62 Overview of Viet Nam Community Halls

Sơ lược về đình Việt Nam

đình

Vì quan hệ mật thiết lịch sử với dân tộc, và sinh hoạt của hương thôn, nên khắp Việt Nam, làng nào cũng có một cái đình, kiến trúc công phu và cổ kính.

PHONG TỤC VÀ SỰ TÍCH ĐÌNH LÀNG

Đình đã đóng một vai trò quan trọng trong mỗi làng. Vì đình chẳng những là nơi thờ cúng vị Thần Hoàng làng, người che chở bảo vệ cho dân làng trong công việc mưu sinh, cầy cấy hằng ngày, mà lại còn là chỗ họp của các vị hương chức để thảo luận, xét xử việc công, hay tổ chức cúng tế trong những kỳ đại lễ.

Ngoài ra, theo lời những hương chức làng Yên Sở (tỉnh Hà Đông) cho biết thêm thì ngày xưa đình còn là nơi dành để nhà Vua nghỉ chân tạm, trong khi đi du hành ngang qua đó. Chúng tôi thấy điều này chưa chỉnh lắm do nhận thấy có nhiều ngôi đình nằm ờ một địa điểm u tịch, rất xa đường cái mà nhà Vua có thể vi hành qua. Vả nữa, kiểu đình làng xây cất lại khác hẳn với kiểu hành cung, và không thể nào dùng làm chỗ nghỉ ngơi được. Hơn nữa, nếu không nằm ngay trên con đường vi hành của nhà Vua thì cấp thời, dân làng đó vẫn phải tức tốc cất lên những dãy nhà khác tiện cho Vua nghỉ chân dọc đường, cũng như “hành cung” ở mỗi tỉnh.

Lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung

Vị thần thờ ở đình có khi là thiên thần như: Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh, Tản Viên, Phù Đổng (trong “Tứ bất tử”).

  • Chử Đồng Tử, đệ nhất tứ bất tử, người làng Chử Xá, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh, thường gọi là Chử Đạo Tổ, con trai của Chử Cù Vân.
  • Bà Liễu Hạnh, đệ nhị tứ bất tử, người làng Vân Cát, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, ái nữ của Lê Thái Công.
  • Tản Viên, đệ tam tứ bất tử, sinh quán ở vùng Ái Châu, huyện Thanh Sơn, phủ Hưng Hoá, tỉnh Sơn Tây.
  • Phù Đổng Thiên Vương, đệ tứ tứ bất tử, người làng Phù Đổng, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh.

Đình có khi thờ các vị nhân thần hay phúc thần như Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lý Ông Trọng, Phạm Ngũ Lão. Đồng thời cũng thờ những người đã dày công sáng lập ra làng như :

  • Nguyễn Cẩn lập ra làng Đồng Lâm, tỉnh Hải Dương.
  • Hoàng Cao Khải lập ra ấp Thái Hà, tỉnh Hà Đông.
  • Nguyễn Công Trứ lập ra các làng ở hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải, tỉnh Ninh Bình và Thái Bình.

Ngoài ra đình lại còn thờ một thứ Thần đã chết bất đắc kỳ tử trong giờ thiêng. Những người này đều được dân làng nơi đó thờ làm Thần, bất kể chức tước hay nghề nghiệp. Chẳng hạn như làng Lộng Khê, huyện Phù Dực, tỉnh Thái Bình, đã thờ Thần ăn trộm ; làng Đông Thôn, huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông, đã thờ Thần trẻ con; làng Thư Lang, tỉnh Hà Nam thờ Thần ăn mày; làng Noi tỉnh Hà Đông, làng Cổ Nhuế (Sơn Tây) thờ Thần gắp phân (ở miền Bắc có nghề đi gắp phân để làm phân bón cây, trái, rau…) ; làng Mạc Hạ, tỉnh Hà Nam, thờ Thần đánh vật; làng Khắc Niệm Thượng, huyện Vũ Giàng, tỉnh Bắc Ninh thờ Thần cụt đầu.

Sự tích mỗi vị thần có ghi chép trong thần tích hay kinh sách, dân làng giữ rất kín cùng với thần sắc của Vua ban. Thần sắc có 3 bực: Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần và Hạ đẳng thần.

Làng nào không có thần để thờ, thì thờ tạm vị Thổ thần bản thổ.

Hội làng Dương Liễu (EFEO 1928)

Hằng năm, đến ngày linh hay ngày kỵ của Thần, dân làng tổ chức lễ nhập tịch hay đại hội, hoặc gọi là vào đám hay vào hội. Lễ này rất lớn, có nhiều nghi tiết trọng thể và nhiều cuộc chơi như : hát chèo, chạy chữ, đánh cờ người, cướp cầu, chọi gà, chọi chim, đánh vật, con trai giả gái làm “con đĩ đánh bồng”.

Trong lễ này, mỗi làng có một nghi tiết đặc biệt gọi là hèm, người ta bày trò để nhắc lại tính tình, sự nghiệp hoặc sinh bình của vị thần làng thờ. Ví dụ như làng thờ thần ăn trộm thì ban đêm, con trai, con gái trong làng đốt đuốc đi lùng xung quanh đình giả vờ đi tìm kẻ trộm. Trong khi ấy, người thủ từ lấy tượng thần đưa qua lỗ ngạch, có ông tiên chỉ đứng chực sẵn ở phía ngoài, nắm lấy cổ tượng thần đấm 3 đấm, rồi bỏ lên kiệu rước lại vào đình.

Làng thờ thần gắp phân thì trên hương án phải có một bộ quang gánh để đựng phân, một cái gàu nhỏ để xúc phân, sơn son thiếp vàng.

Trong gánh người ta lấy chuối, xôi, nặn cho giống những cục phân và đặt vào đó để thờ.

Làng thờ thần ăn mày có một tượng thần giống như người ăn mày đặt trước cửa, tay cầm gậy bị, đều sơn son thiếp vàng, và người thủ từ phải luôn luôn sẵn sàng, hễ làng lân cận có việc gì đánh trống, đánh mõ để vào đám, thì ông cũng phải gióng trống, đánh mõ đình làng mình lên, kẻo thần sẽ xuất ngoại mất. Vì thần vốn là ăn mày !

Làng thờ thần đánh vật thì ngày lễ phải mời trai các làng bên đến đánh vật trước sân đình.

Làng thờ thần cụt đầu, thì đến ngày vào đám người ta bày một con lợn sống, có một người cầm gươm chém đứt đầu con lợn, rồi bỏ vào nồi nước mắm đang sôi, xong đặt lên hương án để cúng.

Nếu không làm đúng vậy, làng sẽ bị động, làm ăn lục đục, hoặc mất mùa, hoặc bị dịch tả…

KIỂU VÀ CÁCH

Kiểu đình cổ nhất ở Việt Nam, gồm hai ngôi nhà lớn, bốn mái, cất song song và bằng nhau. Về sau kiểu này không thông dụng nữa.

Người ta kiến tạo đình theo kiểu hình chữ Đinh (T ngược) và hình chữ Công (tức là I). Đình kiến trúc theo kiểu này, chia ra làm 2 phần cách biệt :

Phần dọc gọi là đình trong hay hậu cung, hoặc nội điện, là chỗ thâm nghiêm nơi thờ thần hoàng. Phần ngang gọi là đình ngoài hay tiền tế hoặc đại bái. Trong hậu cung thường có tượng hoặc bài vị của thần hoàng làng thờ, ở trong long ngai hoặc long khám. Trên bàn hương án có hòm sắc, đựng sắc phong và kinh sách, cùng những bộ thờ tam sự, hay ngũ sự, có đài rượu, quả, trầu, v.v…

Trước bàn hương án có bày các đồ nghi trượng và lễ bộ như: loan giá, long đình, bát bửu, cờ quạt, tàn tán.

Gian đình ngoài chia làm ba khoảng : giữa gọi là trung đình, nơi tế tự, hai bên gọi là gian tả và gian hữu. Trong hai gian này có kê bàn thờ thổ địa hay thờ bộ hạ của thần, hoặc hậu thần.

Đồng thời nơi đây cũng là chỗ để hằng ngày các vị hương chức thường xuyên hội họp, xét xử mọi việc công, cũng như nhà việc hay nhà làng bây giờ vậy. Ở hai bên tả hữu đình làng thường có thêm hai giãy hành lang xây cất cách đơn sơ, dùng làm nhà bếp, nơi giết trâu bò, sắp dọn cỗ bàn trong những ngày tế lễ. Chẳng hạn như đình làng Phú Mẫu tỉnh Bắc Ninh.

Kiểu này rất gọn và đẹp đẽ, nhưng cũng có một vài nơi khác, người ta chỉ cất đình không thôi, chẳng có hành lang. Hoặc giản dị hơn, người ta cất đình theo kiểu hình chữ nhật.

Tuy vậy, cũng có những làng trù phú cất đình đồ sộ gồm nhiều gian hơn. Ví dụ như đình làng Quan Tứ tỉnh Vĩnh Yên.

Cấu kiện đình ©Viện Bảo tồn di tích 2017

A. Khung
Cũng như nhà cửa, phần nhiều đình đều kiến trúc bằng gỗ và lợp ngói. Vì nước Việt Nam có nhiều gỗ quí và kỹ nghệ xây gạch chưa đạt đến mức tinh vi. Khung đình người ta thường làm bằng các loại gỗ quí có tính chất bền dẻo, chắc và kỵ mọt, mối, v.v… như : lim xanh, sến mật, gụ sừng và táu mật.

Sau khi đoàn thợ mộc đã đục, chạm xong bộ khung rồi, người ta mới làm lễ dựng khung lên. Khung đình cấu tạo tương tự như bộ sườn nhà, duy chỉ khác có sự chạm trổ công phu hơn, gỗ quí hơn và thường khi có những bộ cột to cả người ôm không hết.

Thợ mộc làm nhà ở Việt Nam ngày xưa không phải là những kiến trúc sư xuất thân ở một trường chuyên nghiệp nào cả. Họ chỉ học theo lối kinh nghiệm truyền khẩu và bắt chước. Tuy vậy, những bộ khung đã đục chạm sẵn, rời rẽ ở bên dưới đến khi dựng lên cũng ít khi bị sai chạy bao giờ. Vì thế người miền Bắc thường gọi công việc xây dựng nhà cửa, đình chùa là: “làm dưới đất mà cất lên trời”.

Câu này đã minh chứng đầy đủ nghệ thuật kiến trúc của người Việt Nam ngày xưa.

Tất cả bộ khung này được đặt chắc chắn trên những hòn tảng bằng đá có trang trí hay đẽo gọt đẹp đẽ.

Ngoài ra, nhiều đình còn xây thêm trụ đá để đỡ cái rầm. Bên Tàu, kiểu này đã phổ biến từ lâu, ở những trụ cột cán đền thờ dưới thời nhà Hán.

Nhưng về sau, thay vì xây trụ đá để đỡ rầm, người ta biến nó lần lần thành một đề tài trang trí trên những cuốn thư. Ví dụ như đình làng Thổ Hà, những cột đá này đã không còn có công dụng kiến trúc nữa mà chỉ có tính cách trang hoàng thôi.

B. Vách
Vách đình thường dựng ván, có khi cũng xây gạch. Mặt tiền thường làm cửa lùa, hay cửa xếp. Hai bên và mặt hậu dựng vách. Đình ít có cửa sổ vuông hay chữ nhật chấn song, thường làm cửa sổ tròn hình mặt nguyệt hay liên hoàn hay hoa, lá, mây, trái, v.v….

Đình thường không có gác, và chu vi thì rất rộng.

“Những đình, chùa, lâu đài Việt Nam thường làm bằng gỗ, không đổ móng, vì lý do thổ địa. Những hàng cột được đặt trên những hòn tảng đá, dễ tháo rời và di chuyển đi nơi khác. Đó là những kiểu nhà làm sẵn. Những kiến trúc ấy thường không có trần nhà và mái phải rộng lớn, thật nặng, dự phòng chống với bão, lụt” (P. Huard et M.Durand).

C. Mái
Mái đình thường rộng lớn, rất xuôi. Nếu có vào đình mới thấy đình cao; còn ở xa thì cảm tưởng như là rất thấp. Bốn đầu mái cong vút, nhọn lên những nét nhẹ nhàng, thanh lịch mà cũng rất cầu kỳ.

Những đầu mái ấy được thực hiện dưới những hình thức sau đây :

  • Giống kiểu của mái lều bằng vải dựng lên bằng cọc (lều hướng đạo).
  • Như một nhánh cây.
  • Một dự phòng để tránh ảnh hưởng xấu của những đường thẳng.

Nơi đầu “quyết” của những mái cong ấy, người ta còn chạm trổ nhiều đề tài trang trí như: cá, mây, hoa, lá, giây,…..

Hiện có thuyết cho rằng: kiểu ấy là ảnh hưởng của Trung Hoa từ trước. Theo chúng tôi, căn cứ trên nhiều di tích khác nhau có khắc hình trên đá thờ ở thời nhà Hán thì những đầu mái Trung Hoa cổ xưa đều thẳng tắp. Ví dụ những hình chạm nổi ở Long Mán trong tỉnh Hồ Nam, đề thế kỷ thứ VI.

Đến đời nhà Đường, phía Nam Trung Hoa mới bắt đầu xuất hiện kiểu mái cong và ảnh hưởng ấy lan dần lên miền Bắc nước Tàu.

Những di tích kiến trúc dưới thời nhà Đường rất hiếm, hiện nay không còn bao nhiêu để minh chứng điều trên, nên người ta phải nghiên cứu qua những hoạ phẩm đã sáng tác vào thời kỳ đó. Trong số, chỉ có bức tranh “Viên Minh Viên”, của Lý Châu Tạo, đã nói lên được cách linh động và đầy đủ hình ảnh kiểu mái cong. Tác phẩm này sáng tác vào thế kỷ thứ VII, cùng với hai hoạ phẩm khác, một của Lý Siêu Hùng và một vẽ trên tường của Tuấn Hoàng.

Đến đời nhà Tống, những mái cong đã rõ rệt lắm và phổ biến khắp Trung Hoa. Thời kỳ này, những hoạ phẩm của Trang Chu Tuấn cũng có ghi.

“….. Mái cong xuất hiện ở miền Nam nước Tàu, dưới thời nhà Đường, và rải rác ở miền Bắc. Chắc hẳn là ảnh hưởng miền Nam, tức kiểu indonésien” (thế kỷ thứ VII) (P. Huard et M. Durand).

Ở Việt Nam, người ta thấy những kiểu mái này cũng có ghi trên những chiếc trống đồng Ngọc Lũ đã tìm được ở Đông Sơn, Thanh Hoá.

D. Ngói
Hầu hết đình đều lợp ngói. Người Việt Nam có một kiểu ngói thuần túy là “ngói bằng” hay “ngói móc”.

Đến thế kỷ thứ X, ảnh hưởng của “ngói ống” Trung Hoa, người Việt Nam sáng tạo ra kiểu “ngói máng”. Đó là sự phối hợp hình thể của hai loại ngói móc và ngói ống. Ngói máng còn có tên là “ngói âm dương” và chia ra hai loại : ngói tiểu và ngói đại.

Đình cũng như chùa hay đền, miếu, thường lợp hai lần ngói. Lần đầu, bên dưới là lượt “ngói chiếu” có sơn phết sạch sẽ (trắng) hay có trang trí. Lần sau bên trên là lượt “ngói phủ”. Vì thế mái đình rất nặng.

TRANG TRÍ

Đình làng là một trong những kiến trúc mỹ thuật quan trọng nhất ở Việt Nam cũng như đền, chùa, miếu. Vì nơi đây, nghệ thuật điêu khắc và trang hoàng những sườn nhà đã được thực hiện một cách công phu, tỉ mỉ.

Tuy vậy, nếu so với chùa, đền, miếu, thì đình lại tỏ ra trang hoàng đơn sơ hơn hết. Đề tài trang trí vẫn là những mẫu cố định như tứ linh (long, ly, quy, phượng), bát bửu, tứ hữu, tứ thời, thảo mộc, hoa lá, loài vật, sư tử, cá, dơi, v.v…

NHẬN XÉT

Nguồn gốc đình hình như rất ít người biết đến, và cũng ít người dám cả quyết rằng đình là một ảnh hưởng Trung Hoa hay một dân tộc nào xa lạ khác?

Tuy vậy, trong sách “Duyên Châu phả chí” của Tàu cũng có đề cập đến nguồn gốc của Đình đã phát sinh ở Tàu dưới thời nhà Hán. Sách đó còn nói thêm, đình là một nơi mà dân chúng đã định cư yên ổn. Đình có tính cách “ngưng lại hay trú ngụ, xét xử hay giảng hoà”.

Những điều sơ lược trên vẫn chưa minh chứng được cách cụ thể rằng nguồn gốc của đình là ở Trung Hoa, mà chúng ta đã bị ảnh hưởng.

Sự thực, có một điều đáng để chúng ta chú ý là, hầu hết đình ở Việt Nam đều làm theo lối nhà sàn. Những kiểu nhà sàn này phần nhiều đều do dân “indonésien” sáng tạo.

Bằng cớ, hình ảnh những kiểu nhà sàn nầy hiện còn lưu lại trên những mặt những chiếc trống đồng Ngọc Lũ.

Vả nữa, kiểu nhà sàn rất thông dụng trước đây.