616 Ngoc Khanh community hall

Đình Ngọc Khánh

quận Ba Đìnhthời Lýsông Kim Ngưu

Đình Ngọc Khánh có từ thế kỷ XVIII. Thờ 3 vị phúc thần: Linh Lang, Hoàng Phúc Trung, và Bà chúa Kho. Lễ hội: 23 tháng Ba âl. Xếp hạng: di tích thành phố (2006). Vị trí: số 68 Phạm Huy Thông, 2RH6+HMM, Ba Đình, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 4 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: 35 Nguyễn Chí Thanh (xe 12, 22a, 27, 107), Đd 537 Kim Mã (09, 09ct, 27, 28, 32, 34, 38), Đd 957 Đê La Thành (26, 49), Vinhomes Metropolis (22a, 32, 34, 107)

Lược sử

Làng Ngọc Khánh được tách từ trại Giảng Võ, một trong “Thập tam trại” lập ra từ thời Lý ở phía tây nam hoàng thành Thăng Long. Về sau 13 trại đó đông lên, trở thành các làng, xã thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ nhưng vẫn giữ quan hệ kết chạ với làng gốc Lệ Mật, nay thuộc phường Việt Hưng, quận Long Biên.

Tại nơi giáp với trại Thủ Lệ từng có cửa Bảo Khánh Môn đi qua bức thành đất mà dấu vết còn lưu ở tên phố Đê La Thành. “Đại Việt Sử ký Toàn thư” viết: Năm 1170 vua Lý Anh Tông "tập bắn, tập cưỡi ngựa ở phía Nam thành Đại La, gọi nơi đó là Xạ đình". Hiện nay địa danh Giảng Võ vẫn tồn tại ở tên phường bên cạnh.

Cổng đình Ngọc Khánh. Photo NCCong ©2020

Thời Pháp thuộc, xã Ngọc Khánh có lý trưởng và phó lý riêng, đất rộng, dân số hơn 200 nhân khẩu năm 1928. Làng không có cơ sở tôn giáo, các Phật tử thường đi lễ ở chùa Kim Sơn, còn số ít dân theo Ki-tô giáo thì trước kia thường đến nhà thờ Liễu Giai [nay là khách sạn La Thành].

Xã Ngọc Khánh có nhiều ao hồ, một số đã bị lấp cùng đợt di dời nghĩa trang Phúc Thiện vào cuối thế kỷ XX. Năm 1983 khi cải tạo hồ Ngọc Khánh đã phát hiện một di tích được cho là nền điện Giảng Võ và một bộ sưu tập vũ khí cổ bằng sắt thời Lê trung hưng gồm nhiều loại: súng lệnh, câu liêm, giáo, qua, trường, chông cắm các loại, đạn đá... (hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội).

Vùng này sau trở thành phường Cầu Giấy, đến ngày 22-11-1996 đổi trở về tên phường Ngọc Khánh.

Hông đình Ngọc Khánh. Photo NCCong ©2020

Đình có từ thế kỷ XVIII, bên trong thờ Tam vị thượng đẳng thần. Thứ nhất là Hoàng Phúc Trung - vị thái giám thời Lý có công lập ra “Thập tam trại”, được thờ chính tại đình Lệ Mật. Thứ hai là Bản cảnh thành hoàng Linh Lang đại vương - vị hoàng tử nhà Lý, được thờ chính tại đền Voi Phục (Thủ Lệ). Thứ ba là Lý Châu Nương, thường gọi Bà Chúa Kho - vị nữ tướng thời Trần, được thờ chính tại đình Giảng Võ.

Khởi công từ tháng 9 năm 2007, di tích đình Ngọc Khánh đã được tu bổ chống xuống cấp các hạng mục: cổng nghi môn, ban thờ Mẫu, nhà phương đình, nhà đại bái và hậu cung... Công trình được đầu tư với hơn 1,2 tỷ đồng huy động từ các nguồn ngân sách, quỹ vận động và xã hội hoá nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Sân đình Ngọc Khánh. Photo NCCong ©2020

Kiến trúc và di vật

Cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán, hai bên có phù điêu hộ pháp. Đình nhìn về phía đông nam qua sân và cổng ra hồ Ngọc Khánh. Bên tả có một cây đa cổ thụ. Khuôn viên đình khá hẹp do bị thu nhỏ diện tích. Sau sân gạch là phương đình kiểu 2 tầng 8 mái. Liền kề phía sau là toà đại bái với hậu cung đều 3 gian tường hồi bít đốc và nằm sát nhau thành hình “chữ Nhị”. Hậu cung xây kiểu chồng diêm nên nhô cao hơn.

Trong đình hiện lưu giữ 4 đạo sắc phong, sắc sớm nhất mang niên hiệu Minh Mệnh 2 (1821). Lại còn một số đồ tế khí và trang trí như: chuông, trống, khánh, đỉnh đồng, lư hương, lộ bộ, hoành phi, câu đối và đôi ngựa hồng bạch bằng gỗ, chân gắn bánh lăn, đa số là tạo tác của thế kỷ XIX và XX. Hội đình hàng năm được tổ chức vào ngày 23 tháng Ba âm lịch.

Đường vào đình Ngọc Khánh. Photo NCCong ©2020

Năm 2006, đình Ngọc Khánh được UBND thành phố Hà Nội xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2020, Ngoc Khanh community hall