Làng Tây Tựu

Làng Tây Tựu 西 就 tức làng Đăm. Di tích quốc gia: miếu Thượng (1993), đình Đăm (1993), chùa Hưng Khánh (2000). Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Bơi Đăm (2018). Vị trí đình: 3P9J+JP, phố Đăm, P. Tây Tựu, Q. Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 17km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Đd THCS Tây Tựu (xe 20B, 57).

Giới thiệu

Du khách đi từ Cầu Giấy về phía tây theo đường quốc lộ QL32, đến ngã tư Nhổn rẽ tay phải đi chừng 1km sẽ thấy hai bên là các luống hoa của Tây Tựu, một trong những làng cổ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trước kia đây vốn là một xã nông nghiệp với truyền thống hiếu học, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Từ thời Hồng Đức đến thời Nguyễn, xã có 4 vị tiến sĩ, 5 hương cống, 5 cử nhân và khoảng 30 tú tài…

Đình Đăm. Photo: NCCong ©2019

Sang thế kỷ XXI, xã trở thành một phường thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội. Phường Tây Tựu vẫn còn lưu dấu những di tích lịch sử văn hóa như: Thủy đình, nhà Vũ ca, nhà Thuyền, đình Đăm, nhà Chính ngự, Văn chỉ, miếu Thượng….

Di sản văn hóa

Năm 2018, dân sở tại đã tổ chức lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho Lễ hội bơi Đăm, được tổ chức 5 năm một lần vào mùa xuân, khi nhà nông xong việc cấy cày. Hội làng diễn ra từ ngày 9 đến 11 tháng Ba âm lịch với các nghi lễ tín ngưỡng và trò chơi dân gian truyền thống mà sôi động nhất là cuộc đua thuyền nổi tiếng.

Tất cả 3 thôn Thượng, Trung, Hạ cùng nhau tổ chức vào đám và đua thuyền. Hội bơi Đăm tiến hành trên một nhánh cụt của sông Nhuệ dài gần 1km và rộng chừng 60m, còn gọi là Thủy Giang hay sông Pheo. Sau nghi lễ trình Thánh là cuộc đua thuyền, đội nào thắng sẽ được rước và chở ngai Thánh từ Thủy Đình về miếu Thượng. Các đội đua nhau tranh tài và trình diễn cho khán giả xem những ngón nghề như búng thuyền, vuốt góc, dóc thuyền, lạng thuyền...

Sân đình làng Đăm. Photo: NCCong ©2019

Tây Tựu gồm 3 thôn, còn gọi là 3 miền: Thượng, Hạ, Trung. Đây vốn là một xã thuần nông nghiệp ở ngoại thành Hà Nội, xưa kia tên là xã Tây Đàm, sau do kỵ tên huý Duy Đàm của vua Lê Thế Tông nên đổi thành Tây Đam, nhân dân quen đọc Tây Đăm, gọi tắt là Đăm. Đến thế kỷ XIX lại kiêng tên Phúc Đảm của vua Minh Mạng (1820–1840) mà đổi tiếp thành Tây Tựu. Gần đây ta thường được nghe danh “làng hoa Tây Tựu” bởi vì hiện tại làng có diện tích đất trồng hoa lớn nhất Hà Nội với hơn 300ha.

Đình Đăm thờ Đức thánh Tam Giang, còn gọi là Bạch Hạc Tam Giang. Từ cửa đình nhìn ra sông Pheo có hai nhà Thuỷ đình gần như liền kề, chỉ cách nhau khoảng 7m, được gọi Chính ngự trong và Chính ngự ngoài. Vào những ngày hội, kiệu của Đức thánh rước về được đặt ở nhà Chính ngự ngoài, còn Chính ngự trong là nơi diễn ra các cuộc tế lễ và sau đó là điểm xuất phát để rước kiệu Thánh ra ngự xem cuộc thi bơi thuyền.

Phố Đăm. Photo: NCCong ©2019

Bên trái và bên phải khoảng trống giữa Chính ngự trong và Chính ngự ngoài còn có hai nhà Thuỷ đình nhỏ hơn. Cạnh đó là những nếp nhà dài được gọi là dãy muống. Phía bên phải nhìn từ cửa đình ra có hai dãy muống, còn phía bên trái chỉ có một dãy, cạnh nó là Từ vũ. Trong Từ vũ có đặt một bia đá hình trụ, bên cạnh bia là hai ông phỗng ngồi canh.

Thuỷ tạ được xây dựng vươn ra mặt nước trên bờ sông và chia thành ba phần. Phần giữa là nơi ngự giá của kiệu Thánh, bên phải dành cho quan khách, bên trái là nơi dành cho các bô lão và thành viên hội đồng tế lễ. Tất cả nhìn ra khúc sông nay đã bị cụt nên còn gọi là đầm Đăm. Vị trí xuất phát đua thuyền là Thuỷ tạ và đích đến là trước cửa miếu Thượng, cũng thờ Đức thánh Tam Giang. Gọi là miếu nhưng thực chất đây là một ngôi đền lớn, trong đó còn giữ được khá đầy đủ bi ký và các đồ tế khí, hoành phi, câu đối.

Ngày mồng 9 tháng Ba khai hội với nghi thức tế lễ ở đình Đăm và cáo yết ở miếu Thượng, sau đó rước ngai Thánh về đình với đông đảo dân sở tại đi theo con đường chính của làng. Tới đình, kiệu Thánh được đặt ở Chính ngự ngoài rồi các lực sĩ cùng bô lão rước ngai Thánh vào đình và ngự tại đó. Các bước tế lễ của mỗi tuần tế được thực hiện đi qua quãng sân trước cửa đình rồi vào trong đình. Trong lúc các bô lão tế lễ thì ở hai gian cạnh đình có trải sẵn chiếu để khách thập phương và dân làng sắp lễ, chuẩn bị dâng lên bàn thờ Thánh.

Rồi chiêng trống nổi lên, các lực sĩ cùng các bô lão rước ngai Thánh từ trong đình ra Chính ngự trong. Kiệu đi thẳng từ Chính ngự trong qua Chính ngự ngoài tới con đường làng trước ao đình. Tới trước cửa Thủy đình, kiệu hạ xuống, các lực sĩ cùng các cụ rước kiệu vào đặt tại bệ giữa nhà Thủy tạ, cờ quạt, chấp kích được đặt trước mặt kiệu Thánh, hướng mặt ra sông. Một hồi chiêng trống nổi lên, pháo ở nhà Thủy tạ, hai bên bờ sông và trong đình nổ giòn giã báo hiệu Thánh an vị, hiệu lệnh cho các thuyền đua ở các ngả từ từ tiến vào gần Thủy tạ trong tiếng reo hò của người dân cổ vũ cho thuyền đua của thôn mình.

Hội bơi Đăm

Mỗi thôn Thượng, Trung, Hạ có hai thuyền đua. Thời xưa còn có thuyền thứ 7 gọi là thuyền quan để bơi theo giám sát cuộc đua. Thuyền đua dài tới 15m gồm 18 trai bơi và 6 người khác là ông lái (người lái thuyền), ông dô (người bắt nhịp chỉ huy), ông phất cờ, ông cầm lạng (người cầm sào, một đầu có móc sắt hình chữ U để chống và đẩy thuyền khi cần tránh xô vào thuyền khác), một người tát nước và một trọng tài có nhiệm vụ chỉ huy ngồi theo dõi các trai bơi và những người trong thuyền tuân thủ luật lệ quy định.

Trai bơi chọn trong độ tuổi từ 20-35, có kinh nghiệm, đạo đức tốt và khỏe mạnh, được dân trong xã đóng góp nuôi ăn trong 20 ngày trước lễ hội. Mỗi cuộc đua gồm 6 vòng. Sáng ngày 10-3 bơi hai vòng, chiều một vòng. Ngày 11-3 bơi ba vòng và kết thúc hội bơi, trao giải. Trong những ngày diễn ra đua thuyền, trên mặt đất diễn ra những trò thả chim, thi cờ người, chọi gà. Tây Tựu có truyền thống nuôi gà chọi và đã đi đấu ở nhiều nơi, đồng thời cũng là một lò vật với các đô lừng danh sẵn sàng tranh giải ở bất cứ đâu.

Di tích lân cận

©NCCông 2018-2021, Tay Tuu village