591 Binh Vong community hall

Đình Bình Vọng

h.Thường Tínnhà Trầnsông Hồng

Đình Bình Vọng có từ trước năm 1613. Thờ: Tam vị thành hoàng. Lễ hội: 7-8 tháng Ba âl. Xếp hạng: di tích quốc gia (1999). Vị trí: xã Văn Bình, VVG8+F97, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 18 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Đd cột mốc H5/12 trên đường ĐT427.

Lược sử

Thôn Bình Vọng có từ thời Lý, tên Nôm là làng Bằng, nằm ở phía bắc thị trấn Thường Tín, cách sông Hồng và sông Nhuệ gần 4km đường chim bay. Trước tháng 8-1945 vốn là xã Bình Vọng, thuộc tổng Hà Hồi, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông; hiện nay thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín, TP Hà Nội.

Tương truyền thời Lê sơ, thầy phong thuỷ Tả Ao đi qua làng nói: “Bình Vọng tựa như vân tán, thế địa linh tất sinh nhân kiệt”. Hồi đó dân làng làm ra rượu sen tiến vua, được Nguyễn Trãi ghi trong sách “Dư địa chí”. Ca dao có câu: “Xứ Nam nhất chợ Bằng, Vồi”. Thời Nguyễn, sách “Đại Nam nhất thống chí” cũng ghi: “Chợ Bình Vọng ở huyện Thượng Phúc, là chợ lớn trong phủ Thường Tín”.

Đình có từ lâu đời, ít nhất cũng trước năm 1613. Trong cung cấm thờ bài vị của 3 thành hoàng làng là: Đệ nhất tối linh thần Tuấn Lương Thành - tướng họ Đỗ, Đệ nhị tối linh thần Thục Diệu - công chúa nhà Trần, Đệ tam tối linh thần Chiêu văn vương - thái uý Trần Nhật Duật.

Tam quan đình Bình Vọng. Photo NCCong ©2020

Theo thần tích, xưa ở huyện Tống Sơn, Thanh Hóa, có người họ Đỗ tài năng, mưu lược. Vào thời Lý, giặc giã nổi lên, ông được lệnh vua đi dẹp. Giặc tan, lúc trở về qua đất Bình Vọng, bỗng trời nổi trận phong ba, ông một mình một ngựa, tùy thân có một thanh gươm và ngọn cờ đào rồi hóa. Dân làng lạy tạ và dựng một ngôi đền bằng tranh tre để thờ. Sau đó, vua Lý trên đường đi đánh giặc Cự Long (Ái Châu) có dừng chân trước miếu, thấy đại vương hiển linh và xin được âm phù. Quả nhiên mới giao tranh một trận, giặc đã bị dẹp tan. Khi khải hoàn về kinh, vua nhớ công của thần đã sai dân xây miếu và lợp ngói, ban biển vàng “Linh ứng điện”.

Đến đời nhà Trần có nàng công chúa đoan trang, thuần hậu, được vua phong cai quản địa phận Bình Vọng. Tại đây, bà xin vua miễn tô thuế cho dân. Lại sai đào một con ngòi ở phía nam làng, gọi là ngòi Nam Lang để tiện cho thuyền bè qua lại. Khi công chúa và vua cha tới thăm chùa Báo Quốc, thuyền ngự đi về thường có đám mây ngũ sắc vờn che. Có vị cao tăng chỉ vào công chúa mà bảo: “Đó là vị thánh nữ”.

Sau khi công chúa mất, dân nhớ ơn, viết sớ tâu xin lập đền phụng thờ, được sắc ban làm phúc thần. Năm 1285 trên đường đi đánh giặc Nguyên ở Hàm Tử Quan, thái uý Chiêu văn vương Trần Nhật Duật cho đóng quân tại Bình Vọng và vào cầu đảo ở đền. Truyền thuyết kể ngài được thần nhân báo mộng “lần này ắt sẽ thắng to” rồi quả là như thế. Sau khi ngài mất, dân xã đã lập miếu thờ ngay bên cạnh tòa thành đất của phủ Thường Tín, cách không xa bến Chương Dương.

Trong đình Bình Vọng. Photo NCCong ©2020

Ngày 19-2-1999, đình Bình Vọng được xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình Bình Vọng nằm liền kề chùa Báo Quốc (tương truyền được xây từ thời Lý), cả hai cùng nhìn về phía đông nam qua sân rộng và đường làng. Tam quan của đình được xây ba tầng, lợp ngói ống giả, trông khá đồ sộ, mỗi cổng đều có trụ biểu đắp câu đối chữ Hán. Hai bên cửa chính có phù điêu hình hộ pháp, phía sau là sân gạch, phương đình rồi đến toà tiền tế 5 gian kết nối với hậu cung 3 gian.

Có một vườn muỗm cổ thụ trên bán đảo nhô ra hồ nước phía trước chùa và đình. Cuối vườn là một chiếc cầu gỗ xinh xinh bắc qua bờ bên kia. Cầu gồm 7 gian lợp ngói mũi hài, dài gần 20m, rộng hơn 3m, hai bên có dãy bục gỗ để ngồi chơi. Mỗi đầu dầm cầu có chạm hình đầu rồng khá cầu kỳ, các cây cột giữa được khắc 4 đôi câu đối... Cầu được xây lại vào thập niên 2000, gần 60 năm sau khi bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp.

Hồ đình Bình Vọng. Photo NCCong ©2020

Di sản

Đình có nhiều bia cổ. Bia “Bình Vọng xã đình bi” dựng năm Vĩnh Tộ 3(1613) ghi rõ 6 điều lệ làng xử người phạm tội trộm cắp, tội nói năng bừa bãi, tội cố ý gây thù oán với người xung quanh. Bia thứ hai khắc năm Phúc Thái 4 (1646) nêu quy ước của làng về ruộng đất: “Ai cậy quyền thế lấn chiếm đất công sẽ bị xử tội, ai trốn chạy thì bắt anh em thay thế và tịch thu ruộng đất hoặc phạt 100 quan tiền”.

Bia thứ ba tạc năm Khánh Đức 2 (1650) kể chuyện bà đồng Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh giỏi tiên tri, được Chúa Trịnh phong tước hầu, lại cấp cho 92 mẫu 3 sào đất. Trước khi mất, bà đã hiến cho làng số ruộng đó và mua hậu thêm 21 mẫu ruộng tư cho làng phụng thờ tế tự.

Làng còn có văn chỉ để nêu cao truyền thống hiếu học, đây từng là nơi Hội trưởng Hội Truyền bá quốc ngữ Nguyễn Văn Tố về khai mạc khóa học chữ quốc ngữ đầu tiên. Từ thế kỷ XV đến XIX, trong làng có nhiều tiến sĩ Nho học, gồm: Trần Lư [1] đỗ năm 1502; Nguyễn Hữu Đăng (1667); Nguyễn Tuyền (1718); Trần Trọng Liêu (1733); Lê Nguyễn Thường (1772); Lê Tông Quang (1822); Nguyễn Tông (1829); Nguyễn Hinh (1848).

Đình Bình Vọng. Photo NCCong ©2020

Hội làng được tổ chức hàng năm trong 2 ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Ba âl để tưởng nhớ công đức của 3 vị thành hoàng.

Di tích lân cận

591 dinh Binh Vong ©NCCông 2019-2020


[1] Trần Lư từng hai lần đi sứ, về nước truyền nghề vẽ sơn thếp cho dân làng và nhiều nơi khác. Ông còn được thờ ở đình Hà Vỹ phố Hàng Hòm và ở phố Nam Ngư hiện nay cũng có dấu tích đền thờ tổ nghề vẽ sơn.