610 Gia Lam community hall
Đình Gia Lâm
h.Gia LâmBắc thuộcsông ĐuốngđìnhĐình Gia Lâm có từ thế kỷ XVI. Thờ thành hoàng: Phổ tế Hộ pháp Đại vương. Lễ hội: 11 tháng 2 âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 3225+5C, xã Lệ Chi, H. Gia Lâm, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 21 km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: bến cuối trên quốc lộ QL17 (xe 52a)
Địa lý
Thế kỷ XVIII, Lệ Chi có tên là tổng Cổ Biện, sau đổi thành Cổ Giang, thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Xã nằm ở bờ nam sông Đuống; diện tích tự nhiên 810 ha, dân số trên 11.000 người, gồm 2.286 hộ của 6 thôn (Sen Hồ, Kim Hồ, Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm, Cổ Giang) và một cụm dân cư là nông trường Toàn Thắng.
Lược sử
Đình thôn Gia Lâm có từ thời Lê. Tương truyền đình xây trên nền ngôi trường cũ của thành hoàng làng là Phổ tế Hộ pháp cư sĩ. Theo thần phả, ngài họ Đặng, sinh tại Gia Lâm vào cuối thời Tây Hán. Năm 18 tuổi còn đang đi học thì cha mẹ đều mất. Về sau ngài được Hán Ai Đế cử làm thái thú Giao Châu. Đến đời Hán Bình Đế, Vương Mãng cướp ngôi. Ngài không chống lại được, chạy về tới Long Biên thì mất vào ngày 10 tháng 8 âm lịch, khi chưa đầy 50 tuổi.
Ngài từng mở trường dạy học và dùng nhân nghĩa thuyết phục được bọn giặc cướp quy hàng. Đời sau, ngài vẫn hiển linh phù hộ vua Trần, vua Lê đánh giặc nên được các triều đại ban sắc phong làm thượng đẳng phúc thần kèm thêm nhiều mỹ tự.
- Cổng đình Gia Lâm. Photo ©NCCong 2017
Năm 1994 ngôi đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Xưa kia trước đình có hai cây gạo cổ thụ, bên trái là ao đình, bên phải là văn chỉ. Cạnh văn chỉ có một giếng cổ hình tròn mà dấu tích còn lại là những chân đá tảng lớn. Đình vốn có hình “chữ Nhị”, gồm đình Thượng và đình Hạ, đều rộng năm gian hai dĩ và ngăn cách nhau bởi một máng lấy sáng. Đình Thượng nối với hậu cung ba gian, mái đình có các đầu đao cong trang trí hình chim phượng. Từ lâu, đình Thượng và đình Hạ không còn nữa, trừ phần hậu cung đã được tu tạo nối dài với toà tiền tế theo hình “chữ Đinh”.
Kiến trúc
Đình thôn Gia Lâm hiện nay toạ lạc trong một khuôn viên nhỏ, xung quanh xây tường bao kín, bên ngoài có bảng xi măng ghi rõ tên di tích lịch sử quốc gia và năm xếp hạng 1993. Cổng tam quan gồm bốn trụ biểu, cửa giữa mở ra con đường lớn ở đầu làng, hai cửa phụ bị bịt. Sân trước giáp với hai nếp nhà tả hữu vu đều gồm ba gian, kiến trúc đơn giản. Tiền tế ở giữa nhìn về hướng đông, gồm ba gian cửa gỗ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai.
Di sản
Trong đình vẫn lưu giữ được những hiện vật rất quý hiếm và đồ thờ tự có từ thế kỷ XVI. Hiện tại thôn Gia Lâm còn một tấm bia đá hai mặt, phần đế có kích thước 67 x 55cm, dựng từ đời vua Lê Anh Tông 黎 英 宗 (1532-1573). Nội dung của bia trùng với thần phả chép năm 1740, ghi rõ: “Phả lục một vị Đại vương đời Hán Chiêu Đế được các đời sắc phong tặng. Bia dựng ngày tốt tháng giêng năm Hồng Phúc nguyên niên, thần là Nguyễn Bính, Đông Các đại học sỹ ở Viện hàn lâm kính cẩn soạn văn bản chính. Ngày tốt tháng 8 năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), thần là Nguyễn Hiền, Quản giám Bách linh Hùng lĩnh Thiếu khanh, tuân theo y bản chính để soạn lại.”
- Sân đình đình Gia Lâm. Photo ©NCCong 2017
Long ngai và bài vị đều là hiện vật mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Kích thước không lớn lắm nhưng được sơn son thếp vàng rực rỡ. Tay ngai uốn cong kết thúc bằng hai đầu rồng trong dáng vươn lên. Rồng được chạm kỹ đến từng chi tiết. Bài vị chia làm ba phần đỉnh, thân, đế. Đỉnh là một mặt trời lửa, xung quanh chạm hoa lá văn xoắn. Thân hai bên chạm văn sóng nước, ở giữa chạm văn mây rồng uốn lượn và đề chữ ghi chép về thần hoàng. Đế làm theo kiểu thắt, ở giữa chạm hoa văn hình học. Kiệu long đình mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Đòn kiệu lớn phía trên chạm rồng thời Lê, bờm dài, dáng khoẻ khoắn vươn về phía trước. Trong đình còn treo một hoành phi sơn son thiếp vàng đề 4 chữ “Dữ quốc đồng hưu” nghĩa là cùng tốt lành với đất nước.
Hàng năm dân làng tổ chức 5 lễ hội. Ngày 10 tháng giêng âm lịch là lễ khai hạ, mổ lợn tế. Ngày 11 tháng 2 là lễ sinh nhật Đức Thánh, mở hội 3 ngày, rước kiệu từ nghè về đình và từ đình về nghè. Ngày 10 tháng 3 là đại lễ mừng công, mở hội 10 ngày, mặc y phục xưa, có 22 người phù giá, dâng bánh dày và mía. Ngày 19 tháng 3 rước lên chùa Xuân Quan (chợ Giàn, Bắc Ninh) làm lễ thỉnh Phật, có hát cửa đình. Ngày 10 tháng 8 là lễ hoá, có gói bánh chưng đường mật.
Di tích lân cận
- Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh): thôn Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành.
- Chùa Hương Hải Thiền: thôn Chi Đông, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm.
- Chùa Keo (Báo Ân Trùng Nghiêm Tự): thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
- Đình, nghè Kim Sơn: thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
- Đình Giao Tự: thôn Giao Tự, xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm.
©NCCông 2017, Gia Lam community hall