, nhà Mẫu.
- Trong chùa Dâu Nghĩa Đô. Photo NCCong ©2019
Di tích lân cận
- Chùa Hoa Lăng: ngõ 58 Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa.
- Chùa Mật Dụng: số 444 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Đồng Cổ (Kẻ Bưởi): số 353 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đền Quán Đôi: số 178 Nguyễn Đình Hoàn, phường Nghĩa Đô.
- Đình An Thái: số 596 phố Thụy Khuê, phường Bưởi.
- Đình An Phú: số 91 phố Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô.
(574 chua Dau (Nghia Do) ©NCCông 2015-2019)